Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”, sáng ngày 25/3, Đoàn Giám sát đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) thuộc Bộ.
Tham dự buổi làm việc, về phía Lãnh đạo đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát; đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn; đồng chí Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát. Về phía Bộ KH&CN có đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN. Cùng dự có đại diện Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, các thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế tài chính cho KH&CN đã có những bước đổi mới, trong đó có việc chuyển từ cơ chế cấp phát tài chính theo kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế quỹ với việc hình thành, ra đời Quỹ NAFOSTED và Quỹ NATIF.
Định hướng hình thành và phát triển cả hai quỹ NAFOSTED và NATIF đều đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sau đó đã được Quốc hội thể chế hóa thành các quy định pháp luật về KH&CN. Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/04/2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 chỉ rõ:“…Nghiên cứu, ban hành các cơ chế mang tính chất đột phá nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm”. Chủ trương của Đảng về phát triển KH&CN đã được Quốc hội thể chế hóa thành Luật KH&CN năm 2000 và năm 2013. Quỹ NAFOSTED được quy định tại Luật KH&CN năm 2000 (Điều 39) và Luật KH&CN năm 2013 (Điều 60). Năm 2003, Quỹ NAFOSTED được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ, khai trương đi vào hoạt động từ tháng 02/2008 và bắt đầu hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ tháng 11/2009. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ được đánh giá là một trong những dấu ấn quan trọng trong tiến trình đổi mới cơ chế quản lý KH&CN.
Quỹ NATIF được thành lập, hoạt động theo quy định tại Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 và Điều 38 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 03/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ về Tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Năm 2015, Quỹ chính thức đi vào hoạt động. Việc thành lập Quỹ NATIF thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ cũng như của Bộ KH&CN trong việc tập trung các nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Điều đặc biệt, cơ chế thực hiện đối với cả 2 Quỹ nói trên đều rất đổi mới, linh hoạt, kịp thời và tiếp cận cách quản lý KH&CN trên thế giới. Đặc trưng lớn nhất của quỹ là tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động là đề cao tính tự quản, dân chủ và công khai. Ví dụ, với cơ chế tài chính hiện tại của Quỹ NATIF được NSNN cấp vốn để thực hiện tài trợ và chi hoạt động của Quỹ đã góp phần giúp Quỹ chủ động triển khai các hoạt động. Quỹ NATIF có thể tiếp nhận đề xuất và xét chọn các nhiệm vụ KH&CN quanh năm, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ thực hiện được phê duyệt trong thuyết minh và ký kết trong hợp đồng thực hiện nhiệm vụ mà không phải phụ thuộc vào năm kế hoạch, hay nói cách khác, phương thức cấp phát kinh phí được đổi mới hơn so với cách thức truyền thống. Hơn nữa, với một số vốn được cấp từ ngân sách, Quỹ NATIF có thể huy động được lượng vốn lớn hơn 2 đến 3 lần từ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất.
Duy trì hoạt động của 2 Quỹ là thực sự cần thiết
Tại buổi làm việc, phần lớn các thành viên Đoàn giám sát đều đánh giá cao các báo cáo của Bộ KH&CN, đồng tình với cách tiếp cận, đổi mới của 2 Quỹ và nhấn mạnh, đối với Việt Nam cần phải coi KH&CN là yếu tố then chốt, hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc duy trì 2 Quỹ này thực sự cần thiết, bởi theo các Luật hiện hành, kinh nghiệm thế giới và thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh.
Đồng chí Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, “Đây là quỹ không thể không có, bởi hai Quỹ này là theo thông lệ của quốc tế, áp dụng mô hình, đổi mới phương pháp, cung cấp nguồn quỹ mới”. Cũng theo đồng chí Đinh Văn Nhã, “hiện nay các Quỹ đang tạo ra khí thế rất sôi động, nhất là đối với thế hệ trẻ bởi Quỹ tiếp cận và áp dụng mô hình mới. KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng, Quỹ này là vốn mồi và tôi ủng hộ phương pháp này. Mô hình tồn tại như hiện nay là phù hợp, chúng ta vẫn nên duy trì mô hình này”.
Đồng chí Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, hai Quỹ này rất cần thiết trong hoạt động KH&CN, đang hoạt động dựa trên cơ sở pháp luật rất nghiêm chỉnh, đúng quy trình, tuy nhiên có lẽ ngoài việc tập trung vào phần tài trợ cũng cần coi trọng hoạt động tín dụng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, chủ trương hình thành các Quỹ đã được xác lập trong các Nghị quyết Trung ương, sau đó được Quốc hội cụ thể hóa và đưa vào các Luật. Theo kinh nghiệm quốc tế về việc thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, vai trò của nhà nước thể hiện qua việc tài trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức KH&CN trong nghiên cứu cơ bản và việc hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Theo tinh thần của Nghị quyết 05-NQ/TW, doanh nghiệp được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cùng với việc hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học để tạo ra các sản phẩm có sự cạnh tranh tốt. Bộ KH&CN đã báo cáo Chính phủ và đã có kế hoạch hành động trong chặng đường đầu tiên và đã có nhiều kết quả ban đầu.
Cho rằng việc duy trì 2 Quỹ nói trên là thực sự cần thiết, Bộ trưởng lý giải, đối với nghiên cứu cơ bản, trước đây 10 năm, không có Quỹ NAFOSTED thì thiết kế, phân bổ vốn thông qua các nhiệm vụ, định vị sản phẩm chưa rõ. Khi có Quỹ NAFOSTED, chất lượng đánh giá các nghiên cứu tăng lên nhiều, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và theo chuẩn quốc tế. Quỹ đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trẻ, hiện 55 - 65% các đề tài NCCB trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật có chủ nhiệm đề tài là nhà khoa học trẻ không quá 40 tuổi; các cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài ngày càng tăng.
Đối với Quỹ NATIF, đối tượng chính sách và pháp luật về KH&CN hướng đến nay đã có sự xoay trục, chuyển dịch từ viện nghiên cứu, trường đại học sang việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các dự án đã triển khai đều có hiệu quả rất rõ như Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre đã ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, tiên tiến, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xuất khẩu tới 16 nước. Dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd thay thế sơn nhập ngoại rất hiệu quả của Công ty Sơn Hải Phòng. Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử (công nghệ gen) để chọn tạo và sản xuất tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh” do Công ty Thủy sản Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa chủ trì đã tổ chức sản xuất tôm bố mẹ, cung cấp được 20% lượng tôm bố mẹ, tiết kiệm gần 900 tỷ đồng mỗi nămĐây là minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ nhưng với điều kiện đổi mới sáng tạo phải là nhu cầu tự thân và thiết yếu của doanh nghiệp. “Có thể thấy, không có một quốc gia nào phát triển mà thiếu các Quỹ” Bộ trưởng cho biết.”
Nói về căn cứ pháp lý của các Quỹ, đồng chí Nguyễn Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cả hai Quỹ đều có cơ sở pháp lý rất vững. Cơ sở pháp lý thời điểm đầu tiên, Quỹ do Thủ tướng thành lập theo điều lệ, sự tồn tại độc lập theo căn cứ pháp lý. Khi xây dựng điều lệ thành lập hai Quỹ, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính đã đưa ra các văn bản cụ thể, quy định tài chính của hai Quỹ này tương đối đầy đủ, do vậy vẫn kiểm soát được nguồn thu, chi của Quỹ. “Vấn đề đặt ra là, việc sửa đổi điều lệ của 2 Quỹ như thế nào cho phù hợp, để theo kịp xu thế hiện nay”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, 2 chủ đề thảo luận của buổi làm việc là phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là hai vấn đề lớn hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua nghiên cứu và báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, Bộ KH&CN đã hết sức thẳng thắn, đặt ra các vấn đề về căn cứ pháp lý, cơ chế tài chính và cách thức vận hành. Thời gian tới cần đổi mới hoạt động của 2 Quỹ, hướng đến đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc đánh giá hiệu quả của Quỹ cần hướng tới hiệu quả nguồn lực, đổi mới công nghệ và nguyên tắc đảm bảo quản lý chặt chẽ, có giải pháp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, giao thoa với nhau. Đồng thời, phát triển gắn với xã hội hóa, tăng tính chủ động, hiệu quả hơn, không chỉ dầu dừa Bến Tre mà còn nhân rộng, lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp khác, hay như nghiên cứu, bảo tồn giống sâm Ngọc Linh, hướng tới ứng dụng thị trường tốt hơn… “Nếu không có sự đầu tư công nghệ, thì những thiết bị siêu trường siêu trọng liệu có làm được như hiên nay”, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của Bộ KH&CN.
Có thể thấy, thực tế đã chứng minh rõ về mô hình, hiệu quả, tầm quan trọng của 2 Quỹ. Có được những kết quả ban đầu hết sức đáng khích lệ như vậy cũng là nhờ kết quả của Luật Ngân sách nhà nước, sự rộng mở của không gian chính sách trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự ra đời của các Quỹ đã tạo ra kênh tài chính đa dạng và năng động nhằm huy động thêm các nguồn lực tài chính trong xã hội, hỗ trợ NSNN trong thực hiện các mục tiêu phát triển KH&CN. Trợ giúp Nhà nước trong việc khắc phục những hạn chế của cơ chế tài chính truyền thống cho hoạt động KH&CN và chuyển dần sang cơ chế tài chính mới cho hoạt động KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường. Cơ chế hoạt động của các quỹ này lại linh hoạt, chủ động và có tính đan xen giữa cơ chế quản lý nhà nước thuần túy và cơ chế quản lý thị trường. Do đó, đây là sự bổ sung hữu hiệu cho các cơ chế, chính sách khác của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi dần nền kinh tế xã hội sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
NAFOSTED: Tiếp cận chuẩn mực quốc tế về tài trợ cho nghiên cứu khoa học
Quỹ NAFOSTED có chức năng tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia; cho vay, bảo lãnh vốn vay ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Được vận hành theo cơ chế của Quỹ khoa học phổ biến trên thế giới, cơ chế hoạt động của Quỹ đã dần được hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với môi trường, nguồn lực KH&CN của Việt Nam.
Đến nay, Quỹ đã tài trợ cho hơn 10.000 lượt nhà khoa học, phân bố tương đối đồng đều cho các độ tuổi và hình thức tổ chức nghiên cứu như các trường đại học, viện nghiên cứu. Tỷ trọng nhà khoa học trẻ được hỗ trợ lớn, 55 - 65% các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật có chủ nhiệm đề tài là nhà khoa học trẻ không quá 40 tuổi.
Từ khi NAFOSTED đi vào hoạt động tài trợ (năm 2009 đến nay), nhiều đề tài nghiên cứu đã tiếp cận được với các chuẩn quốc tế, số lượng công bố quốc tế của các nghiên cứu do Quỹ tài trợ tăng mạnh, chiếm khoảng 20 - 25% tổng số công bố quốc tế (ISI) của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2017. Đến nay, có 3.498 bài báo công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI được Hội đồng khoa học công nhận là kết quả của các đề tài do Quỹ tài trợ.
Mô hình NAFOSTED được xây dựng và áp dụng ở hầu hết các nước phát triển và một số nước đang phát triển, điển hình là NSF của Mỹ, JSPS của Nhật Bản, Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc (NSFC),... Với nước ta, đây cũng là xu hướng qua các bước phát triển phải lựa chọn hình thức đầu tư tài trợ hiệu quả hơn. Lộ trình phát triển mà quá trình phân bổ kinh phí nhà nước cho KH&CN đã trải qua từ: Giao kinh phí sang Giao theo dự toán (Không có cạnh tranh), Tuyển chọn nhiệm vụ (Cạnh tranh và dựa trên kết quả) và theo mô hình của Quỹ là lựa chọn chủ trì nhiệm vụ công khai, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó đã chuyển dần từ sự chủ quan của nhà quản lý sang dựa theo năng lực của tổ chức nghiên cứu, tiến tới dựa vào kết quả của hoạt động nghiên cứu với sự đánh giá của hội đồng khoa học trong nước đối với đề bài, sản phẩm đầu ra. Cơ chế của quỹ đã thiết lập nền tảng cho việc phân bổ kinh phí theo tiêu chuẩn quốc tế bằng hội đồng khoa học uy tín cao trong nước kết hợp các chuyên gia quốc tế trong việc đánh giá kết quả nghiên cứu (là các nhà khoa học quốc tế thẩm định các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế của các nhiệm vụ). Đây là cách làm huy động được sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng khoa học, chấp nhận sự kiểm định của xã hội theo chuẩn mực quốc tế, hướng trực tiếp đến sản phẩm cuối cùng, không còn khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
NATIF: Lấy doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Quỹ NATIF được tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước phù hợp với tình hình mới có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động KH&CN. Điều này phù hợp với xu thế thành lập các Quỹ đổi mới (Innovation Fund) của các nước trên thế giới.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đặc biệt trong năm 2017, Quỹ NATIF đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất, thực hiện tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện đề xuất nhiệm vụ; tổng hợp, đánh giá, phân loại hơn 300 nhiệm vụ, tổ chức xét chọn 184 nhiệm vụ.
Các đối tượng được Quỹ NATIF xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào: Nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến,…); công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu,..); y - dược (sản xuất vắc - xin, dược liệu, điều trị bệnh,…). Đây cũng chính là các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư theo chỉ đạo tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ.
Quỹ NATIF là kênh đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội và doanh nghiệp về đổi mới công nghệ theo các đề xuất, đặt bài cụ thể, thiết thực. Đồng thời là kênh bổ trợ quan trọng, gắn với tái cấu trúc các chương trình KH&CN cấp quốc gia, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào cuộc sống với hướng đối tượng trọng tâm là doanh nghiệp. Quỹ NATIF chính là công cụ để Nhà nước hỗ trợ trang bị “vũ khí” công nghệ cho doanh nghiệp. Bộ KH&CN đã bàn chủ trương cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính về việc phối hợp triển khai hỗ trợ tín dụng các dự án của doanh nghiệp với sự tập trung của Quỹ NATIF vào phần lõi công nghệ. Đồng thời, Quỹ NATIF là kênh hỗ trợ quan trọng cho đối tượng rất đặc biệt, mới xuất hiện là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với kỳ vọng biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
|
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên