Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư 23/2015/TT-BKHCN Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Sự ra đời của Thông tư này nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, lạc hậu, chất lượng kém, tiêu tốn nhiều năng lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, môi trường, tránh nguy cơ Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ” của các nước. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và thay thế Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN về những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn việc nhập máy móc, thiết bị thải loại về Việt Nam.
PV: Thưa ông, được biết Bộ KH&CN vừa ban hành Thông tư số 23 thay thế thông tư số 20 quy định nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ đã qua sử dụng. Tại sao lại có sự thay đổi này, thưa ông?
Ông Đỗ Hoài Nam: Năm 2014, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 20 về quản lý máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thông tư được ký ban hành đã có một số vướng mắc trong việc chuẩn bị của các bộ, ngành, một số bộ, ngành chưa kịp ban hành danh mục các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; việc chỉ định các tổ chức giám định công nghệ của các bộ, ngành theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa sẵn sàng; một số doanh nghiệp lo lắng về việc quy định tuổi thiết bị quá ngắn;… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu, xem xét tạm ngưng hiệu lực của Thông tư 20, để xem xét, sửa đổi nhằm đảm bảo tính khả thi cao hơn.
Sau khi có quyết định ngưng hiệu lực thi hành của Thông tư 20, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các Bộ, ngành, phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức 2 buổi tọa đàm để nghe ý kiến và trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận ý kiến của một số Hiệp hội như Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí,… Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã tiếp thu, chỉnh sửa lại Thông tư và ban hành Thông tư 23.
So với Thông tư 20, Thông tư 23 có những điểm mới nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hoài Nam: Điểm mới của Thông tư 23 so với Thông tư 20 là đã thay đổi các yêu cầu đối với các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Thứ nhất, tuổi thiết bị không quá 10 năm, tính từ ngày máy móc, thiết bị được sản xuất đến khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, máy móc, thiết bị đó phải được sản xuất phù hợp với các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn của các nước G7. Quy định mức tuổi thiết bị không quá 10 năm là căn cứ vào vòng đời của các máy móc, thiết bị, công nghệ, trung bình vòng đới là từ 7 - 10 năm. Tuy nhiê, với một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, tuổi đời của công nghệ, thiết bị có thể ngắn hơn, khoảng 3 - 5 năm, nhưng một số lĩnh vực lại dài hơn 12 - 15 năm nên Thông tư đã lấy mức trung bình vòng đời thiết bị để quy định tuổi của thiết bị không quá 10 năm.
Doanh nghiệp cần chứng minh máy móc thiết bị được sản xuất phù hợp với QCVN/TCVN hoặc các nước G7 (Ảnh: NH)
Thứ hai, trước đây, quy định phải giám định chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị từ 70 – 80% trở lên. Lần này, Thông tư không đưa ra yêu cầu về giám định chất lượng còn lại mà khi máy móc thiết bị đó được sản xuất sẽ theo QCVN/TCVN hoặc của các nước tiên tiến G7. Như vậy, sẽ tránh được trường hợp những máy móc, thiết bị không phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, khi nhập về sẽ có chất lượng kém hơn chất lượng của các nước tiên tiến, mặc dù có tuổi thiết bị ngắn hơn.
Đó là 2 điểm cơ bản trong thông tư được ban hành lần này. Ngoài ra, đối với máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ của các dự án đầu tư, khi nhà đầu tư có nhu cầu dịch chuyển nhà máy từ nước thứ 3 sang Việt Nam thì trong Thông tư lần này đã quy định thêm đối với các dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu theo các dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng. Nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có lập danh mục máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho phép sẽ không phải thực hiện quy định về tuổi thiết bị. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể xin ý kiến của Bộ KH&CN hoặc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Có thể nói, thông tư lần này đã tháo gỡ những vướng mắc cơ bản cho các doanh nghiệp là đã nâng tuổi thiết bị, trước đây là 5 năm – 7 năm lên 10 năm. Và nếu như trước đây phải giám định chất lượng còn lại như thì nay đã thay thế bằng việc chỉ cần chứng minh máy móc thiết bị đó khi sản xuất được sản xuất phù hợp với QCVN/TCVN hoặc các nước G7.
Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh cần ngăn chặn máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu các nước đã thải loại nhập khẩu về Việt Nam. Theo ông, các quy định của Thông tư 23 đã giải quyết được vấn đề này hay chưa?
Ông Đỗ Hoài Nam: Theo nguồn thông tin Bộ KH&CN đã nhận được, hàng năm Trung Quốc đều công bố loại bỏ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Để ngăn chặn việc nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị cũ vào nước ta, Bộ KH&CN đã có Thông báo 2527/TB-BKHCN ngày 06/9/2012 về việc tạm ngừng nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã công bố loại bỏ (2.255 doanh nghiệp) thuộc 18 lĩnh vực, ngành nghề.
Theo đó, không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, mà đã được Bộ KH&CN công bố trên Cổng thông tin điện tử.
Thông tư 23 đã hủy bỏ hiệu lực của Thông báo số 2527/TB-BKHCN nêu trên. Với yêu cầu nhập khẩu tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp QCVN/TCVN hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường theo Thông tư 23, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần ngăn chặn nhập khẩu máy móc mà các nước thải loại vào Việt Nam.
Về việc đánh giá tính phù hợp của QCVN/TCVN, các cơ quan kiểm định nước ngoài sẽ khó thực hiện việc này, và ngoại trừ những trường hợp máy móc hoàn toàn cùng loại thì phải tiến hành kiểm tra đối với tất cả các loại máy móc, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí. Vậy, giải pháp cho việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hoài Nam: Quy định tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, bởi vì vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7 -10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 05 năm; đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10 - 15 năm.
Theo quy định, thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của QCVN/TCVN hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Nhằm giải quyết vướng mắc khi phải giám định về chất lượng còn lại, Thông tư không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, thay vào đó là quy định tiêu chí về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khi sản xuất thiết bị, đồng thời giải quyết được một số lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm. Để đáp ứng yêu cầu này khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, doanh nghiệp cần nộp giấy xác nhận của chính nhà sản xuất hoặc chứng thư giám định của tổ chức giám định.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn Ông!
Quỳnh Chi thực hiện