Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 05:27 am
Cập nhật : 13/01/2014 , 10:01(GMT +7)
Giữ nguồn gen nhiều loại thuốc quý
Nhiều loại thuốc quý cần được bảo tồn nguồn gen (nguồn: Internet)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Viện Y học cổ truyền Quân đội khẳng định, việc lưu giữ và bảo tồn guồn gen cây thuốc quý hiếm giúp Việt Nam có thể đưa vào khai thác sử dụng và xuất khẩu, bên cạnh đó còn phục vụ đắc lực cho Y học quân sự.

Nhiều điều kiện thuận lợi trong bảo tồn nguồn gen cây thuốc

Nhận thấy tầm quan trọng của các cây thuốc quý, từ năm 1999, Viện Y học Cổ truyền Quân đội đã chủ trì thực hiện đề án “Lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và cộng đồng”. Một số loài cây thuốc đã được nghiên cứu và ứng dụng vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Cường, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết: trong giai đoạn 2001-2012 Viện Y học cổ truyền Quân đội đã phối hợp với một số đơn vị tiến hành khảo sát dược liệu tại các khu vực rừng núi có nhiều tiềm năng về thảo dược như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình. Nhiều nguồn gen thực vật làm thuốc quý hiếm đã được bảo tồn tại các vườn thuốc của Viện Y học cổ truyền Quân đội và các đơn vị tham gia như Học viện Quân y. Ngoài ra, một số loài động vật và sinh vật biển quý hiếm có giá trị làm thuốc được nghiên cứu bảo tồn, nhân đàn theo phương pháp nhân tạo tại Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và Trung tâm Nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9. Các loài có giá trị cao sử dụng trong dân gian đã được nghiên cứu theo những phương pháp khoa học để làm thuốc phục vụ y học quân sự và điều trị những bệnh khó. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu từ những nguồn gen quý kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng đã được xây dựng thí điểm để phát triển bảo tồn vĩnh viễn các nguồn gen quý.

Cùng với công tác điều tra, khảo sát, thu thập cây giống, Viện đã kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc quí tại các địa phương có nguồn gen để phục vụ cho công tác bảo tồn.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen

Trong giai đoạn 2001-2012, công tác đánh giá, tư liệu hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn gen được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn nguồn gen.

Hiện nay đơn vị đã lưu trữ hồ sơ đánh giá chi tiết 126 loài cây thuốc bằng các phiếu đánh giá, hoàn thiện đánh giá, kiểm nghiệm vi phẫu, kiểm nghiệm hoá thực vật các thành phần hoạt chất và xây dựng tiêu chuẩn dược liệu của 6 nguồn gen đã được bảo tồn lưu giữ: Chè dây, Lộ lộ thông, Long nha thảo, Vương bất lưu hành, Sơn đậu căn, Kim anh.  Lập sổ gốc ghi chép, đăng ký việc thu thập nguồn gen đã lưu giữ, bảo tồn.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng một phòng tiêu bản mẫu với diện tích khoảng 100m2, lưu giữ 200 mẫu tiêu bản cây thuốc tươi, hàng trăm mẫu tiêu bản cây thuốc khô và hàng ngàn ảnh cây thuốc và diafilm về cây con thuốc.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Viện Y học cổ truyền Quân đội chia sẻ: những kết quả thu được trong hơn 10 năm qua rất đáng khích lệ, nó đã hình thành có nề nếp hoạt động bảo tồn cây thuốc, xây dựng phương pháp phù hợp và tổ chức chặt chẽ. Xây dựng được đội ngũ cán bộ nắm vững phương pháp, ham mê công việc bảo tồn cây thuốc. Các vườn cây thuốc, khu bảo tồn vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn vừa là nơi tham quan, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác huấn luyện đào tạo. Đây là cơ sở tin cậy cho thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Việc lưu giữ, bảo tồn tối đa những nguồn lợi thiên nhiên về sinh vật phục vụ lợi ích con người là mục tiêu chung của thế giới. Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam hơn lúc nào hết cũng phải đặt mục tiêu cụ thể đầu tư để đạt được mục đích cơ bản nhất là lưu giữ, bảo tồn được những nguồn gen quý hiếm có giá trị cao, có tính chất đặc thù (Đặc biệt trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ con người). Phát triển nhân lên, đưa vào khai thác sử dụng những nguồn gen có giá trị cao và xuất khẩu, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, gần biên giới, hải đảo. Với tính chất này Quân đội nhân dân cần phải đặc biệt chú ý những nguồn gen phục vụ Y học quân sự, nguồn gen có thể phát triển ở những khu vực có lợi cho việc kết hợp kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Đến nay, Viện Y học cổ truyền Quân đội đã bảo tồn được gần 400 loài cây thuốc tại vườn cây thuốc của Viện và ở Trùng Khánh - Cao Bằng; tư liệu hóa được 126 loài; đánh giá chi tiết được:6 loài.

Với những kết quả đã đạt được, nhóm nghiên cứu mong muốn Bộ Khoa học và Công Nghệ và Bộ Quốc Phòng tiếp tục cho Viện Y học cổ truyền Quân đội thực hiện đề án :‘‘Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và cộng đồng’’. Tiếp tục được lưu giữ và phát triển nguồn gen cây thuốc tại 2 vườn của Viện (Hà Nội) và Trùng Khánh (Cao Bằng). Mở rộng nguồn gen mới được bảo tồn tại 2 khu vực, tạo ra vùng thâm canh một số cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: Huyền sâm, Đương qui, Sinh địa, Sơn đậu căn, Tiên hạc thảo, Xạ đen, Thảo quả, Hoàng tinh, Sa nhân, Ba kích, Kim ngân... góp phần phát triển kinh tế và phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc nhằm giữ gìn hiệu quả các nguồn gen quý hiếm, đồng thời bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền và cộng đồng tại địa phương. Trong thời gian tới, cần tập trung điều tra trữ lượng của các loài cây thuốc trong rừng tự nhiên; tăng cường nguồn tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển; xây dựng được hệ thống vườn cây thuốc,... Đồng thời phải xây dựng quy chế quy định các biện pháp quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng các nguồn tài nguyên cây thuốc. Có làm được như vậy thì mới góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây thuốc quý.

Ánh Tuyết


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner