Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Thứ hai, 25/11/2024 , 12:51 am
Cập nhật : 30/05/2014 , 08:05(GMT +7)
Giải đáp vướng mắc thông tư 22 quản lý chất lượng Vàng
Thông tư 22 ra đời là cơ sở siết chặt chất lượng vàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Nhằm phổ biến toàn bộ thông tư về quản lý chất lượng vàng, 9h30 sáng nay (30/5) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ có buổi trao đổi với báo giới xung quanh các nội dung trong thông tư để ngày 1/6 bắt đầu áp dụng triển khai.

Tham dự buổi trao đổi có:  Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN); Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp Quy (Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH-CN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, được cho là một bước chuyển tích cực, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Chính quy định này sẽ siết chặt chất lượng vàng, xóa dần nghịch cảnh vàng mỗi nơi một giá trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đang được các doanh nghiệp đặt ra với Bộ KH&CN như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang hiện đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào, hay nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ là bao nhiêu…

Là cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư 22, hôm nay, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN) sẽ có buổi đối thoại với báo giới, trả lời những vướng mắc trên.

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

PV kênh truyền hình VIT: Thưa ông, ngày mai Thông tư 22  đã được áp dụng. Trong khi các DN lớn đã sẵn sàng thì DN nhỏ lẻ, thủ công lại đang tỏ ra lúng túng xử lý hàng tồn kho.  Mục tiêu của Thông tư 22 khi ban hành là gì? Liệu có làm triệt tiêu thị trường vàng  trang sức vốn đi theo lối thủ công truyền thống?

Ông Trần Văn Vinh: Mục tiêu của Thông tư 22 nhằm tăng cường quản lý chất lượng đo lường vàng trang sức đang lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cũng bảo vệ hoạt động kinh doanh mua bán vàng chân chính, công khai minh bạch hạn chế gian lận về hàm lượng vàng, gian lận về khối lượng vàng …..Văn bản khi ban hành sẽ có những tác động khác nhau, và cơ quan ban hành cũng đã đánh giá tác động từ mọi phía, các bên liên quan. Thông tư 22 được chuẩn bị ngay sau khi Nghị định 24 ban hành. Về bản chất của Thông tư 22 là  cụ thể hóa Luật và quy định trong Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

PV: Ông đánh giá có bao nhiêu phần % DN có thể đáp ứng được tiêu chuẩn theo Thông tư 22?

Ông Trần Văn Vinh: Từ trước tới nay, DN nào cũng biết có chuyện giảm tuổi vàng, không đúng giá trị của sản phẩm khi được bán ra. Tới nay khi chúng ta thay đổi phương thức quản lý, siết chặt chất lượng vàng, hấu hết DN lớn làm ăn nghiêm túc đều ủng hộ chỉ một phần nhỏ không ủng hộ. Tôi cho rằng khi văn bản pháp luật ban hành cần hướng tới đối tượng lớn được hưởng là người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính, chứ không phải những đối tượng nhỏ lẻ.

PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV): Cơ sở nào để cơ quan quản lý áp dụng chỉ số về đo lường chất lượng vàng trong Thông tư 22?

Ông Trần Văn Vinh: Khi xây dựng Thông tư, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều kinh nghiệm từ các nước đang áp dụng. Tôi khẳng định nội dung thông tư đều phù hợp với thông lệ quy định trên quốc tế.

PV Tuổi trẻ: Trước những băn khoăn lo ngại xử lý hàng tồn trong những DN nhỏ và vừa. Liệu cơ quan quản lý có biện pháp gì để hỗ trợ cho các DN trên?

Ông Trần Văn Vinh: Đã là hàng hóa lưu thông trên thị trường thì không có khái niệm hàng tồn. Quy định thông tư 22 không tạo ra khó khăn cho DN kinh doanh sản xuất vàng mà chỉ yêu cầu DN khi sản phẩm vàng ra thị trường phải đảm bảo hàm lượng vàng, tuổi vàng đúng như đã công bố. Trước thời gian TT 22 được áp dụng chính thức, chúng tôi đã kéo dài thời gian tuyên truyền, cho DN chuẩn bị từ thời điểm ban hành là 9/2013 tới 1/6. Trong khi đó, theo quy định sau khi ban hành thông tư, thường chỉ sau 45 ngày đã đi vào áp dụng.

PV Chất lượng Việt Nam: Về thiết bị cân, hiện tại các DN đã có cân được kiểm định của các Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhưng các DN lo ngại từ ngày 1/6 khi cơ quan quản lý tiến hành thanh tra thì không biết liệu có sự không đồng nhất trong việc sử dụng loại cân giữa DN và cơ quan quản lý hay không?

Ông Trần Văn Vinh: Thông tư 22, không quy định tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất nhập khẩu kinh doanh mua bán vàng phải trang bị quả cân và cân. Tuy nhiên, nếu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng cân trong mua bán vàng thì nhất định phải đáp ứng yêu cầu về đo lường theo Thông tư 22. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh vàng phải tự kiểm tra lại xem thiết bị cân đo của mình có đáp ứng yêu cầu đo lường hay không.

PV Chất lượng Việt Nam: Đề nghị xem xét yêu cầu các cơ sở mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trang bị các loại cân để xác định khối lượng vàng có e ≤ 1 mg (đối với các mức cân đến 500 g) có phù hợp với các điều kiện thực tế địa phương không? Thực tế hiện nay, đa số các đơn vị kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ thường trang bị các loại cân có cấp chính xác II để định lượng mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức cân ≤ 500 g. Do đó, theo quy định này thì hầu hết các các đơn vị kinh doanh vàng đều phải trang bị lại các loại cân có cấp chính xác I có giá thành khá cao đây cũng là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Vinh: Hiện nay, nhiều cơ sở sử dụng cân có mức cân lớn nhất (200 g) với giá trị độ chia kiểm e ≥ 10 mg để xác định khối lượng sản phẩm vàng (01 chỉ hoặc 02 chỉ) sẽ gây sai lệch lớn làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng. Theo nhu cầu sử dụng, cơ sở lựa chọn cân có mức cân lớn nhất phù hợp (ví dụ: 100 g; 200 g; 300 g hoặc 500 g) với e ≤ 1 mg để thực hiện phép cân khối lượng sản phẩm vàng để tránh lãng phí. Khi thực hiện mức cân bằng 30 g với cân có độ chia kiểm là 1 mg thì giới hạn sai số được làm tròn đến 1 mg.

PV Hà Nội mới: Có nhiều ý kiến cho rằng 8 tháng thì không đủ cho các bước chuẩn bị để doanh nghiệp vàng trang sức thực hiện đủ các yêu cầu tại Thông tư 22, ông thấy như thế nào về ý kiến này? Thường ở các nước, bước chuyển dài hơn trước khi thông tư có hiệu lực để các doanh nghiệp chuẩn bị?

Ông Trần Văn Vinh: Thông thường, theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Mặc dù Thông tư 22 được ký ban hành từ ngày 26/9/2013 nhưng ngay từ khi xây dựng, Bộ KH&CN đã tính đến thời gian cần thiết và lộ trình thích hợp để các Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ có đủ thời gian để thực hiện theo các quy định mới. Do đó, hiệu lực của Thông tư đã được xác định là sau khoảng 8 tháng kể từ khi ký ban hành. Với nội dung này đã nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan quản lý, Ngân hàng nhà nước, các bên liên quan, kể cả Hiệp hội Kinh doanh vàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn hết sức thụ động trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới mà doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh. Khi chuẩn bị đến thời hạn phải áp dụng theo quy định theo quy định mới thì mới xem xét thực hiện nên bị “khớp”, “hoang mang” khi không hiểu rõ hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện theo quy định. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện theo Thông tư mới và rất sẵn sàng cho việc thực hiện Thông tư. Tôi đánh giá cao những doanh nghiệp có ý thức như vậy.

PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV1): Nhiều ý kiến cho rằng, với mức sai số hiện nay của các doanh nghiệp thường là 1 – 3%, trong khi đó theo Thông tư 22 thì mức sai số chỉ là 0,1 – 0,3%? Quan điểm của Tổng cục về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Văn Vinh: Giả sử ý kiến cho rằng mức sai số hiện nay từ 1 – 3% là đúng thì rất có thể vàng 99,99% chỉ còn là 96,99% (sai số 3%). Nếu bạn là người đi mua vàng với tinh thần là mua vàng 99,99%, trả tiền cho vàng 4 số 9 nhưng thực tế hàm lượng vàng của sản phẩm của bạn chỉ ở mức 96,99% thì bạn nghĩ như thế nào? Liệu bạn có sẵn sàng trả tiền cho sự chênh lệch 3% đó? hay đây chính là hành vi gian lận về tuổi vàng để ăn chênh lệch? Trong quá trình xây dựng thông tư, giới hạn sai số cho phép đã được tham khảo của một số quốc gia trên thế giới có những quy định khá tương đồng cũng như đã được lấy ý kiến của Hiệp hội vàng, Ngân hàng nhà nước và các bên liên quan. Đa số đều thống nhất quy định giới hạn sai số này thậm chí có khá nhiều đơn vị đề nghị phải quy định giới hạn sai số nhỏ hơn nữa! Điều này sẽ hạn chế tối đa sự gian lận trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, móc túi người tiêu dùng.

PV Tuổi Trẻ: Đối với những sai phạm về khối lượng, tuổi vàng, nhãn mác sản phẩm thì sẽ có mức xử phạt như thế nào?

Ông Trần Văn Vinh: Việc xử phạt vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể được quy định trong Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Ví dụ: - Về việc sử dụng phương tiện đo quy định tại Điều 10: Mức tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng, mức phạt tối đa là 100.000.000 đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể. - Về chất lượng quy định tại Điều 17, Điều 20: Mức phạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, mức tối đa đến 05 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể. - Doanh nghiệp vi phạm hành chính nếu đã xử phạt VPHC mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cưỡng chế thực hiện theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

PV Chất lượng Việt Nam: Việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức, đặc biệt ở các cửa hàng vàng nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được quản lý, giám sát như thế nào?

Ông Trần Văn Vinh: Thực ra, việc kiểm soát và thực hiện các quy định về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt cửa hàng nhỏ lẻ hay ở vùng sâu vùng xa. Nói cách khác, cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, nhỏ lẻ nếu kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì cũng phải tuân thủ các quy định về kinh doanh vàng. Bên canh đó, Bộ KH&CN đã giao việc thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ như sau: Về kiểm tra: Giao cho Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Về thanh tra: Giao cho Thanh tra Sở KHCN tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

PV Chất lượng Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện tại chưa có một trung tâm kiểm định độc lập được chỉ định để thực hiện việc thử nghiệm xác định hàm lượng vàng, vậy ai sẽ làm nhiệm vụ này, có phải Quatest chăng?

Ông Trần Văn Vinh: Thông tư đã quy định cụ thể yêu cầu đối với các tổ chức thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, các tổ chức này phải có năng lực, trình độ, hệ thống quản lý, thiết bị, con người, điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng được việc thử nghiệm vàng. Các đơn vị nào đáp ứng các quy định tại thông tư đều có thể đăng ký để được xem xét chỉ định, không hạn chế đơn vị nào. Chúng tôi hoan nghênh một số doanh nghiệp cũng đã xem xét xây dựng năng lực thử nghiệm vàng để đăng ký chính thức.

Thông tư ra đời sẽ bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

Đánh giá về các quy định trong Thông tư 22 đối với thị trường vàng, ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn TP. HCM (SJA) cho rằng, đó là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. "Người dân mua vàng ở những thương hiệu lớn được đảm bảo nguyên chất 100%", ông Dưng nói.

Hiệp hội kinh doanh vàng ủng hộ

Ông Nguyễn Thành Long -  Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Thông tư 22 có hiệu lực sẽ giúp thị trường nữ trang vàng đạt được chất lượng hơn, có chuẩn mực hơn. Các thành viên của hiệp hội ủng hộ lập lại trật tự trên thị trường vàng nữ trang. Khi tiêu chuẩn được thống nhất và việc kiểm soát kỹ lưỡng hơn sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay. Việc này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng mà thương hiệu nữ trang Việt Nam sẽ không còn bị định kiến kém chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp sẽ cạnh tranh lành mạnh

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Hữu Hạnh - PTGĐ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, các quy định về chất lượng ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm sẽ được công bố đúng tuổi, tiền gia công sản phẩm sẽ tăng lên thay vì ăn vào sản phẩm như trước đây.

 

 

 

Nguồn tin: vietq.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner