Với định hướng, lấy chất lượng làm trọng tâm, Ban tổ chức Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ kiên quyết không chạy theo số lượng mà khuyến khích các tòa soạn tự xây dựng các tác phẩm dự thi.
Nâng cao chất lượng
Nếu như năm đầu tổ chức Giải thưởng, các tác phẩm dự thi chỉ dừng lại ở các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, hiếm có sự tham gia của địa phương. Có chăng là những tờ báo địa phương có uy tín, thương hiệu bấy lâu nay như Tuổi Trẻ, Sài gòn Giải phóng, Hà Nội mới…
Nhận thấy sự khiếm khuyết này, từ các mùa giải sau, Cơ quan thường trực đã có cách tiếp cận với các đơn vị thông tấn báo chí của khu vực phía Nam. Những cuộc làm việc, trao đổi, quảng bá cho Giải thưởng đã được triển khai tại khu vực này- khu vực vốn được xem là rất sôi động của báo chí cả nước. Từ năm thứ 2 tổ chức Giải thưởng, Ban tổ chức đã chia thành hai Hội đồng Sơ tuyển để chấm tại khu vực phía Băc và phía Nam.
Với việc “phủ sóng” của khu vực phía Nam đã tạo nên một không khí sôi nổi, đầy hào hứng cho Giải thưởng. Qua các năm chấm Giải, nội dung các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: Cơ chế chính sách KH&CN, Tôn vinh các nhà khoa học, Thành tựu và ứng dụng KHCN vào cuộc sống, Một số lĩnh vực KH&CN khác, tạo được hiệu ứng tích cực đối với xã hội, tuyên truyền sâu rộng phong phú mọi mặt của hoạt động KH&CN, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò cũng như khẳng định KH&CN là động lực phát triển kinh tế-xã hội; kết nối nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức cá nhân làm KH&CN với doanh nghiệp và đời sống xã hội.
Nhà báo Trần Thế Tuyển, Nguyên Tổng biên tập báo Sài gòn Giải phóng, Chủ tịch Hội đồng Sơ tuyển khu vực phía Nam Giải thưởng báo chí KH&CN năm 2013, 2014 nhận xét về chất lượng các tác phẩm: “Nhìn chung các tác phẩm đã phản ánh khá tốt về mọi chủ đề trong hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế- xã hội . Tuy cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng cơ bản nội dung các tác phẩm vẫn chưa thật sự phong phú, cách đề cập vấn đề chưa sắc bén, vẫn còn hạn chế về thể loại, đề tài. Hội đồng chấm giải cũng hi vọng, những hạn chế này sẽ được khắc phục để tạo nên những tác phẩm thật sự chất lượng cho những lần trao giải tiếp theo.”
Mặc dù vẫn còn chưa đồng đều về nội dung phản ánh, chất lượng thể hiện giữa các tháng, các quý trong năm, giữa các thể loại và loại hình, nhưng các tác phẩm và nhóm tác phẩm tham sự Giải thưởng báo chí KH&CN đã thể hiện được sự nỗ lực của các nhà báo để mang đến cho công chúng những phản ánh chân thực nhất về khoa học và công nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nền khoa học công nghệ của nước nhà.
Đầu tư xây dựng tác phẩm dự thi
Nhà báo Mai Kim Thoa, Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ tuyển khu vực phía Bắc năm 2014, 2015 cho rằng, để nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải thưởng báo chí KH&CN, các Tòa soạn, phóng viên chuyên trách KH&CN cần đầu tư để xây dựng các tác phẩm dự thi sao cho trúng và đúng với định hướng tuyên truyền của Bộ KH&CN.
Nhằm nâng cao chất lượng, cần có sự đầu tư xây dựng các tác phẩm dự thi GTBC KHCN
Một Giải thưởng báo chí mang tính chuyên ngành đã rất khó trong việc lựa chọn các tác phẩm có chất lượng, nhưng với Giải thưởng chuyên biệt về KH&CN thì mức độ khó đó còn nâng lên gấp nhiều lần.
Khó ở chỗ, lĩnh vực KH&CN thường không có mấy sự kiện nóng, thu hút sự quan tâm của công chúng. Giữa bạt ngàn thông tin đang diễn ra từng ngày từng giờ, khi thông tin khoa học sẽ rất khó cạnh tranh mảng showbiz, pháp luật, kinh tế…
Thêm vào đó, hiếm tìm thấy một ban chuyên trách KH&CN, PV KH&CN ở một tòa soạn chứ chưa nói đến chuyên trang Khoa học trên mặt báo. Mảng Khoa học thường bị xen lẫn giữa mảng Y tế, Giáo dục, CNTT… Chính vì vậy, mức độ ưu tiên cho thông tin KH&CN gần như xếp vào thứ yếu. Điều này rất khó cho phóng viên nếu họ thực sự muốn xây dựng tác phẩm đi dự thi. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo tòa soạn.
Mặc dù, theo Quy chế Giải thưởng, các tác phẩm tham gia Giải thưởng có thể được lựa chọn bằng 2 cách: Tác giả trực tiếp gửi tác phẩm đến Cơ quan thường trực bằng đường bưu điện, fax, mail; Hoặc Cơ quan thường trực sẽ lựa chọn, đề cử các tác phẩm đạt yêu cầu để đưa vào xét chọn. Nhưng “Cách tốt nhất là các Chi Hội Hội nhà báo tại Tòa soạn thực hiện công tác sơ tuyển trước khi gửi tác phẩm ”- Bà Trương Quỳnh Liên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cơ quan thường trực Giải thưởng báo chí KH&CN cho biết. Bà Liên cũng khẳng định: Trung tâm sẵn sàng làm đầu mối kết nối, cung cấp thông tin để các nhà báo tác nghiệp.Còn gần 2 tháng nữa là hết hạn gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng báo chí về KH&CN. Từ nay đến thời điểm đó, Ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều các tác phẩm tham dự có chất lượng để Giải thưởng thực sự khẳng định vị trí và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về khoa học và công nghệ.
Tác phẩm tham dự Giải thưởng báo chí KH&CN năm 2015 xin gửi về:
1. Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Địa chỉ: P913, số 113 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Chi tiết liên hệ đ/c Nguyễn Thu Thủy, Tel: 04. 39369506; email: nguyenthuthuy211007@gmail.com
2. Văn phòng Cục Công tác Phía Nam, Bộ KH&CN
Địa chỉ: 31 Hàn Thuyên, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Chi tiết xin liên hệ: đ/c Đỗ Thị Bích Ngọc, Tel: 08. 38237392, email: dongoc65@yahoo.com.
Thông tin về Giải thưởng xin tham khảo tại địa chỉ: www.truyenthongkoahoc.vn.
|
Bài vả ảnh: Minh Châu