Nếu như trước đây, chiến lược phát triển khoa học công nghệ rất hay dùng đến cụm từ "đi tắt, đón đầu" như một cách để chúng ta bắt kịp cùng nền khoa học của các nước, thì nay, tư duy đó có phần trở nên không còn đúng với tình hình thực tế.
Một nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học công nghệ thì khó có thể phát triển bền vững nếu như không nắm bắt được công nghệ cốt lõi. Nhờ việc làm chủ công nghệ tiên tiến mà ngành đóng tàu nước ta đang có cơ hội xếp vào top 10 nước trên thế giới. Nhờ có các giống mới, quy trình canh tác mới... đã góp phần đưa nước ta thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay ở ta đang chỉ dừng ở mức gia công thuê cho nước ngoài. Đơn cử như ngành công nghiệp ôtô, Việt Nam đã mở cửa liên doanh liên kết được hơn 20 năm nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hoá chưa đến 10%, thậm chí những linh kiện đơn giản cũng phải nhập ngoại.
Như TS Nguyễn Văn Thuận giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Kiến Quốc (Konkuk), Seoul, Hàn Quốc đã từng chia sẻ: "Đi tắt đón đầu" cần phải được xem xét và sử dụng đúng mực, có giới hạn trong những hoàn cảnh nhất định. Không thể lấy đó làm phương châm mang tính chiến lược lâu dài cho một ngành hoặc một quốc gia. "Đi tắt đón đầu" cần được hiểu cho đúng, đó là rút ngắn thời gian phát triển của các giai đoạn. Có một cách làm đã được áp dụng khá thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc, gọi là “giải mã công nghệ”. Họ đã bắt đầu bằng bằng việc thu thập công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, từng bước nâng cao và kết hợp với nền khoa học kỹ thuật trong nước. Từ sản xuất, lắp ráp, từng bước phát triển qua tiến trình cải cách, canh tân, và phát triển nền công nghệ kỹ thuật cao.
Kinh nghiệm cho thấy, phương thức này sẽ gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu nhưng sẽ rút ngắn thời gian cần thiết một cách rõ rệt trong việc xây dựng một nền công nghệ tân tiến - mà thường phải cần cả 30 năm để hoàn thành.
Kính Lúp