Nhiều quốc gia châu Á đã vươn lên vị trí hàng đầu về khoa học công nghệ (KH&CN) thế giới nhờ áp dụng chiến thuật “Giải mã công nghệ”. Đi tắt, đón đầu, sáng tạo làm chủ công nghệ là con đường ngắn nhất để Việt Nam bứt phá trên con đường chinh phục KH&CN. Song để đi đến thành công, con đường đó còn rất nhiều gian nan trước mắt.
Những bài học thành công nhờ Giải mã công nghệ
Nhắc đến “Giải mã công nghệ”, người ta sẽ nhắc đến Đài Loan như một quốc gia có sự phát triển khoa học kỹ thuật nhờ chiến thuật “Giải mã công nghệ”. Quốc gia này đã vươn lên vị trí top đầu thế giới về công nghệ nhờ việc mua bản quyền công nghệ từ Mỹ và Nhật để phát triển. Hiện nay, Đài Loan là công xưởng lớn gia công các phầm mềm, công nghệ cho thế giới với thương hiệu được khẳng định: “Made in Taiwan”.
Hay với quan điểm sao chép “y như thật” cũng là giải mã công nghệ (mua một sản phẩm tương tự, tháo ra nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm tương tự), Trung Quốc là một quốc gia đã thành công từ quan điểm này. Hiện nay, Trung Quốc có thể chế tạo được nhiều sản phẩm khoc học ông nghệ trình độ từ thấp đến cao với chất lượng tốt tương đương và giá thành chỉ vào khoảng 20 - 50% so với chính hãng.
Cũng là “Giải mã công nghệ” nhưng theo hướng chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền, Nhật Bản, Singapore là những quốc gia châu Á đã thành công với mô hình này. Singapore đã định hướng trở thành một quốc gia dịch vụ khoa học công nghệ và tạo mọi điều kiện để các hãng lớn chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư chuyên gia trong nước. Hiện nay, Singapore không những chỉ dừng lại ở dịch vụ mà còn bắt đầu mở những nhà máy sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ cao. Nhật Bản cũng đã phát triển nền công nghiệp của mình thông qua việc mua các công nghệ rồi cải tiến sao cho phù hợp với sản phẩm, văn hoá của từng vùng khách hàng.
Tuy nhiên, giải mã công nghệ được tiến hành ở các nước đang phát triển có thể định hình theo các bước sau:- Sao chép công nghệ: mục đích chính là nhanh chóng nắm bắt được một công nghệ cần thiết và có được sản phẩm thử nghiệm.- Hoàn thiện công nghệ: trên cơ sở các kết quả đạt được từ bước sao chép, việc nghiên cứu để đánh giá những ưu nhược điểm của công nghệ đó. Kết quả của bước này là việc nắm bắt được những đặc trưng, phương pháp cơ bản của công nghệ, tìm hiểu được các tiêu chí đánh giá cũng như phương pháp hiệu chỉnh, sửa chữa các sản phẩm tạo ra từ công nghệ đó.
Chặng đường gian nan trước mắt
Việt Nam chú trọng hoạt động giải mã tiến tới làm chủ công nghệ - đó là khẳng định của các nhà quản lý, nhà khoa học tại một cuộc hội thảo: “Chính sách phát triển công nghệ thông qua hoạt động giải mã làm chủ công nghệ” do Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức mới đây.
Hội thảo nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển năng lực công nghệ nội sinh đang gặp phải những khó khăn thì việc nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để thích hợp và làm chủ càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Trung tâm phay CNC 5 trục đầu tiên được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam – sản phẩm của đề tài KC.05.28/01-05 (2005-2006)
Tầm quan trọng của hoạt động “Giải mã công nghệ” đã được khẳng định, nhưng để triển khai và thực hiện thành công hoạt động này là cả một chặng đường gian nan trước mắt. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề tài chính. Với số tiền chục ngàn, thậm chí là chục triệu USD để nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật thì khó có đơn vị nào có đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng được. Điều này cũng giải thích tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị, máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu, thích hợp và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ, bí quyết công nghệ còn rất hạn chế. Các kết quả điều tra, đánh giá trình độ công nghệ trong nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam cho thấy mức đầu tư cho các hoạt động thích nghi công nghệ nhập khẩu mới đạt khoảng 0,5% doanh thu, trong khi con số này ở Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 5 - 10%.
Bên cạnh đó, năng lực hấp thu công nghệ còn thấp đã dẫn đến hạn chế khả năng giải mã và làm chủ công nghệ nhập khẩu. Đó là chưa kể đến việc công nghệ nhập khẩu thường lạc hậu khoảng 10 - 15 năm do thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ…Chính vì vậy, sự cần thiết phải có Chiến lược về giải mã công nghệ được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển thị trường, Bộ KH&CN, hoạt động giải mã công nghệ được tiến hành ở các nước đang phát triển có thể được định hình theo các bước, đó là sao chép công nghệ, hoàn thiện công nghệ, làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ. Đặc biệt, giai đoạn sáng tạo công nghệ là giai đoạn thăng hoa của các nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng. Rất nhiều lĩnh vực mới, ứng dụng mới được hình thành từ giai đoạn này tạo nên sự thay đổi cơ bản của KHCN của một quốc gia. Giai đoạn này sẽ tạo ra điểm nhấn và xác định được vị trí của quốc gia đó trong bản đồ thế giới |
Bài và ảnh: Minh Châu