Giải Nobel khoa học: Niềm mong đợi của nhiều quốc gia
Giải Nobel khoa học là niềm mong ước của nhiều quốc gia. Ngưới Anh đòi phải chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu để có thêm nhiều công trình đạt giải Nobel. Còn Trung Quốc đang nỗ lực để đạt giải 5-10 năm tới.
Chỉ với 1% dân số thế giới nhưng Anh là nước sinh ra đến 8% các ấn phẩm khoa học toàn cầu và 12% các nghiên cứu được các nhà khoa học trích dẫn. Nước Anh đã có nhiều nghiên cứu cơ bản hơn bất cứ nước nào khác trong khối G8.
Thêm nhiều giải Nobel nữa cho Anh quốc
Khoa Khoa học vật liệu và luyện kim ĐH Cambridge có hơn 30 cán bộ giảng dạy bao gồm nghiên cứu sinh, hơn 50 nhà quản trị, kỹ thuật và hỗ trợ, và khoảng 60 nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, 130 sinh viên nghiên cứu (Ảnh: ĐH Cambridge)
Không có gì ngạc nhiên khi Robert Edwards (cùng với Patrick Steptoe) người phát minh ra phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã đoạt giải Nobel y học. Ngoài ra có Andre Geim và Konstantin Novoselov, hai nhà vật lý gốc Nga thuộc đại học Manchester cũng được trao giải Nobel vì phát hiện ra Graphene, vật liệu mỏng nhất trong vũ trụ, chỉ gồm 1 lớp nguyên tử các-bon. Những nghiên cứu tiên phong của họ về tính chất của loại vật liệu này, cuối cùng có thể sử dụng thay thế silicon để chế tạo các chip máy tính với tốc độ cao hơn.
Nếu làm phép so sánh, ta sẽ thấy là 62 nhà khoa học người Anh đã giành Nobel về y học, vật lý hay hóa học, so với 28 người Pháp và 52 người Đức. GS Jim Al-Khalili tại Đại học Surrey cho biết: "Anh với truyền thống, danh tiếng và di sản là trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới hiện nay vẫn hấp dẫn đông đảo những nhà tư tưởng lớn nhất thế giới”. Đây một phần xuất phát từ sự hình thành của Hiệp hội khoa học Hoàng gia, hiệp hội khoa học lâu đời nhất, đã tồn tại 350 năm này. Ngoài ra hiện nay tiếng Anh vẫn còn giữ vai trò là ngôn ngữ chung của khoa học.
Ngoài ra di sản giàu có này cũng mang lại tác động lớn về kinh tế. Theo báo cáo của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia và Hội đồng Nghiên cứu khoa học vật lý kỹ thuật gần đây cho thấy trong năm 2007, các công ty kinh doanh liên quan hay được hưởng lợi từ các nghiên cứu hóa học đã đóng góp sáu triệu công ăn việc làm và đóng góp thu nhập 258 tỷ bảng cho nền kinh tế, tương đương 21 % GDP.
Tuy nhiên, thực tế nhà nước tài trợ cho nghiên cứu khoa học chỉ đạt mức 0,55% GDP theo số liệu mới nhất - nếu so sánh con số đó chỉ bằng con số của năm 1986. Chính vì vậy nên hiện nay ở Anh người ta đang tranh cãi, cho rằng nghiên cứu khoa học cần được tăng hỗ trợ kinh phí để có thể tiến hành nhiều nghiên cứu xuất sắc hơn nữa. Thế nhưng Anh đang xem xét để liệt kinh phí nghiên cứu khoa học vào diện cắt giảm.
Ngay khi dự định này được đưa ra đã kích động nhiều ý kiến phản đối khắp mọi nơi, thậm chí người ta còn phát triển chiến dịch đấu tranh “Khoa học là thiết yếu” để thuyết phục các nhà tạo lập chính sách cân nhắc lại. Mới đây, nhiều người trong cộng đồng khoa học đã ký một bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, và nhiều nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên đất nước đã tổ chức biểu tình bên ngoài Kho bạc Anh với thông điệp rất đơn giản: Nếu chúng ta muốn có thêm nhiều giải Nobel nữa cho nước Anh!
Giáo sư Yigong Shi, người đã từ bỏ một vị trí nghiên cứu hàng đầu ở Hoa Kỳ để trở thành trưởng khoa của Khoa Khoa học đời sống tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh trong năm 2008 (Ảnh:AFP)
Ước mơ đạt giải Nobel khoa học 5-10 năm tới
Trong khi đó, giành giải Nobel khoa học vẫn là mục tiêu Trung Quốc quyết giành được. Những người từng đoạt giải Nobel như Oliver Smithies và Craig Mello khi đến thăm Trung Quốc được đối xử như ngôi sao nhạc rock ở phương Tây.
Trung Quốc còn mời thành viên ban hội thẩm giải Nobel Y/sinh học, hóa học và vật lý tới Bắc Kinh năm 2006 và 2008 để tham vấn họ bằng cách nào có thể giành giải danh giá này.
Năm 2007, nước này rót 3.750 tỉ USD cho 147 dự án khoa học dài hạn, cũng như đầu tư không tiếc tiền vào những đài quan sát vũ trụ, máy gia tốc hạt và những dự án nghiên cứu hiện đại khác. Có tin Trung Quốc ra hạn chót cho mục tiêu giành giải Nobel là 5-10 năm tới.
Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc ném tiền vào nghiên cứu khoa học nhằm săn lùng giải thưởng, nhưng không chịu cải cách hệ thống giáo dục nhà nước cứng nhắc, coi trọng học thuộc lòng, không khuyến khích sáng tạo và khiến nhiều người tư tưởng tân tiến phải ra đi.