Cập nhật thông tin chính thức từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Nhà chức trách Nhật Bản đã thông báo, các tổ máy 1, 2 và 4 vẫn đảm bảo được nguồn điện bên ngoài cung cấp và tổ máy Daini số 3 hiện đã ngừng hoạt động an toàn ở trạng thái nguội.
Nhật Bản đã ghi nhận có 4 công nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi bị thương bởi vụ nổ. Tại Fukushima Daiichi, 4 công nhân đã bị thương bởi vụ nổ tại tổ máy số 1 và có 3 người bị thương khác do các tai nạn khác. Thêm vào đó, 1 công nhân đã bị phơi nhiễm ở mức bức xạ cao hơn thông thường nhưng vẫn thấp hơn trường hợp khẩn cấp theo hướng dẫn của IAEA. Tại Fukushima Daini, 1 công nhân đã thiệt mạng bởi tai nạn vận hành cần cẩu và 4 người khác đã bị thương.
Trong vòng bán kính 20 km quanh nhà máy Fukushima Daiichi ước tính 170.000 người đã được sơ tán. Trong bán kính 10 km xung quanh nhà máy Fukushima Daini ước tính 30.000 người đã được sơ tán. Nhưng đến nay các biện pháp sơ tán đầy đủ vẫn chưa được hoàn tất.
Vào 03 giờ 10 cùng ngày, các nhà chức trách Nhật Bản đã cung cấp thông tin cho IAEA rằng vụ nổ Tổ máy 1 của nhà máy Fukushima Daiichi xảy ra bên ngoài khoang bảo vệ sơ cấp (primary containment vessel - PCV), không phải bên trong. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Công ty vận hành lò, đã khẳng định rằng khoang bảo vệ sơ cấp vẫn nguyên vẹn.
Để đối phó với sự hư hại giới hạn vùng hoạt lò phản ứng, TEPCO đã đề nghị việc phun nước biển hòa với boron vào khoang bảo vệ sơ cấp. Biện pháp này đã được Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) phê chuẩn và việc phun nước đã được tiến hành.
NISA đã xác nhận sự có mặt của nguồn phóng xạ Cs -137 và I-131 ở vùng phụ cận của Tổ máy 1 nhà máy Fukushima Daiichi. NISA cho biết sự gia tăng ban đầu của mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy đã giảm bớt trong những giờ gần đây. Khoang bảo vệ vẫn nguyên vẹn ở các Tổ máy 1, 2 và 3 của nhà máy Fukushima Daiichi.
Các nhà chức trách Nhật Bản đã phân loại sự kiện ở Tổ máy 1 nhà máy Fukushima Daiichi là thuộc mức độ 4 ‘Tai nạn với hậu quả cục bộ' trên Thang Sự kiện phóng xạ và hạt nhân quốc tế (International Nuclear and Radiological Event Scale - INES). Thang INES được sử dụng để giao tiếp kịp thời và nhất quán với công chúng về mức độ an toàn của các sự kiện liên quan đến nguồn bức xạ. Thang chạy từ mức độ 0 (sai khác) đến 7 (tai nạn lớn).
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, sự cố này khó có thể xảy ra thảm họa như Chernobyl với lý do hai công nghệ hoàn toàn khác nhau. Thiết kế lò của Chernobyl không có thùng thép giữ phóng xạ, nên khi nhà máy bị nổ chỉ trong vài giờ toàn bộ phóng xạ đã khuếch tán hết ra môi trường. Với công nghệ lò Fukushima có thiết kế thùng thép giữ phóng xạ (có trang bị hệ thống truyền nhiệt và giải nhiệt), khi lò bị nổ hầu hết lượng phóng xạ vẫn được giữ an toàn trong thùng thép.
IAEA cho biết, vẫn đang Hợp tác với Tổ chức khí tượng thế giới, cung cấp cho các quốc gia thành viên của mình những thông tin về dự báo thời tiết ở các khu vực bị ảnh hưởng tại Nhật Bản. Những dự đoán gần đây nhất đã chỉ ra rằng hướng gió di chuyển khỏi bờ biển Nhật Bản theo hướng Đông Bắc trong 3 ngày tới. IAEA vẫn tiếp tục giữ liên lạc với các nhà chức trách Nhật Bản và theo dõi các diễn biến tiếp theo.
Để đối phó với tình huống, Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano cũng đã giải thích vai trò kép của IAEA trong việc sử dụng các kênh liên lạc khẩn cấp để trao đổi những thông tin chính thức, đã được kiểm chứng giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên IAEA khác, cũng như việc điều phối sự cung cấp trợ giúp quốc tế, nếu Nhật Bản hay các nước bị ảnh hưởng khác yêu cầu.
Ông Amano cho biết: IAEA sẵn sàng túc trực để cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật với bất cứ loại hình nào, trong trường hợp Nhật Bản yêu cầu. IAEA tiếp tục giữ liên lạc với các nhà chức trách Nhật Bản để giám sát tình huống suốt ngày đêm.
Hiện cảnh báo sóng thần cũng đã được ban bố ở 50 quốc gia, kéo dài đến tận Trung Mỹ. IAEA đang tìm kiếm thông tin khác về quốc gia và cơ sở hạt nhân có thể bị ảnh hưởng.
Nhà máy Fukushima I (còn gọi là Fukushima Daiichi) được xây ở thị trấn Okuma, huyện Futaba, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Với 8 lò phản ứng, Fukushima I là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do công ty Điện lực Tokyo xây dựng và vận hành.
Nằm cách Fukushima I khoảng 11,5 km về phía bắc, nhà máy điện hạt nhân Fukushima II (còn gọi là Fukushima Daini) cũng thuộc quyền sở hữu của công ty điện lực Tokyo. Nó nằm trên địa bàn thị trấn Naraha và Tomioka, huyện Futaba, tỉnh Fukushima. Nhà máy này có 4 lò phản ứng hạt nhân.
Vụ nổ xảy ra sau khi hệ thống làm mát tại nhà máy ngừng hoạt động do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 8,9 độ Richter xảy ra chiều 11/3, và dấu vết phóng xạ của chất cesium và idoine được phát hiện gần nhà máy ngày 12/3.
N.U (Tổng hợp)