Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 04:41 pm
Cập nhật : 12/12/2018 , 09:12(GMT +7)
Gỡ khó về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm quan và trải nghiệm cùng các mô hình startup tại Techfest 2018
Mặc dù được đánh giá là mảnh đất khởi nghiệp nhiều tiềm năng, đang nở rộ nhưng làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nguồn vốn được khơi thông, các nút thắt về chính sách hỗ trợ được tháo gỡ.

Vướng mắc về vốn

Hiện nay, tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), một trong những tạp chí online lớn nhất Đông Nam Á về khởi nghiệp, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính vào năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Đồng thời, chất lượng của các startup ngày càng tăng cao, thể hiện qua số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung. Theo ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) và các mô hình khởi nghiệp ĐMST (startup). 

Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn đầu so với năm 2016 (theo thống kê của Tổ chức Topica Foun2der Institute). Tính đến hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Trong số đó, một số quỹ đầu tư có văn phòng đại diện ở Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Startups. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 6,7 tỷ USD của cả khu vực Đông Nam Á.

Ông Jon Lonsdale - Quỹ đầu tư 8VC cho rằng: Thị trường Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng chưa đủ thuyết phục để họ quyết định đầu tư. Nhà đầu tư này cho rằng, giá của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá đắt đỏ. Năm 2017, số thương vụ đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam đã tăng gấp đôi và giá trị đầu tư tăng 50% so với năm 2016. Rõ ràng khởi nghiệp Việt Nam có tiềm năng nhưng cần biến tiềm năng này thành những con số đầu tư thực sự.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Đức Hoàn - Giám đốc điều hành Edu2Review cho rằng, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam hiện nay, vốn là một rào cản lớn. Việt Nam chưa có cổng thông tin tập trung để dễ dàng tìm kiếm nguồn vốn. Tính từ lúc nhận được sự đồng ý của nhà đầu tư đến lúc nhà đầu tư có thể giải ngân được mất quá nhiều thời gian (trung bình từ 6-12 tháng), vô hình chung làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. 

Cần thành lập một mạng lưới kết nối startup khu vực ASEAN để thúc đẩy startup phát triển

Về vướng mắc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 đã yêu cầu giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư xuống còn một ngày, đồng thời chỉ đạo “Bộ KH&ĐT phải có văn bản gửi Sở KH&ĐT 63 tỉnh, thành làm ngay việc này”. Về nguồn vốn, Thủ tướng cho biết, các gói tín dụng quy mô lớn dành riêng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sắp được công bố, nhưng quan trọng là cơ chế vay phải thuận lợi.

“Tôi đồng ý chủ trương cải cách mạnh mẽ về cơ chế tài chính cho hoạt động khởi nghiệp. Tôi giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện gói tín dụng, công bố rộng rãi thông tin, có cơ chế thuận lợi khi các bạn trẻ đặt vấn đề vay khởi nghiệp sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng cường kết nối

Techfest 2018 ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm nay chọn chủ đề “Đổi mới sáng tạo - kết nối toàn cầu”. Điều đó đã thể hiện kỳ vọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vươn ra thế giới, kết nối và thu hút được sự quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều đó đã thể hiện sự kỳ vọng trong thay đổi chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, để thu được được đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cần phải nâng cao năng lực nội tại của mình.

Ông Chu Văn Thắng - Điều phối viên Chương trình Hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan cho rằng, đầu tiên các nhà đầu tư sẽ quan tấm đến chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, sau đó mới đến môi trường xung quanh.

Cùng quan điểm này, ông Hồ Minh Đức - Đồng sáng lập công ty VBEE cũng khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam phải chọn cho mình được những giá trị mà bản thân nhà đầu tư nước ngoài họ thấy khi đầu tư vào đó là đúng và có cơ hội thu về lợi nhuận, để từ đó quyết định cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. 

Ông Đức cũng cho rằng nếu nước ta không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn thị trường Việt Nam mà sẽ đầu tư cho các nước khác trong khu vực ASEAN. Nghiêm trọng hơn, DN khởi nghiệp từ Việt Nam sẽ sang các nước khác có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn cũng như phát triển mở rộng thị trường. Do đó, cần tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, bao gồm: đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp…

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest 2018: Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ rà soát chính sách vốn, cơ chế tài chính… khẩn trương đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12 để tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận tiện, nhanh chóng hơn cho startup. Thủ tướng khẳng định cần thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo. Khởi tạo tức là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với doanh nghiệp ĐMST, vì đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và có nhiều rủi ro.

Bên cạnh việc tạo ra cơ chế thông thoáng, chúng ta cũng cần thành lập một mạng lưới kết nối startup khu vực ASEAN. Khi đã có hệ sinh thái liên thông như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở đâu không quan trọng mà quan trọng là startup Việt gọi vốn thành công dù ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan hay Malaysia.

Bài, ảnh: Đăng Minh

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner