ThS. Nguyễn Xuân Thành cùng cộng sự tại Viện Tài nguyên và Môi trường Biển vừa sản xuất thành công giống ngán từ nguồn bố mẹ tự nhiên. Kết quả này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nguồn lợi ngán ngoài tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức.
Ngán là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ở các địa phương ven biển nước ta, vùng phân bố của ngán khá hẹp, tập trung ở khu vực Yên Hưng (Quảng Ninh) và các vùng rừng ngập mặn Cát Hải, Đồ Sơn (Hải Phòng). Vì thế, loài động vật hai mảnh vỏ này là đặc sản của vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Thị trường tiêu thụ ngán rất rộng lớn, nhất là thị trường Trung Quốc, với giá bán cao, từ 350.000 đến 450.000 đồng/kg. Nguồn cung cấp ngán cho thị trường hiện nay hoàn toàn là khai thác ngoài tự nhiên. Do vậy, nguồn lợi ngán trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có nguồn con giống ngán sản xuất nhân tạo phục vụ thả nuôi.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi, chủ động sản xuất con giống để cung cấp cho thị trường và thả bổ sung giống ra các vùng nước tự nhiên, nhóm cán bộ của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã nghiên cứu sâu về đặc điểm môi trường sống, thức ăn, đặc điểm sinh học sinh sản của ngán. Sau đó tiến hành cho sinh sản nhân tạo.
Các mẫu môi trường và mẫu ngán được thu về từ xã Phù Long, huyện Cát Hải. Sau khi tuyển chọn ngán bố mẹ, các mẫu này được vận chuyển về trại giống để nuôi vỗ và kích thích sinh sản. Thức ăn để nuôi vỗ ngán bố mẹ và ấu trùng là các loại tảo khác nhau phù hợp theo từng thời kỳ.
Nghiên cứu cho thấy, thời điểm sinh sản của ngán là từ đầu tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, trong đó rộ nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Nhiệt độ và độ muối là những thông số có ảnh hưởng lớn đến sự sinh sản của ngán. Thời điểm nuôi vỗ ấp trứng và ương nuôi ấu trùng, độ muối dao động ở mức 25 ± 2‰, nhiệt độ 28-300C là phù hợp. Một số thông số khác như pH từ 8-8,3, lượng ô-xy hòa tan trong điều kiện sục khí bình thường đạt trên 5mg/lít. Chất đáy phù hợp cho ngán phát triển là cát bùn, tỷ lệ 6:4 trong điều kiện được lọc và khử trùng.
Với hơn 4.000 ngán bố mẹ ban đầu, đã thu được hơn 38.000 ngán giống cấp 1 (1-2mm) và đã tiếp tục ương nuôi được hơn 5.600 ngán giống có kích thước 5-10mm. Ngán giống đã được cung cấp cho người dân nuôi thương phẩm.
ThS. Trần Thế Mưu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc đánh giá, thành công của nhóm nghiên cứu mở ra một hướng mới cho nghề sản xuất giống thủy sản, bổ sung đối tượng nuôi cho khu vực rừng ngập mặn ven biển mà Hải Phòng có nhiều tiềm năng. Ngoài ra, ngán là động vật ăn mùn bã, tảo là thức ăn nên không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
ThS. Võ Thị Hồng Phương – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, việc sản xuất được giống ngán sẽ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tận dụng diện tích nuôi hải sản kém hiệu quả, tận dụng các diện tích trong rừng ngập mặn. Ngán có thể nuôi thương phẩm tại các khu vực có điều kiện phù hợp, đặc biệt là khu vực rừng ngập mặn Phù Long, Cát Bà. Đây là một trong các đối tượng nuôi mà Hải Phòng đang cần để giải quyết sinh kế cho người dân trong các vùng bảo tồn sinh thái.
Tin, ảnh: Hân Minh (Sở KH&CN Hải Phòng)