Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Công ty TNHH Dịch vụ Truyền hình - Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam vừa nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá (HbbTV - Hybrid broadcast broadband Television).
Đây là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa công nghệ truyền hình quảng bá và công nghệ truyền hình Internet mang đến những ưu điểm vượt trội về công nghệ và cung cấp nền tảng phát triển các ứng dụng tương tác trên truyền hình mạnh mẽ, thuận tiện. Điều đó thúc đẩy dịch vụ truyền hình số quảng bá, đặc biệt là truyền hình số mặt đất có thể cung cấp các dịch vụ tương tác tiên tiến nhất (như các dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, thanh toán và giao dịch qua truyền hình, tin tức trực tuyến,...) trong khi không yêu cầu băng thông cao.
Lần đầu tiên được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam
Công nghệ truyền hình trên thế giới đang phát triển rất nhanh với đa dạng các chuẩn công nghệ số hóa (DVB, ATSC, ISDB, DTMB, IPTV), được chia làm 02 nhóm với 02 phương thức truyền dẫn độc lập là truyền hình quảng bá (tương tự, DVB, ISDB, ATSC,…) và truyền hình internet (IPTV). Tuy nhiên, việc phần lớn dữ liệu của các kênh truyền hình là video, audio, lượng dữ liệu tương tác chỉ chiếm phần nhỏ nên việc phát truyền hình chất lượng cao (HD, Full HD) qua internet đòi hỏi băng thông đường truyền khá cao, cần một cơ sở hạ tầng rất tốt để thực hiện, điều này ngày càng trở nên khó khăn khi lượng người dùng ngày một tăng lên.
Để khắc phục hạn chế, các nước Châu Âu, đi đầu là Đức, Pháp đã nghiên cứu một chuẩn công nghệ với mục tiêu tận dụng các hạ tầng có sẵn là truyền hình số và internet, phối hợp chúng lại để tạo ra một sản phẩm tương tác – truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá HbbTV (Hybrid broadcast broadband Television). Theo đó, dữ liệu các kênh truyền hình bao gồm video, audio chất lượng cao được truyền qua kênh quảng bá, trong khi các dữ liệu tương tác được truyền qua internet. HbbTV vừa khắc phục được nhược điểm không có kênh tương tác ngược của truyền hình quảng bá, vừa không đỏi hỏi băng thông đường truyền internet lớn, người sử dụng chỉ cần dùng đường truyền internet thông thường của hộ gia đình cũng có thể đáp ứng được các ứng dụng, dịch vụ. HbbTV được giới thiệu lần đầu tại triển lãm IFA 2008 và năm 2010 được tổ chức ETSI đưa ra trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.
Sơ đồ tổng quan hệ thống truyền hình lai ghép. (Ảnh: Hoàng Khuê)
Tại Việt Nam, hiện cũng đang tồn tại các loại hình tương tác cũ, chưa tạo ra môi trường thông tin tương tác hấp dẫn với người xem, chưa tận dụng được các mặt mạnh của công nghệ truyền hình số và viễn thông như tương tác trên truyền hình internet, tương tác trên truyền hình quảng bá. Xuất phát từ thực tế này, Bộ KH&CN giao VTV Broadcom thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ HbbTV tại Việt Nam với đề tài KC.01.11/11-15 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền hình lai ghép băng rộng và quảng bá”, triển khai từ tháng 01/2012 - 12/2013.
Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu làm chủ công nghệ truyền hình lai ghép, cụ thể xây dựng hệ thống mẫu điển hình để thử nghiệm, sản xuất thiết bị đầu cuối (đầu thu) mẫu có thể đưa vào ứng dụng tại Việt Nam ngay sau khi kết thúc đề tài nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả xem truyền hình trong thời đại hội tụ truyền hình – viễn thông, theo kịp công nghệ truyền hình hiện đại trên thế giới. Sản phẩm đầu thu mẫu của đề tài có chức năng kết hợp truyền hình số quảng bá và viễn thông, xây dựng một hệ thống thông tin tương tác cho các thiết bị đầu cuối, nhiều tiện ích, dễ sử dụng, có thể sản xuất đại trà và phù hợp với trình độ của đại đa số người dân.
Tạo môi trường cung cấp thông tin mới
Triển khai đề tài này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các công nghệ truyền hình, viễn thông liên quan đến HbbTV và tiêu chuẩn HbbTV V1.1.1; nghiên cứu công nghệ chế tạo Set-top box, xây dựng các sản phẩm mẫu; nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật xây dựng, phát triển phần mềm ứng dụng giao diện người dùng, giao diện điều khiển và Middle Ware cho server hệ thống phát và Set-top box. Đồng thời nghiên cứu, tổ chức phân tích lý thuyết, lên kế hoạch thiết kế xây dựng hệ thống truyền hình lai ghép gồm: thiết lập hệ thống phát sóng; thiết lập hệ thống máy chủ, thử nghiệm, hoàn thiện tổng thể hệ thống cung cấp dịch vụ truyền hình lai ghép trong phòng thí nghiệm (xây dựng hệ thống cung cấp truyền hình lai ghép HbbTV mẫu dựa trên các kết quả nghiên cứu ở 3 nội dung trước đó). Sau đó hoàn thiện hệ thống, đưa vào thử nghiệm thực tế; xây dựng bộ tài liệu về truyền hình lai ghép, đưa ra các thông số thử nghiệm và đưa ra những đề xuất, khuyến cáo cho việc xây dựng hệ thống truyền hình lai ghép phù hợp với điều kiện hạ tầng truyền hình, viễn thông của Việt Nam để các đài phát thanh truyền hình trên cả nước tiếp thu ứng dụng. Công bố sản phẩm theo chuẩn HbbTV V1.1.1 (ETSI TS 102 796). Đưa ra bộ công cụ phần mềm và tài liệu dùng cho nghiên cứu, phát triển, đào tạo, ứng dụng.
Lắp đặt server phát quảng bá DVB-T2/C. (Ảnh: Hoàng Khuê)
ThS. Trần Nam Trung, chủ nhiệm đề tài cho biết, đến nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công hệ thống truyền hình lai ghép HbbTV trong phòng thí nghiệm; thiết kế, chế tạo thành công đầu thu chuẩn HbbTV và các ứng dụng tương tác với người sử dụng thông qua internet. Hệ thống HbbTV được xây dựng gồm 03 thành phần chính: Hệ thống phát quảng bá; hệ thống datacenter và ứng dụng (có nhiệm vụ lưu trữ các dữ liệu, ứng dụng tương tác qua mạng internet); đầu thu HbbTV (có chức năng giải mã dòng tín hiệu video/audio broadcast, báo hiệu ứng dụng tương tác và dòng truyền tải dữ liệu qua Internet).
Hệ thống đã được thử nghiệm, đánh giá tại Trung tâm Tin học và Đo lường, Đài Truyền Hình Việt Nam. Kết quả cho thấy hệ thống chạy tốt và đáp ứng qui chuẩn QC63:2012/BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông. Kết quả được công bố theo biên bản đo kiểm số 25/KQTN-2013.
Kết quả của đề tài là cơ sở để nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng hệ thống phát sóng HbbTV trên qui mô toàn quốc trên cơ sở hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và truyền hình số cáp DVB-C của Đài Truyền Hình Việt Nam. Hiện Đài Truyền Hình Việt Nam đã quyết định đưa kết quả đề tài ra triển khai thử nghiệm dịch vụ sớm vào năm 2014.
Theo ông Trần Nam Trung, công nghệ truyền hình lai ghép sẽ tạo ra môi trường cung cấp thông tin mới, tiện dụng, chưa từng được nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam, kết hợp hiệu quả được hai hạ tầng truyền tải thông tin sẵn có là truyền hình và viễn thông. Đồng thời tạo nguồn thu mới sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tương lai, giúp truyền hình số mặt đất có đủ điều kiện và khả năng triển khai thương mại, là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường truyền hình số hóa theo lộ trình Chính phủ đề ra, cụ thể “Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát song đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, đảm bảo có thể chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ” (Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020).
Hoàng Khuê