Vùng đất Tây Nguyên đang đứng trước những khó khăn, thách thức của nạn phá rừng, thoái hóa đất, đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... Chương trình Tây Nguyên 3 (giai đoạn 2011 - 2015), với sự phối hợp thực hiện giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đang góp phần giúp các địa phương khu vực Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Cuối năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) phê duyệt 19 đề tài thuộc chương trình Tây Nguyên 3, trong đó có 13 đề tài nghiên cứu cơ bản và sáu đề tài KH và CN. Năm 2012, tiếp tục triển khai 21 đề tài, trong đó có 12 đề tài khoa học xã hội và nhân văn. Theo tiến sĩ Nguyễn Ðình Kỳ, Phó Chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 3, các đề tài dù là nghiên cứu cơ bản, triển khai công nghệ hay đề tài về khoa học xã hội và nhân văn đều bám sát định hướng về các nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết của chương trình. Trong đó một số đề tài, nhiệm vụ bước đầu xác định được mục tiêu, các nội dung cần tập trung điều tra, nghiên cứu và sản phẩm cuối cùng. Chẳng hạn đề tài "Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên" do PGS, TS Trần Văn Ý làm chủ nhiệm. Bằng các cách tiếp cận, phương pháp và kỹ thuật tính toán khác nhau, đến nay nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng được bộ chỉ tiêu phát triển bền vững theo phương án 1.0; bao gồm 113 chỉ tiêu
phát triển bền vững cho vùng, 105 chỉ tiêu phát triển bền vững cho cấp tỉnh và 84 chỉ tiêu cho phát triển cấp huyện. Nhằm ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất, giảm năng suất và chất lượng cây trồng, PGS, TS Nguyễn Cửu Khoa thực hiện đề tài "Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất phân u-rê và NPK nhả chậm ứng dụng cho các loại cây trồng vùng Tây Nguyên". Ðến thời điểm này, sau các kết quả nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và tổng hợp các loại màng tinh bột bao bọc phân, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất các loại phân nhả chậm với công thức phù hợp cho từng loại cây thử nghiệm (cà-phê, chè, tiêu, bông, ngô và cao-su). Ðồng thời sản xuất hơn 2.000 kg chất giữ ẩm để kết hợp với phân u-rê và NPK nhả chậm. Quy trình sản xuất cũng như công thức bón phân nhả chậm cho các loại cây trồng thử nghiệm đã được nhóm nghiên cứu xây dựng và triển khai cho hai đối tượng cây ngô và cà-phê ở tỉnh Ðác Nông.
Sau hơn 20 năm kết thúc chương trình Tây Nguyên 2 (1988) "Xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" với hơn 70 đề tài, nhiệm vụ đã điều tra đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2000. Trên cơ sở đó, bằng các chương trình, dự án, Nhà nước đã dành sự đầu tư đáng kể cho Tây Nguyên. Theo thống kê của cơ quan chức năng, nguồn vốn đầu tư cho Tây Nguyên giai đoạn 1996 - 2000 đã tăng gấp bốn lần so với các năm từ 1991 đến 1995. Cũng nhờ vậy đã góp phần giúp các địa phương vùng Tây Nguyên có mức tăng trưởng kinh tế khá cao (từ 8% đến 11%/năm), đời sống của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện.
Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ðiều dễ nhận ra là những năm qua, kinh tế khu vực Tây Nguyên còn phát triển nặng về hình thức tự phát mà chưa theo một quy hoạch nào. Ðó là việc sử dụng đất đai phát triển cây công nghiệp một cách ồ ạt. Một số loại cây như cà-phê, sắn (củ mì) chạy theo "nhiệt độ" của thị trường đã khiến một diện tích rừng bị tàn phá, trong đó đến năm 2005 diện tích cà-phê đã tăng gấp 2,5 lần so quy hoạch cho năm 2010 theo Quyết định số 184/QÐ-TTg. Tương tự, diện tích trồng sắn từ 38 nghìn ha (năm 2000), đã phát triển lên 130 nghìn ha vào năm 2007 (tăng 3,4 lần). Tình trạng di dân tự do, nhất là từ các tỉnh miền núi phía bắc vào Tây Nguyên, dẫn đến nhu cầu đất ở, đất cho sản xuất tăng cao khiến diện tích rừng của các tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai... bị thu hẹp. Thống kê sơ bộ của ngành chức năng, trong khoảng từ năm 1990 đến 2005, mỗi năm vùng Tây Nguyên có khoảng 28 nghìn ha rừng bị "xóa sổ"; dẫn đến độ che phủ của rừng giảm từ hơn 60% (năm 1990) xuống còn 51% vào năm 2005. Nạn chặt phá rừng bừa bãi, cộng với một số yếu tố khác làm cho tốc độ suy thoái về tài nguyên đất, tài nguyên nước, suy giảm đa dạng sinh học... diễn ra một cách nhanh chóng. Môi trường suy thoái nghiêm trọng, dĩ nhiên hậu quả mà Tây Nguyên phải gánh chịu là lũ quét về mùa mưa, các dòng sông cạn kiệt về mùa khô, hiện tượng tai biến địa chất đang âm thầm đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Cũng vì lẽ đó, Chương trình "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội và đề xuất luận cứ khoa học - công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030" (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (chủ trì) thực hiện. Hai năm trở lại đây, Viện KH và CN Việt Nam, cùng Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ các tỉnh Tây Nguyên xây dựng, đề xuất và lựa chọn gần 60 đề tài, nhiệm vụ KH và CN để triển khai đến năm 2015. Trên cơ sở đó cung cấp các cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và cả khu vực Tây Nguyên. Ðồng thời tạo bước tiến mới trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vùng đất có vị trí chiến lược này.
Giáo sư, TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH và CN Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình nêu rõ nội dung nghiên cứu của các đề tài, dự án phải xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống; giải quyết được những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng đang đặt ra cho mỗi địa phương và cả khu vực. Làm được như vậy mới thể hiện được vai trò của KH và CN trong việc góp phần thúc đẩy Tây Nguyên thu hẹp khoảng cách với các khu vực khác trong cả nước và phát triển một cách bền vững.