Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 01:23 am
Cập nhật : 26/04/2017 , 15:04(GMT +7)
Giao thông thông minh các công nghệ mới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam
Viện Ứng dụng Công nghệ ký kết hợp tác với Trường ĐHGTVT và Đại học Tokyo
Hiện nay, các ứng dụng giao thông thông minh tại Việt Nam đã không chỉ còn nằm trên lý thuyết hay đang nghiên cứu mà đã được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi. Ví dụ như các hệ thống thông tin giao thông, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cảnh báo an toàn trên đường, các hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông.

GS. TS. Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết như trên tại Hội thảo quốc tế về giao thông thông minh: các công nghệ mới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam diễn ra ngày 24/4 tại Hà Nội. 

Hội thảo do Viện Ứng dụng Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải, Trung tâm ITS - Viện nghiên cứu Khoa học Công nghiệp, Đại học Tokyo (Nhật Bản) tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia Việt Nam.

Hợp tác triển khai ITS 

Hội thảo được tổ chức nhằm học hỏi những giải pháp công nghệ hiệu quả của các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Cùng với đó là nhìn nhận những thực trạng còn tồn tại và các giải pháp đưa ra nhằm cải thiện hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại Việt Nam. Thông qua Hội thảo nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Viện Ứng dụng Công nghệ, Trường Đại học Giao thông vận tải với các cơ quan, tổ chức, công ty trong lĩnh vực nghiên cứu và các công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ITS tại Việt Nam, cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản.

GS.TS. Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành tổng thể hệ thống, trong đó có các vấn đề về giao thông. 

“Có thể thấy rõ, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông và dòng xe tăng trưởng và phát triển nhanh chóng thì chúng ta lại thiếu hụt công cụ và biện pháp để có thể quản lý hiệu quả, toàn diện toàn bộ hệ thống. Chính vì vậy, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đảm bảo an toàn, kết nối thông tin và tối ưu quản lý”, GS. TS. Lê Hùng Lân cho hay.

Trên thế giới, thực tế rất nhiều nước trên thế giới cũng đã, đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề giao thông. Để xử lý những vấn đề đó, tại một số quốc gia đã đưa vào áp dụng các công nghệ của hệ thống giao thông thông minh, một trong những cấu phần chính của hệ thống giao thông thông minh là thu thập được thông tin từ phương tiện vận hành trên đường, phân tích xử lý và tối ưu dữ liệu đó. Đồng thời đưa ra mô hình kết nối tốt nhất giữa các đối tượng: người sử dụng; phương tiện; hạ tầng. Trong đó, khái niệm người sử dụng bao gồm nhiều tầng và nhiều đối tượng, từ các người sử dụng là các nhà quản lý hoạch định chính sách cho đến người dùng cuối là những lái xe trực tiếp trên đường. 

Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, tại các nước đang áp dụng hệ thống kết nối và quản lý giao thông như vậy đã thực sự cải thiện và nâng cao chất lượng toàn bộ mạng lưới giao thông, đồng thời tối ưu hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống cả về thời gian, chi phí, đảm bảo cải thiện môi trường. 

“Cùng với sự hỗ trợ về mặt công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, đặc biệt là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu từ Trường đại học Tổng hợp Tokyo, Trung tâm nghiên cứu ITS Center, Institute of Industrial Science, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể cùng nhau nghiên cứu hợp tác đưa ra những giải pháp hiện đại, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm thực sự đưa các ứng dụng hệ thống giao thông thông minh triển khai sâu rộng hơn nữa vào cuộc sống”, GS.TS Lê Hùng Lân cho hay.

Trạm thu phí không dừng tại Mỹ Lộc, Nam Định

Đưa ứng dụng ITS vào cuộc sống

GS.TS. Lê Hùng Lân cho biết, các ứng dụng ITS tại Việt Nam đã không chỉ còn nằm trên lý thuyết hay đang nghiên cứu mà đã được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi tại nhiều phần khác nhau của tổng thể hệ thống như: các hệ thống thông tin giao thông, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cảnh báo an toàn trên đường, các hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông.

Được biết, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai rộng rãi ITS. Cụ thể là, giải pháp tổng thể quản lý giao thông thông minh trên nền bản đồ số kết nối các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trên 5 lĩnh vực: đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không và đường sắt, nhằm giúp quản lý tổng thể và mang lại nhiều lợi ích to lớn như tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước bằng ứng dụng công nghệ thông tin; giải quyết được các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay cho các doanh nghiệp và đơn vị vận tải; cung cấp cho người dân các thông tin chỉ dẫn giao thông, điểm đen, điểm ùn tắc, cảnh báo tốc độ và tạo môi trường giao thông an toàn; nâng cao ý thức tham gia giao thông, tạo niềm tin và sự an toàn cho người dân.

Hay như, để giải quyết ùn tắc trên nhiều tuyến đường, thời gian qua một số trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như công nghệ thu phí không dừng RFID (Radio Frequency Identification) giúp giảm ùn tắc giao thông hiệu quả bởi phương tiện không cần dừng đỗ để lấy thẻ, vé...

Như vậy, có thể nói rằng các lợi ích của việc ứng dụng hệ thống ITS trong vận hành hệ thống giao thông là rất rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập và các vấn đề khác nhau khi khai thác hệ thống này, đặc biệt là trong quá trình tích hợp dữ liệu, phân tích dữ liệu và trao đổi giữa các bên trong quá trình vận hành hệ thống. Dữ liệu thu thập được cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm về độ chính xác, tính đầy đủ, tính cập nhật theo những đòi hỏi của quy chuẩn và hệ thống thông tư luật pháp Việt Nam. 

Ông Yoshihiro Suda, Giám đốc Trung tâm ITS-Viện nghiên cứu Khoa học Công nghiệp, Đại học Tokyo cho biết trong thời gian qua, Trung tâm có sự quan hệ hợp tác với nhiều viện, trường đại học và các viện nghiên cứu về ITS.

“Trung tâm ITS có chất lượng hàng đầu ở Tokyo và chúng tôi đã tổ chức hội thảo như thế này ở nhiều quốc gia khác nhau như Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc và đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tại Việt Nam. Hệ thống ITS bao gồm nhiều mảng khác nhau, mong rằng hội thảo này có thể đẩy mạnh sự phát triển tiên tiến công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam”, ông Yoshihiro Suda nói.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các công ty trong lĩnh vực giao thông vận tải và các bên liên quan đã trao đổi về nhu cầu thực tế và các ý kiến để gửi đến cơ quan quản lý nhằm nâng cao cải thiện hơn nữa khả năng ứng dụng hệ thống ITS tại Việt Nam hiện nay.

Các đơn vị, trường đại học và công ty quốc tế đã giới thiệu các công nghệ quản lý và vận hành hệ thống ITS tại Nhật Bản và khả năng triển khai ứng dụng tại Việt Nam còn các nhà nghiên cứu, đơn vị quản lý Việt Nam giới thiệu tình hình sử dụng, thực trạng quản lý và vận hành giám sát các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải tại Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông là xu thế chung của thế giới, nên việc nghiên cứu phát triển thêm hệ thống ITS là nhu cầu rất bức thiết. Theo các đại biểu, phát triển ITS là hướng đi quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Với những tiềm năng và lợi thế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công ITS góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và cải thiện môi trường.

Bài, ảnh: Bảo Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner