Tự hào nông sản Việt - dự án kết hợp ba bộ môn Công nghệ, Sinh học và Tin học khối lớp 10 giành được giải Ba cấp thành phố trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo và giải Nhì về Dạy học liên môn cấp quốc gia.
Giá trị từ một dự án giáo dục
Ý tưởng thực hiện dự án Tự hào nông sản Việt là do cô Thảo Sương thấy học sinh của trường sống tại thành phố không có điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật nông nghiệp và ít có sự quan tâm, thụ động trong việc tiếp thu kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đó các em được tiếp xúc sớm với Tin học, biết khai thác nhiều tính năng của bộ môn này phục vụ cho việc học, giải trí, tìm tài liệu...
Và để các em học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, vừa giúp phát triển các kĩ năng mềm, cô đã chủ động gặp giáo viên các bộ môn Công nghệ và Tin học nêu ý tưởng. Được sự ủng hộ của nhà trường, thầy trò cùng nhau lên kế hoạch thực hiện dự án trên với mong muốn vừa trang bị kiến thức, vừa tạo cơ hội cho các em học sinh trải nghiệm thực tế.
Quan trọng hơn là qua đó giúp các em hình thành thái độ trân trọng tài nguyên nông sản của đất nước, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ, phát triển các loại nông sản Việt Nam đúng tiêu chuẩn xanh, sạch ra thị trường quốc tế. Ở bộ môn Công nghệ, các em được trang bị kiến thức, kĩ thuật trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản.
Bộ môn Sinh học hướng dẫn các em tìm hiểu các kiến thức về thành phần dinh dưỡng của nông sản thông qua tìm hiểu các nguyên tố hóa học, nước, protein… khảo nghiệm giống cây trồng; Tìm hiểu và thực hành kỹ thuật làm vườn; Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng như sâu bệnh hại, môi trường đất, phân bón, thuốc hóa học bảo vệ thực vật; trang bị các kiến thức về việc đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường; Giải thích rõ các giai đoạn trong quy trình trồng trọt.
Với bộ môn Tin học, các em sẽ được làm quen với phần mềm thiết kế, phần mềm làm phim, kỹ năng soạn thảo văn bản… để tạo ra các sản phẩm như tiểu luận, brochure, bài thuyết trình powerpoint, poster, video về các loại nông sản đã tìm hiểu...
Sức lan tỏa của dự án
Dự án Tự hào nông sản Việt khiến các em học sinh thành phố hào hứng kết nối các môn học riêng biệt, thích thú khám phá những điều thú vị của nông sản Việt. Những chuyến đi thực tế về các nhà vườn, trang trại ở Hóc Môn, Bến Tre, Tiền Giang… là dịp thầy trò cùng tìm hiểu, nhận biết nông sản sạch, chia sẻ những khó khăn với nhà nông.
Được sự tư vấn của các chuyên gia và sự hướng dẫn của giáo viên, sau khi tiến hành khảo sát, mỗi lớp chọn một loại nông sản và bắt đầu trải nghiệm qua các ngành nghề khác nhau trong các chuyến đi thực tế. Theo đó, khi tìm hiểu về đặc điểm sinh học cây trồng, các em vào vị trí của những nhà khoa học, tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm.
Tìm hiểu về quy trình trồng, các em được trải nghiệm các công việc của người nông dân; Về phân bón, chất hóa học bảo vệ thực vật, các em là những kĩ sư nông nghiệp; Về giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của cây trồng, các em vào vai của chuyên gia dinh dưỡng. Khi tìm hiểu về quy trình thu hoạch, phương pháp bảo quản, các em là những doanh nghiệp kinh doanh nông sản sạch đầy tâm huyết.
Bởi khi đặt mình vào vị trí các công việc trên, các em có trách nhiệm phải tự tìm hiểu để có thêm nhiều kiến thức thực tế, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết và sẻ chia với cuộc sống xung quanh nhiều hơn. Điều thú vị là khi giới thiệu với phụ huynh về dự án, nhiều người chỉ xem đó như một chương trình ngoại khóa bình thường, nhưng sau khi con em tham gia sinh hoạt, họ đã rất ngạc nhiên trước sự thay đổi tích cực, suy nghĩ trưởng thành hơn của con mình.
Cô Thảo Sương, người trực tiếp phụ trách dự án chia sẻ: “Dự án là cách để các em học sinh có điều kiện vận dụng, thực hành những lý thuyết đã học".
Bởi khi các em được tận mắt, tận tay làm ra nông sản sạch sẽ nâng cao ý thức về việc bảo vệ và tiêu dùng nông sản sạch, từ đó có tác động đến người thân, gia đình một cách trực tiếp, hiệu quả”. Sắp tới, trong năm học 2016 - 2017, khi mô hình vườn trường đi vào hoạt động, dự án Tự hào nông sản Việt sẽ tích hợp cả phần tạo lập doanh nghiệp trong chương trình Công nghệ lớp 10 để học sinh được thử sức với vai trò doanh nghiệp kinh doanh nông sản sạch do chính các em trồng tại vườn.
Thiết nghĩ, dù là mô hình giáo dục của một trường học, nhưng dự án có ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng, cần được hỗ trợ, khuyến khích phát triển hơn nữa để các em học sinh - thế hệ trẻ tương lai có cái nhìn tích cực về việc làm ra một ngành nông nghiệp Việt sạch. Phải thấy việc chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nông sản Việt trước sự tấn công của vô số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường như hiện nay là việc làm cần thiết.