Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, những công trình được tặng Giải thưởng lần này gắn chặt chẽ với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ trực tiếp cho mục đích và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Giá trị ứng dụng thực tiễn cao
Điểm chung của 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước là kết quả nghiên cứu bền bỉ, vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa mang tính thực tiễn cao, được áp dụng hiệu quả trong cuộc sống, có đóng góp lớn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội và văn hóa nước nhà.
Có thể kể đến Công trình Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp của ông Nguyễn Quang Mâu và 10 đồng tác giả đã thiết lập được một hướng đi mới và hiện đại hơn trong công nghệ sản xuất ngói cao cấp đạt trình độ quốc tế góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói đất sét nung Việt Nam đương đại. Công trình nghiên cứu công nghệ nghiền phối liệu cho sản xuất ngói đất sét nung bằng phương pháp khô, siêu mịn, tạo hình dẻo. Nhờ công nghệ này, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm ngói đất sét nung đã được đa dạng hóa, góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên không tái sinh, không phát thải chất thải rắn, hướng đến sản xuất tuần hoàn.
Hay Công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016 của KS. Hồ Quang Cua và 2 đồng tác giả. Nhóm nghiên cứu đã chọn tạo thành công 2 giống lúa thơm ST24, ST25 có thời gian sinh trưởng phù hợp với hầu hết các vùng trồng lúa ở Việt Nam, năng suất cao, chống đổ ngã tốt, nhiễm nhẹ sâu bệnh, chất lượng cao. Năm 2019, Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách hai giống lúa này. Đây là một trong số rất ít các công trình thành công ở Việt Nam về việc sử dụng nhiều dòng bố, mẹ để lai hữu tính theo phương pháp lai nhiều bậc nhằm tích lũy đặc điểm nông sinh học tốt riêng lẻ và con lai. Thương hiệu gạo thơm ST24 và ST25 đã trở thành thương hiệu quốc gia, giá trị xuất khẩu hàng nghìn USD, có tiếng vang lớn ở các thị trường nhâp khẩu gạo khó tính như các nước Châu Âu.
Hay Công trình “3 tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ) giai đoạn 2000 – 2020” của ông Lê Văn Dư đã đánh dấu lần đầu tiên tạo được công nghệ sản xuất gà nội của nước ta đạt trình độ tiên tiến của khu vực, về lĩnh vực chọn tạo giống gia cầm nội với hệ thống giống hình tháp, tiên tiến, hiện đại và phát triển một cách bền vững. Đỉnh tháp là dòng thuần, giống gốc, ngân hàng gen; thân tháp là gà ông, bà, bố mẹ và đáy tháp là gà thương phẩm, đồng đều, năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đáy tháp này, gà thương phẩm của Công ty Minh Dư đã lan tỏa ra khắp mọi vùng miền trong cả nước với thị phần lớn và xuất khẩu được ra các nước Lào, Campuchia. Đây là dấu mốc quan trọng của công cuộc đổi mới trong ngành chăn nuôi nước ta, đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển những giống gà quý thuần Việt, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Gà giống tại Công ty Minh Dư.
Đồng thời, giải quyết được các vấn đề then chốt trong các khâu chọn tạo giống, đổi mới công nghệ nhân giống gà bản địa theo hình tháp, làm chủ được công nghệ chọn tạo giống để tạo được các giống gà ta đạt năng suất, chất lượng tương đương các giống gà của các hãng gia cầm tiên tiến trên thế giới, hoàn toàn làm chủ sản xuất giống gà ta nuôi thịt lông màu với các quy trình chăn nuôi tiên tiến.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ cộng đồng
Cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp của PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung và 22 đồng tác giả đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao. Sau hơn 40 năm lịch sử điều trị bệnh lao tại Việt Nam, nhóm đã nghiên cứu và phát triển thành công phác đồ điều trị lao 4 tháng, rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với thời gian hiện tại. Phác đồ lao kháng thuốc ngắn hạn và phác đồ thuốc mới điều trị lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân không có khả năng điều trị, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, góp phần giảm chi phí cho người bệnh.
Cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu và 6 đồng tác giả đã đánh dấu Việt Nam đã thực hiện thành công xét nghiệm hoá miễn dịch trong phân trong sàng lọc ung thư đại trực tràng với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Nhóm tác giả cũng ứng dụng thành công nội soi với ánh sáng dải tần hẹp là tiền đề phát triển kỹ thuật cắt hớt niêm mạc qua nội soi cho phép phát hiện và can thiệp ung thư ở giai đoạn sớm. Đối với bệnh nhân giai đoạn muộn, thực hiện thành công xạ trị tiền phẫu, làm hạ thấp giai đoạn bệnh và hóa trị kết hợp điều trị đích giúp kéo dài thời gian sống. Đặc biệt, nhóm tác giả đã ứng dụng thành công phẫu thuật bảo tồn cơ tròn, các phương pháp phẫu thuật nội soi tiên tiến giúp nâng cao vượt bậc chất lượng điều trị. Cụm công trình cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới về dinh dưỡng lâm sàng trong đó việc tiến hành nuôi dưỡng sớm đường tiêu hoá sau phẫu thuật giúp làm giảm thời gian nằm viện và gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện K Tân Triều thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
Làm chủ các công nghệ hiện đại phát triển kinh tế biển
Cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” của ThS. Bùi Hoàng Điệp và 11 đồng tác giả là tổ hợp các nghiên cứu khoa học mang tính quyết định đến sự thành công của Dự án Biển Đông 1. Đây là nền tảng cốt lõi khẳng định ý chí và sức sáng tạo của các nhà khoa học trong nước trong thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt ngoài khơi các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Cũng có thể kể đến kết quả của “Cụm công trình Hệ thông trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0” của KS. Nguyễn Xuân Quang và 10 cộng sự. Kết quả của cụm công trình đã giúp giảm thời gian đo carota và xử lý minh giải từ hàng tháng xuống dưới 7 ngày gần tương đương với các hãng khác ngay trong giai đoạn 199x, thay thế hàng trăm các bảng đo tương tự vốn rất nhiều loại và cồng kềnh của trạm đo carota tổng hợp đã lạc hậu. Cùng với các phần mềm minh giải tài liệu địa vật lý như Fullwave trong phương pháp đo siêu âm, 3D-View trong các máy đo đường kính nhiều càng và nhiều phần mềm tự phát khác đã góp phần thay đổi hoàn toàn nội lực công nghệ của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng và tự chủ.
Bộ quy trình công nghệ xử lý minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan LOGINTER 2.0 đã tích hợp tất cả các mảng phân tích xử lý minh giải dữ liệu từ nhiều công đoạn riêng rẽ vào quy trình thống nhất. Hiệu quả kinh tế của cụm công trình ước tính đến hàng trăm triệu USD, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành chế tạo thiết bị địa vật lý, thiết bị điện tử chuyên ngành dầu khí và bộ quy trình minh giải địa vật lý, công nghệ địa vật lý giếng khoan, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam.
Và còn rất nhiều các công trình, cụm công trình khác đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, khẳng định giá trị của sự đầu tư và đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực nói riêng và đất nước nói chung.
Bài, ảnh: Linh Chi