Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:18 pm
Cập nhật : 10/03/2015 , 15:03(GMT +7)
Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước
Bộ KH&CN tổ chức lễ công bố giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 (ảnh: Ngũ Hiệp)
Khoa học cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng, không những tạo ra kiến thức nền tảng cho sự phát triển mà còn có vai trò quan trọng trong duy trì môi trường nghiên cứu, môi trường đào tạo đỉnh cao – yếu tố sống còn để hình thành lực lượng những nhà nghiên cứu, chuyên gia xuất sắc cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Tôn vinh thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng khoa học cơ bản nói riêng cũng như các hoạt động KH&CN nói chung, áp dụng các chuẩn mực Quốc tế trong nghiên cứu khoa học là xu thế tất yếu. Công bố quốc tế được xem là thước đo năng lực nghiên cứu của nhà khoa học cũng như năng lực khoa học của đất nước.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam cũng đã nêu rõ mục tiêu và các nhiệm vụ của nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như Toán học, Vật lý,… hoặc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân như nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng.

Cùng với các chính sách khen thưởng, ưu đãi của Nhà nước, việc trao tặng một số giải thưởng về khoa học và công nghệ đã động viên các nhà khoa học Việt Nam có những đóng góp to lớn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, ngày 26/8/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ban hành “Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu”. Đây  là giải thưởng dành cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng cho GS.TSKH.Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS. TS. Nguyễn Bá Ân, là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Vật lý.

GS. TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, giảng viên khoa Toán – Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một chuyên gia trong lĩnh vực Lý thuyết bất biến modular và Lý thuyết đồng luân. Ông được trao giải thưởng với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi xem như các môdun trên đại số Steenrod” đăng trên Tạp chí Mathematische Annalen năm 2012. Công trình này xác định được tất cả các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi, chứa đựng những ý tưởng độc đáo, đem lại những nhận thức mới về cấu trúc được nghiên cứu, những điều rất khó đạt được trong khoa học và được đánh giá cao trong nghiên cứu cơ bản. Phát hiện của ông về tính “đẳng cấu sau một số hữu hạn bước” của toán tử squaring trên các đối bất biến của nhóm tuyến tính tổng quát tác động trên đại số đa thức đã dẫn tới những hiểu biết mới có hệ thống về đồng cấu chuyển. Kết quả này là đóng góp đột phá, tổng kết hướng nghiên cứu đồng cấu chuyển trên toàn thế giới sau 17-18 năm phát triển, gây được sự chú ý của các chuyên gia quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Bá Ân hiện công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về Quang lượng tử và Thông tin lượng tử. Ông được trao giải thưởng với công bố "Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử (ĐVTTTLT) thông qua các trạng thái W hoặc kiểu W” đăng trên tạp chí Optics Communications năm 2010. ĐVTTTLT là một giao thức do ông và một GS Hàn Quốc đề xuất lần đầu tiên năn 2008. Trong công trình đạt giải, bằng cách đưa ra một cách tách thông tin mới, ĐVTTTLT có thể thực hiện được thông qua các kênh lượng tử là các trạng thái W hoặc kiểu W, những trạng thái rối dễ chế tạo hơn và bền vững hơn so với trạng thái GHZ hiện đang được sử dụng. Công trình này mở ra một hướng mới trong xử lý thông tin lượng tử.Tính đến thời điểm đạt giải, các công trình của ông liên quan đến ĐVTTTLT đã được trích dẫn hơn 300 lần. Riêng công trình đạt giải đã được trích dẫn hơn 50 lần và được cho là có ý nghĩa, góp phần đưa những thành tựu của lĩnh vực thông tin lượng tử mau chóng trở thành hiện thực phục vụ cuộc sống của con người.

Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS.TS Nguyễn Bá Ân giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014

Có nhiều điểm mới

Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/1/2015 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong đó có một số điểm được điều chỉnh so với Quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ban Tổ chức Giải thưởng đã tham khảo và quyết định mời Giáo sư Ngô Việt Trung tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởngnăm 2015. Các thành viên Hội đồng Giải thưởng sẽ được cân đối, quyết định dựa trên cơ cấu hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia – Cơ quan thường trực của Giải thưởng cho biết, Giải thưởng năm nay có nhiều nét mới. Cụ thể, giải thưởng xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Trong đó bao gồm: Khoa học tự nhiên (Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học, khoa học tự nhiên); Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp... Phạm vi điều chỉnh của giải thưởng năm nay khác nhiều so với năm 2015.

Cơ cấu giải thưởng từ 1 - 3 giải dành cho tác giả của công trình khoa học. Một giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi thay vì dưới 30 tuổi như năm trước.

Tiêu chuẩn đối với giải thưởng này: Công trình khoa học được xét tặng đáp ứng các tiêu chuẩn như được thực hiện tại Việt Nam. Công bố trước ít nhất một năm và không quá 5 năm trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng, ông Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, công trình sẽ được đăng ký lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định của pháp luật trong trường hợp công trình khoa học là kết quả của nhiệm vụ KH&CN có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Các công trình được đề cử hoặc ứng cử không vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN.

Cũng theo ông Dũng, giải thưởng năm nay xét tặng cho các nhà khoa học sẽ không còn tính tới yếu tố cống hiến và việc các nhà khoa học đề xuất, đã có giải thưởng về khoa học cơ bản, cũng nên tôn vinh các nhà khoa học ở các nghiên cứu, ứng dụngvề KH&CN. Các nhà khoa học đề xuất, nên có Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Ông Dũng cho rằng, trong nhiều giải thưởng khác về KH&CN đã có các giải dành cho các nhà khoa học về nghiên cứu, khoa học công nghệ ứng dụng. Vì thế sẽ phải nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi quyết định có tổ chức thành Giải thưởng Trần Đại Nghĩa hay không.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh, chúng tôi tin tưởng rằng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ trở thành một giải thưởng uy tín, tạo được lòng tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, góp phần thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, xây dựng các nền móng cơ bản và vững chắc cho các nghiên cứu ứng dụng, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Bài, ảnh: Diệu Huyền – Bảo Anh

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner