Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 05:27 am
Cập nhật : 14/02/2014 , 09:02(GMT +7)
Gieo chất xám, thu trái ngọt
Mô hình khuyến nông sản xuất hoa ly tại huyện Chương Mỹ.
Xuất phát từ thực tế người dân Hà Nội còn đang thiếu những mặt hàng rau, hoa quả có chất lượng cao, thời gian qua ThS. Đặng Ngọc Vượng, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) chủ trì thực hiện Đề tài: "Nghiên cứu phát triển sản xuất một số chủng loại rau, hoa, quả có giá trị hàng hóa cao ở Hà Nội và vùng phụ cận". Đề tài được đánh giá đạt kết quả tốt, có khả năng nhân rộng rất cao.

Nhu cầu rau quả chất lượng cao

Nội thành Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung dân cư với mật độ lớn nhất của cả nước, nên nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp rất lớn. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa như hiện nay khiến cho hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ phải nhường chỗ cho các khu công nghiệp, đô thị mới. Sức ép gia tăng dân số của Thủ đô và yêu cầu về chất lượng cuộc sống nói chung, nhu cầu tiêu dùng nói riêng cũng khiến phát triển nông nghiệp truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, thành phố bắt đầu chuyển hướng phát triển các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung ra các vùng ven đô và nhập các sản phẩm đó từ nơi khác về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Mô hình khuyến nông sản xuất hoa ly tại huyện Chương Mỹ.

Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm đề tài, hiện nay, các sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội được cung cấp bởi các địa phương khác là chính. Tuy nhiên, một số mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống, lại được cung cấp từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa thực sự được bảo đảm. Người dân phát triển sản xuất, phần lớn, theo hướng tự phát nên dễ dẫn đến sự khủng hoảng thiếu hoặc thừa cục bộ, thu nhập lại không ổn định.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, ở một số huyện phía tây của Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên có vị trí thuận lợi trong việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống như rau, hoa, quả, bởi diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn, người dân đã có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đã có quy hoạch nông nghiệp nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan nên một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao tại các địa phương này vẫn chưa được khai thác và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Xuất phát từ thực tế trên, Đề tài "Nghiên cứu phát triển sản xuất một số chủng loại rau, hoa, quả có giá trị hàng hóa cao ở Hà Nội và vùng phụ cận" đã ra đời, do ThS. Đặng Ngọc Vượng chủ trì thực hiện.

Những kết quả khả quan

Sau thời gian 30 tháng triển khai nghiên cứu, từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2013, các nghiên cứu của đề tài đã cho những kết quả khá ấn tượng. Đáng chú ý là đề tài đã xây dựng một số mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau, hoa, quả có giá trị hàng hóa cao.
ThS. Đặng Ngọc Vượng cho biết: Sau khi tìm hiểu các lý do khiến hiệu quả các phương thức sản xuất rau còn thấp, chất lượng rau kém an toàn, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGap tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh với các loại rau bắp cải, súp lơ, cà chua; mô hình sản xuất hoa Lily chất lượng cao tại xã Phú Mỹ, Biên Giang; trồng bưởi Diễn tại Lương Sơn, Hòa Bình.

Với việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trên nền quy trình trồng rau của Viện Nghiên cứu rau quả trung ương, cây trồng tại mô hình ở xã Xuân Nộn sinh trưởng, phát triển tốt. Kích cỡ của rau bắp cải, súp lơ đạt mức cao hơn hẳn khi không áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Lợi nhuận thu được tại mô hình bắp cải với 4.500m2 là gần 14,5 triệu đồng, còn diện tích trồng súp lơ 7.030m2 cho lợi nhuận hơn 47,7 triệu đồng, mô hình trồng cà chua với 5.450m2 cho lợi nhuận hơn 46 triệu đồng. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng rau an toàn ban đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, năng suất cây trồng tăng, cây sinh trưởng tốt, chất lượng rau an toàn với người sử dụng, bảo đảm sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Tại mô hình trồng hoa Lily chất lượng cao tại gia đình ông Phạm Văn Lộng, xã Phú Mỹ, Biên Giang, Hà Đông, với diện tích 360m2, tổng chi phí sản xuất khoảng 122,4 triệu đồng, lợi nhuận đạt gần 58 triệu đồng trong thời gian gần 4 tháng.

Cây hoa có thân to, khỏe, nụ cao, đường kính lớn hơn thông thường, nhiều nụ, hoa đẹp, đáp ứng được nhu cầu của người chơi hoa Hà Nội. Kết quả này càng đáng chú ý hơn khi đem so sánh với lợi nhuận chỉ hơn 4 triệu đồng nếu trồng 2 vụ cà chua/năm trên chính mảnh đất này.

Đề tài cũng đã tiến hành xây dựng mô hình thâm canh bưởi Diễn với diện tích 1ha tại hai hộ gia đình ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân làm cho chất lượng và năng suất bưởi Diễn tại Hòa Bình và Vĩnh Phúc không cao, đó là do lúc ra hoa thường bị sương muối dẫn đến rụng hoa, trình độ canh tác của người dân còn thấp. Từ đó, các nhà khoa học đã tìm được các biện pháp kỹ thuật mới trong bón phân, cắt tỉa, tưới tiêu, làm tăng khả năng đậu quả. Kết quả thu được của mô hình đã đáp ứng được mong đợi: Năng suất tăng, cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả ngon và an toàn. Người nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trong việc tỉa quả cân đối nên tránh được tình trạng cây được mùa cách niên.

Theo các nhà nghiên cứu tâm huyết với nghề làm vườn, hướng tới xây dựng một ngành làm vườn hiện đại, sử dụng chất xám trên đồng ruộng không chỉ phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của người dân mà cũng là cách phát triển bền vững nhất.

Nguồn tin: Hànộimới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner