Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 06:50 pm
Cập nhật : 18/03/2018 , 09:03(GMT +7)
Hiệu quả từ tách chiết dầu dừa bằng công nghệ không gia nhiệt
Hệ thống dây chuyền sản xuất VCO
Với sự hỗ trợ từ “ Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020” Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ “Ứng dụng công nghệ không gia nhiệt trong chiết tách dầu dừa tinh khiết”, tạo ra sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) từ dừa tươi chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, qui mô công nghiệp năng suất 5 triệu lit/năm.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống và ứng dụng thành công về công nghệ chiết tách VCO từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất. Dây chuyền thiết bị hiện đại, năng suất 5 triệu lit/năm. Chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.

Khi thực tiễn cần khoa học

Theo đánh giá của Hiệp hội dừa châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một quốc gia có năng suất và chất lượng trái dừa cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ sản xuất các sản phẩm về dừa còn thủ công nên chất lượng sản phẩm còn thấp, cạnh tranh trên thị trường yếu. Vào thời điểm năm 2011-2012 giá dừa thấp nhất khoảng 40.000 đồng/12 trái dừa, người dân có xu hướng không gắn bó với cây dừa nữa.  

Theo công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre gửi Bộ Khoa học và Công nghệ số 3436/UBND-VHXH ngày 02/8/2012 về việc: “Giúp đỡ khắc phục khó khăn cho người trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa tại tỉnh Bến Tre”. 

Đoàn công tác Bộ KH&CN cùng với các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ đã đi khảo sát về tình hình sản xuất chế biến dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó lấy Bến Tre làm trọng tâm vì Bến Tre là “Thủ đô của dừa”.

Kết quả khảo sát thực tế sản xuất dầu dừa tinh khiết tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Bến Tre cho thấy, năm 2013, Công ty này sản xuất VCO theo công nghệ ép từ cơm dừa khô (copra) đã qua sấy với năng suất đạt 100-200 tấn/năm. Chất lượng VCO theo công nghệ này đạt mức độ trung bình, chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chưa xuất khẩu được vào Mỹ hoặc có xuất khẩu chỉ tiểu ngạch, giá trị thấp. 

Mong muốn của Công ty Lương Quới nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung là đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng VCO đạt chuẩn quốc tế theo APCC đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ và EU. Công ty  mong muốn được sự giúp đỡ của các nhà khoa học và cơ quan chức năng (Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Tỉnh Bến Tre và Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre). Như vậy, hơn lúc nào hết cần thiết phải đổi mới công nghệ cho sản xuất  VCO từ nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị gia tăng từ VCO mang lại. 

Từ thực tế trên, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”, mã số ĐM.08.NT/13. Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. 

TS. Nguyễn Phương bồi hồi nhớ lại, trước những bức thiết của người dân trồng dừa, các doanh nghiệp sản xuất dầu dừa, nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, hướng tới là xây dựng được dây chuyền sản xuất và quy trình công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt tiên tiến quy mô công nghiệp.

GS.TS. Hoàng Văn Phong (bên phải), TS. Nguyễn Phương (bên trái) cùng đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và kiểm tra dây chuyền VCO

Đổi mới công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường

Chia sẻ về động lực để đổi mới công nghệ, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết, ở Việt Nam nói chung, riêng ở Bến Tre là xứ sở dừa thì câu chuyện cây dừa trồng rồi chặt là do cơ bản công nghiệp chế biến còn lạc hậu, sức cạnh tranh sản phẩm còn yếu. Từ đó dẫn tới việc tiêu thụ nông sản của nông dân cũng bị hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người nông dân trồng dừa (thực tế hiện nay 72% người dân Bến tre sống bằng nghề trồng dừa). Được sự quan tâm của UBND, tỉnh Bến Tre, hỗ trợ giúp đỡ của Bộ KH&CN, cùng với các nhà khoa học giúp Công ty sản xuất dầu dừa không gia nhiệt công nghệ cao là mong mỏi của Công ty nói riêng và Tỉnh Bến Tre nói chung cho sản phẩm VCO chất lượng cao.

Ông Cù Văn Thành cho hay, theo công nghệ truyền thống, từ quả dừa lấy phần cơm trắng xay nhuyễn rồi lấy cốt đem đi thắng. Trong quá trình thắng nếu gia nhiệt ở nhiệt độ cao sẽ bị cháy, làm cho khoáng vi lượng bị mất đi, màu bị vàng không đạt về chất lượng, nếu theo công nghệ ép từ cơm dừa khô (copra) thủ công qui mô nhỏ dẫn tới chất lượng thấp, không đồng đều nên khi bán thường bị ép về giá.

“Tôi nghĩ rằng thiên nhiên ban tặng cho chúng ta quả dừa trắng thì làm sao dầu dừa phải trắng. Ở đây công nghệ cao là một giải pháp không sử dụng nhiệt, tận thu những gì thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Đó là điều mà các nhà khoa học, người tiêu dùng đang đòi hỏi. Hiện sản phẩm VCO của Công ty đã có mặt hầu hết các nước trên Thế giới: Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Úc….được bạn hàng đánh giá cao”, ông Thành cho hay.

TS. Nguyễn Phương cho biết khi nhận nhiệm vụ này ông thấy rằng, trách nhiệm của các nhà khoa học là nghiên cứu đổi mới công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Công nghệ cao, chất lượng tốt, giảm xuất khẩu dạng thô. 

Nhà khoa học và doanh nghiệp đã có tiếng nói chung và kết quả đã thành công trong đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất VCO. Tổng kinh phí đầu tư dây chuyền thiết bị là 22,9 tỷ, trong đó ngân sách nhà nước là 7,3 tỷ đồng, đối ứng của doanh nghiệp là 15,6 tỷ đồng.

Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ không gia nhiệt đã đi vào hoạt động tháng 8/2017, với năng suất đạt 5.000.000 lít/năm (1.000 lít VCO/1 giờ) tương đương 15.000 trái dừa/giờ, khoảng 75 triệu trái dừa/năm, chiếm 13% tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh Bến Tre (năm 2016, Toàn tỉnh Bến Tre diện tích dừa 70.000ha, năng suất 595 triệu trái /năm). Chất lượng sản phẩm VCO đạt tiêu chuẩn quốc tế (theo APCC)  đã được cấp US FDA đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ và BRC food vào thị trường EU.

Thành công từ Đề tài mang lại đã góp phần hoàn thành nội dung 16 về “Xây dựng dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết” trong Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 theo Quyết định số 2300/QĐ – UBND Bến Tre ngày 13/12/2013. 

Theo Thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 193 tấn VCO/năm (VCO công nghệ ép lạnh), Nay với dây chuyền năng suất 5.000 tấn/năm tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần.

Nhờ đổi mới công nghệ đã nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm VCO từ trái dừa tăng trên 1.000 USD/ tấn sản phẩm (Công nghệ ép lạnh: 4.000USD/tấn, Công nghệ mới trên 5.000 USD/ tấn).  Doanh thu đạt 750 tỷ đồng/năm.

“Theo Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC), nhu cầu thế giới về VCO là 3 triệu tấn/năm có xu hướng tăng 10%/năm. Như vậy, với việc đổi mới công nghệ cho sản phẩm VCO, Bến Tre – Việt Nam đã có thị phần VCO trên trường quốc tế. Điều quan trọng là Việt Nam đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ trái dừa, hướng tới giảm xuất khẩu nguyên liệu thô”, TS. Nguyễn Phương cho hay.

Nhờ đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Đó chỉ là một trong rất nhiều những dự án cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và bền vững. 

Kết quả có được từ đề tài đã tạo thương hiệu dừa Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong Hiệp hội dừa, xuất khẩu thu ngoại tệ, sản phẩm VCO đã có mặt tại thị trường Mỹ và EU hai thị trường vốn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm thực phẩm. Đồng thời, sự thành công đó đem lại nguồn lực cốt lõi để tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm của người dân Bến Tre nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thành công từ Đề tài là cơ sở khoa học để tiến tới xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho VCO giúp các doanh nghiệp hoà nhập, giao thương VCO. Đồng thời, cung cấp sản phẩm mới cho ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nhờ đó nâng cao giá trị gia tăng của quả dừa, hỗ trợ công nghệ, khoa học cho doanh nghiệp chế biến dừa tỉnh Bến Tre tạo sức lan tỏa ra các vùng trồng dừa. Không chỉ vậy, thông qua kết quả của đề tài góp phần thúc đẩy việc trồng dừa tại các địa phương có điều kiện phát triển về cây dừa, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang được thế giới quan tâm.

Bảo Chi

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner