Sáng 29-11, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, tính đến hết tháng 11-2021, Hà Nội đã có 110 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đứng thứ 2 cả nước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế vốn có của Thủ đô. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần nghiên cứu bổ sung một số giải pháp đột phá để tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ tương xứng với tiềm lực của Thủ đô.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, vào đầu quý III-2022, Bộ sẽ ban hành những quy định thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ, như Thông tư quy định quản lý tài chính thực hiện các chương trình quốc gia đến năm 2030, trong đó có: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia.
Nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội, bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã chỉ ra những tiềm năng và ví các doanh nghiệp Hà Nội như những người đẹp ngủ trong rừng, cần được “đánh thức” bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như sự kết nối với các tổ chức, các viện, trường…
Chia sẻ kinh nghiệm từ một doanh nghiệp khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Thế Anh (Công ty cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý lĩnh vực liên quan đến sản phẩm mà doanh nghiệp nghiên cứu; tìm kiếm hỗ trợ từ chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như hợp tác với các hệ sinh thái khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo… và phải nghiên cứu tiếp cận thị trường nước ngoài.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, Sở sẽ có biện pháp để tháo gỡ kịp thời những “điểm nghẽn” trong cơ chế chính sách, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa kết quả khoa học và phát triển công nghệ thành sản phẩm hàng hóa…
Nguồn: hanoimoi.com.vn/