Một trong những mục tiêu trong Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021- 2025 đó là tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn để giải quyết những vấn đề then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sáng 24/4, đoàn công tác Bộ KH&CN do đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để trao đổi về các giải pháp phát triển KH&CN và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025.
Phát triển và ứng dụng thành tựu của KH&CN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu
Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, đồng chí Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Bình cho biết, hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực. Kết quả nhiều đề tài, dự án, mô hình mang tính ứng dụng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh ngày càng cao, đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo ra được nhiều sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác thông tin KH&CN đã từng bước hiện đại hoá, chất lượng thông tin phong phú và phản ánh kịp thời các hoạt động KH&CN trên địa bàn. Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai toàn diện. Công tác thanh tra, kiểm tra về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân và đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường. Hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có nhiều đóng góp tích cực phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn của tỉnh, góp phần đảm bảo đo lường được thống nhất và chính xác, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương. Chất lượng hàng hoá thiết yếu lưu thông trên thị trường đã được kiểm soát, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Bình được Bộ KH&CN phê duyệt 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn và miền núi. Trong 5 năm qua, đã triển khai thực hiện 80 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện 66 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KH&CN. Nhiều dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở KH&CN Quảng Bình, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung KH&CN vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội, như: Tiềm lực KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực KH&CN còn hạn chế; đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp, đặc biệt là đầu tư từ khu vực doanh nghiệp; chất lượng một số đề tài nghiên cứu khoa học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao; cơ chế tài chính và cơ chế quản lý các tổ chức KH&CN chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo; việc nghiên cứu đề xuất đặt hàng chưa sâu sát thị trường, đặc biệt là việc nghiên cứu những vấn đề có tính đột phá để khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Từ thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình cho thấy lĩnh vực KH&CN đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ vào đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc xác định thúc đẩy KH&CN và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực cũng đã đưa nội dung phát triển KH&CN và ứng dụng thành tựu của KH&CN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng, thông qua buổi ký kết hợp tác lần này giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Bình, 2 bên sẽ đưa ra được các giải pháp thiết thực, mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương
Trước yêu cầu phát triển KH&CN của tỉnh, Quảng Bình đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ: Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận cho các hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi giá trị du lịch của tỉnh Quảng Bình (Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ); Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP; Nghiên cứu, đánh giá các giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học khu vực Liên biên giới và phụ cận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô; Bảo tồn nguồn gen một số loài cây dược liệu quý, hiếm và có giá trị kinh tế tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; cứu phương án bảo tồn giống lợn Khùa ở khu vực miền núi; Ứng dụng công nghệ Biofloc xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) quy mô công nghiệp tại Quảng Bình
Trên cơ sở các đề xuất của tỉnh Quảng Bình, các thành viên Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã làm rõ thêm về các giải pháp và gợi mở định hướng phát triển cho tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, 2 bên cũng đã thảo luận và thống nhất các nội dung trong chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu là tăng cường phối hợp hoạt động trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN; phục vụ thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực của tỉnh và sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Bộ KH&CN để xây dựng, tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn; xây dựng Quảng Bình trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động ở khu vực miền Trung.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các thành tựu KH&CN của tỉnh Quảng Bình thời gian qua với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng cho rằng, các đề xuất, kiến nghị của Quảng Bình rất thiết thực, sát nhu cầu phát triển của địa phương. Bộ trưởng lưu ý, Quảng Bình cần quan tâm tổ chức triển khai liên vùng các vấn đề như: bản đồ ngập lụt, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ số, công nghệ GIS,…
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan trực thuộc Bộ xem xét, đánh giá tính khả thi để tích cực hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực giúp tỉnh Quảng Bình phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới; phát triển một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN.
Bộ trưởng cũng giao cho Vụ Phát triển KH&CN địa phương làm đầu mối để phối hợp với tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ chương trình phối hợp để bảo đảm thực hiện tốt các nội dung đã ký kết, cũng như mục tiêu phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo mà tỉnh Quảng Bình đang hướng tới.
Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ KH&CN đối với tỉnh và khẳng định: Những năm qua, Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và KH&CN nói riêng. Để KH&CN thực sự là động lực then chốt cho phát triển, Quảng Bình sẽ tiếp tục nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này.
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Bình, đồng chí Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2025.
Bài, ảnh: Diệu Huyền