Tham quan mô hình vệ tinh tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia
Theo kế hoạch đã đề ra, tháng 9-2016, vệ tinh MicroDragon sẽ chính thức được chế tạo, tích hợp; đến tháng 9-2017, vệ tinh sẵn sàng phóng lên quỹ đạo. Dự án mang tính đột phá này, với việc vệ tinh MicroDragon được đưa vào hoạt động như dự kiến, góp phần hiện thực hóa một cách rõ nét lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam.
Những mục tiêu khả thi
Kế hoạch phóng vệ tinh MicroDragon đã được Trung tâm Vệ tinh quốc gia khẳng định từ 2 năm trước đây, ngay khi khởi công dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, nếu không có gì thay đổi thì tới quý IV năm 2018, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh đầu tiên của dự án. Ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng vào quý I năm 2022, vệ tinh thứ hai sẽ được phóng lên vũ trụ.
Lý giải về những công bố nói trên, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng: Những mục tiêu đề ra là hoàn toàn có cơ sở bởi ở thời điểm đó, hạ tầng cơ sở Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc cũng đã được xây dựng xong. Chúng ta bắt đầu thiết kế và tích hợp vệ tinh thứ hai trên cơ sở đã nắm bắt công nghệ chuyển giao của vệ tinh đầu. Quan trọng nhất là chúng ta có được ý tưởng thiết kế, quá trình nghiên cứu vẫn có sự tham gia của các kỹ sư Nhật Bản. Sau nghiên cứu, toàn bộ kết quả được chuyển về Việt Nam để thực hiện việc lắp đặt, tích hợp và thử nghiệm tại Trung tâm Tích hợp thử nghiệm.
Mới đây, theo thông báo của Trung tâm Vệ tinh quốc gia, dự kiến tháng 9-2016 vệ tinh MicroDragon sẽ chính thức được chế tạo, tích hợp và đến tháng 9-2017 thì hoàn thành, sẵn sàng phóng lên quỹ đạo. Đó là kết quả của việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra, sự nghiêm túc và bài bản trong khâu chuẩn bị nhân lực của trung tâm. Thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển vệ tinh quan sát trái đất cho mục đích đào tạo tại các nước đang phát triển của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), dự kiến vào năm 2018, tên lửa Epsilon (Nhật Bản) - do Công ty IHI Aerospace chế tạo - sẽ mang theo vệ tinh MicroDragon của Việt Nam lên quỹ đạo. Nhật Bản là quốc gia mà Việt Nam có quan hệ sâu rộng từ trước đến nay và là đối tác quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghệ vũ trụ.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, lý do quan trọng khác dẫn đến quyết định chọn đối tác Nhật Bản là bởi đây là quốc gia có số nhân lực Việt Nam theo học và tiếp nhận công nghệ vũ trụ lớn nhất.
Mở ra hướng tiếp nhận công nghệ cao
Với quan điểm chủ động đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nối thành công của dự án PicoDragon, Việt Nam đã cử 36 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ công nghệ vũ trụ tại Nhật bằng nguồn ngân sách dành cho dự án công nghệ vũ trụ quốc gia. Các cán bộ này được đào tạo bài bản ngay từ đầu tại các trường đại học hàng đầu về công nghệ vũ trụ của Nhật Bản. Sau đó, họ được làm việc trong một khoảng thời gian tại những công ty có uy tín để tích lũy kinh nghiệm. Trong quá trình học, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư trong trường đại học, các học viên này còn trực tiếp nghiên cứu, phát triển vệ tinh MicroDragon, nghĩa là vừa học lý thuyết vừa thực hành.
Vệ tinh MicroDragon có kích thước 50 x 50 x 50cm, nặng khoảng 50kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh này có thể phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của phân tử khí, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất rồi nhanh chóng chuyển dữ liệu tới các địa điểm cách xa nhau trên trái đất. Đồng thời, MicroDragon cũng sẽ thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).
Với những gì đã và đang đạt được, dự án phóng vệ tinh MicroDragon đang chứng minh tính đúng đắn, sự hiệu quả trong việc đầu tư bài bản cho việc phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Đó là "nhúng" các nhà khoa học vào môi trường khoa học thực sự, giúp họ vừa học vừa thực hành. Việc chế tạo vệ tinh MicroDragon cho thấy các kỹ sư Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh, mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh.
Được biết, song song với việc cử cán bộ đi học ở nước ngoài, phía tham gia thực hiện dự án công nghệ vũ trụ cũng liên kết với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội để đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ ngành vũ trụ và ứng dụng; hợp tác với Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ. Thành công này không chỉ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số quốc gia ít ỏi trên thế giới sở hữu vệ tinh viễn thám, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực ở lĩnh vực công nghệ cao.
Theo chiến lược phát triển, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số dự án vệ tinh trọng điểm quốc gia, trong đó có việc phóng thêm một số vệ tinh quan sát lên quỹ đạo. Trên quỹ đạo hiện có khoảng 1.100 vệ tinh viễn thám và hơn 100 vệ tinh viễn thông, trong đó, Việt Nam có 3 vệ tinh. Như vậy, mục tiêu hiện thực hóa lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.