Thông qua Chương trình Nông thôn miền núi, các dự án có sức lan tỏa không những trong vùng dự án mà còn ở các địa phương lân cận, bước đầu tạo được sự liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà nông.
Sau nhiều năm triển khai Chương trình nông thôn miền núi đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng. Với những thế mạnh sẵn có, Hà Nội là địa chỉ triển khai có hiệu quả chương trình nông thôn miền núi trong suốt thời gian qua.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Anh – Phó Giám đốc sở KH&CN Hà Nội.
Ông đánh giá các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi thời gian qua được triển khai trên địa bàn Hà Nội có ý nghĩa như thế nào? Thành công mang lại của dự án đã được thể hiện ở lĩnh vực nào?
Ông Lê Ngọc Anh: Đánh giá các Chương trình Nông thôn (chương trình) miền núi có ý nghĩa rất quan trọng, và hết sức thiết thực cho vùng triển khai các dự án nói riêng và địa bàn Hà Nội nói chung. Chương trình Nông thôn miền núi là chương trình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình đến người nông dân, nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, giúp cho người nông dân thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận công nghệ tiên tiến ở trong và ngoài nước vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Chương trình đã đào tạo được một lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ đảm bảo tiếp thu công nghệ và làm chủ công nghệ đó. Dự án cũng thu hút được một lực lượng lao động xung quanh vùng và tăng thu nhập cho người lao động. Dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo phương thức công nghiệp.
Thông qua Chương trình Nông thôn miền núi, các dự án có sức lan tỏa không những trong vùng dự án mà còn ở các địa phương lân cận. Các dự án bước đầu cũng tạo được sự liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà nông.
Về môi trường, từ các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi cũng đã giúp cho nông dân tận thu được các sản phẩm từ các phế phụ nông nghiệp.
Các dự án của Chương trình đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ KH&CN ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn và miền núi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, góp phần phát triển hàng hóa, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân. Thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo.
Thời gian qua, Sở KH&CN Hà Nội đã có những hỗ trợ cụ thể nào đối với các dự án cũng như các đơn vị cá nhân thụ hưởng từ dự án?
Ông Lê Ngọc Anh: Sau khi mở rộng, Hà Nội có điều kiện tự nhiên về đất đai, mặt nước, kinh nghiệm của các hộ nông dân, mặt khác Hà Nội là nơi tập trung của rất nhiều nhà khoa học, thuận lợi cho việc thực hiện triển khai các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi. Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi cũng nhận được sự quan tâm của trung ương và thành phố.
Sở KH&CN Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ về kinh phí cho các dự án: về chuyển giao công nghệ, về thông tin tuyên truyền, về trang thiết bị, về nhân công…Có thể nêu một số dự án nổi bật như: Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng (đơn vị chủ trì là Hợp tác xã Đan Hoài, đơn vị chuyển giao là Viện rau quả TW).
Hay như mô hình xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại thành phố Hà Nội. (Đơn vị chủ trì là Công ty Kinoko Thanh Cao, đơn vị chuyển giao là Viện di truyền)…
Được biết, một trong những vướng mắc lớn nhất mà chương trình gặp phải là triển khai thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch. Ông có thể cho biết nguyên nhân và cách khắc phục?
Ông Lê Ngọc Anh: Hà Nội là địa phương có tiềm lực KH&CN mạnh, sau khi mở rộng Hà Nội có điều kiện tự nhiên, tiềm năng đất đai, mặt nước…thuận lợi cho việc triển khai các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi. Việc triển khai các dự án cũng nhận được sự quan tâm của trung ương và thành phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình cũng còn một số vướng mắc: Vướng mắc lớn nhất là việc thực hiện triển khai dự án còn chậm so với hợp đồng và thuyết minh dự án đã được phê duyệt do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản sau: Nguyên nhân về thời tiết, về giống, về sự huy động vốn và sự trượt giá; Nguyên nhân từ sự phối hợp chưa sâu sát của cơ quan chuyển giao công nghệ và đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
Chương trình nông thôn miền núi thực chất là chương trình chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình phù hợp trình độ người dân ở vùng nông thôn miền núi nhằm mục đích để cho người nông dân tự thoát nghèo vươn lên làm giàu. Do vậy, cần có sự vào cuộc thực sự của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp của cơ quan chuyển giao công nghệ: Cơ quan chuyển giao công nghệ nên cử cán bộ KH&CN chuyên trách dự án thay cho thực tế hiện nay, đơn vị chuyển giao công nghệ chỉ cử 1 cán bộ xuống “cắm” ở địa bàn để tiết kiệm kinh phí.
Ngoài ra, cần lồng ghép vào các chương trình dự án, các kế hoạch phát triển kinh tế có trên địa bàn thực hiện dự án để tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, về kinh phí. Cần tận dụng các cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý của các dự án sẵn có để phục vụ tốt hơn cho chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật xúông tận người dân. Cần có sự thông tin tuyên truyền tốt để nông dân hiểu được lợi ích của tiến bộ KHCN trong sản xuất. Bên cạnh đó có thể có những chính sách khuyến khích, động viên bằng tài chính (nếu có) cho các nông dân tham gia thực hiện dự án, chế độ phụ cấp cán bộ xã và các kỹ thuật viên trực tiếp tham gia triển khai dự án. Đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà nông. Đầu tư hỗ trợ ngân sách sự nghiệp khoa học hơn nữa của trung ương, của thành phố cho các mô hình sản xuất trong các dự án được nhân rộng. Hỗ trợ ngân sách cho đơn vị thực hiện quảng bá thương hiệu sản phẩm của dự án trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Tuyết Hoàn