Khởi nghiệp “châm ngòi” sức sáng tạo, vì vậy, việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của các quốc gia.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực và toàn cầu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn có nhiều khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
-Ông có thể cho biết khó khăn của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đem lại cho các doanh nghiệp như thế nào?
TS. Phạm Hồng Quất: Sự khác biệt về văn hóa, chính sách, thể chế là những thách thức lớn đối không chỉ đối với người trẻ khởi nghiệp mà ngay cả các nhà đầu tư cũng không tránh khỏi. Một nhà đầu tư có thể đầu tư vào một doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng lại gặp khó về vấn đề thoái vốn. Ngược lại doanh nghiệp của Việt Nam muốn trở thành nơi để mời các Startup đến thì thể chế chính sách cũng cần phải cởi mở như bản thân các nước khác. Ngay “văn hóa” dám chịu thất bại, đứng lên sau thất bại để các nhà đầu tư tin tưởng và đầu tư dài hạn ở 1 thị trường giàu vốn đầu tư mạo hiểm cũng là 1 thách thức.
-Như ông nói thì có thể nhận thấy tầm quan trọng của khu vực giữa các nước thành viên APEC và toàn cầu đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp?
TS. Phạm Hồng Quất: APEC là thị trường lớn rất tiềm năng, những nền kinh tế dẫn dắt toàn cầu cũng nằm trong khu vực này nên không có gì lạ khi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh những nước phát triển có những nước nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, đều đầu tư nguồn vốn ban đầu từ ngân sách địa phương, ngân sách từ Chính phủ để giải quyết các thách thức xã hội, giúp hình thành lực lượng doanh nghiệp từ đổi mới sáng tạo, sau đó kéo tư nhân vào khi đã có lợi ích và lợi nhuận để phát triển bền vững. Những cách làm như thế đã tạo ra hệ sinh thái bền vững từ năng lực nội sinh, có nghĩa các nước thành viên đều là khách hàng, người mua và nhà đầu tư của nhau.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ học được trong APEC sự khai thác, liên kết và mở rộng lẫn nhau trong việc chấp nhận xu hướng của công nghệ mới để thay đổi tư duy trong quản lý và trong điều hành sản xuất kinh doanh.
TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN
-Ông có thể cho biết thêm hiện nay các cơ chế, chính sách của khu vực và toàn cầu đã làm được những gì để hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có cả các DN Việt Nam?
TS. Phạm Hồng Quất: Sự đổi mới, thay đổi cấu trúc cũng như có những chiến lược kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra một làn sóng đổi mới sáng tạo trong khu vực. Chính vì thế trong các chương trình nghị sự, sự hỗ trợ của APEC đối với các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nhỏ được triển khai là một cái nôi cở sở dữ liệu lớn về ĐMST. Thay vì mày mò sáng chế tại chỗ nhưng không nhìn ra bức tranh toàn thể, tổng thể, chúng ta hãy tìm cách khai thác, tránh lãng phí thời gian để nghiên cứu lại. APEC còn là một cơ hội lớn để những là sáng chế, những là nghiên cứu trong nước, doanh nghiệp có một tầm nhìn rộng hơn và thực tế hơn. Hãy nghĩ đơn giản là chúng ta học không phải luôn luôn để làm theo khuôn mẫu, mà chúng ta học cách từ bỏ để lựa chọn, làm sản phẩm khác có lợi hơn.
Một quốc gia có trình độ đổi mới sáng tạo cao có thể tham gia sân chơi lớn. Khởi nghiệp châm ngòi sức sáng tạo, vì vậy việc thôi thúc châm ngọn lửa sáng tạo khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của các quốc gia và Việt Nam không nằm ngoài số đó.
-Nếu cần một sự thay đổi thì về chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp cần có sự thay đổi như thế nào?
TS. Phạm Hồng Quất: Cụ thể là chính sách về đầu tư mạo hiểm như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển hướng đến thương mại hóa, chính sách Chính phủ mua sắm công… phải hướng tới đầu tiên cho khởi nghiệp. Nếu làm được điều đó sẽ tạo ra sân chơi tương đối bình đẳng, khuyến khích được công nghệ của starup các nước, hướng đến các nước phát triển hơn và ngược lại các nước phát triển khác có đủ năng lực để tham gia vào thị trường hay chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu trong khu vực.
Tuy nhiên tôi nghĩ, “cuộc chơi” này thường các nước kém phát triển cần chủ động hơn để tiếp cận thị trường cũng như học hỏi thì mới tranh thủ được nguồn lực.
Hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới nói chung, và ở Việt Nam nói riêng luôn hướng đến sự liên kết chặt chẽ để phát triển bền vững, đó có phải là ưu điểm nổi bật nhất không?
TS. Phạm Hồng Quất: Châu Âu và một số khu vực nền kinh tế khác đều có sự liên kết, nhưng xu hướng của thế giới nếu liên kết chặt quá, đồng nhất mọi thứ quá thì có thể bị chia rẽ, xung đột về lợi ích vì bản thân năng lực của các thành viên không đều nhau. Vì vậy, cần có liều lượng như thế nào để tạo ra liên kết cùng có lợi, có lợi không có nghĩa là cào bằng hay đánh đồng mọi thứ. Hiện nay khu vực và toàn cầu vẫn theo xu hướng đó, vẫn tôn trọng cái riêng nhưng vẫn tạo ra sân chơi chung miễn là giữa các bên đều tham gia cùng có lợi theo năng lực của mình.
Riêng trong nền kinh tế APEC cũng có một đặc điểm là cộng đồng người Việt đã từng học tập, thành công và thành đạt trong kinh doanh là rất nhiều. Nếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp ĐMST biết tận dụng cơ hội này, thì đây là kênh kết nối tốt nhất và chính xác nhất vào chỗ có những sản phẩm sáng tạo mới, các viện nghiên cứu, các trường đại học. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn chặng đường đi, giảm thời gian nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình tham gia trực tiếp vào chuỗi ( Từ gọi vốn, tìm nguồn nhân lực, làm thuê cho…. ). Tất cả đều có thể làm xuyên biên giới.
Nếu làm được như vậy thì các các sản phẩm đầu ra có thể thâm nhập được vào các thị trường lớn mà người Việt đang rất xuất sắc trong khối các nền kinh tế APEC. Tuy nhiên tôi cho rằng đây vẫn là lực lượng tiềm năng nhưng chưa được chúng ta khai thác tốt. Vì vậy các doanh nghiệp nên tranh thủ tận dụng những cơ hội này để phát huy được năng lực xuyên biên giới giữa các nước với nhau./.
Bài, ảnh: PV