Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:26 am
Cập nhật : 14/07/2016 , 22:07(GMT +7)
GS Trịnh Xuân Thuận: Vũ trụ sinh ra để chờ đợi con người
GS Trịnh Xuân Thuận Ảnh: BT
Thơ, văn, nhạc, họa… đều có thể “bầu bạn” với khoa học. Đó là điều mà giáo sư (GS) Trịnh Xuân Thuận rất tâm đắc trong quá trình viết ra những cuốn sách khoa học thường thức của mình.

Hành tinh của chúng ta trúng số độc đắc

Khi ở Mỹ, GS có ba lựa chọn: học vật lý cơ bản, sinh học, vật lý thiên văn. Vậy điều gì khiến GS quyết định theo đuổi con đường vật lý thiên văn?

Từ khi còn bé, tôi đã thần tượng Albert Einstein. Lúc đọc được quyển: “Thế giới như tôi nhìn thấy”, tôi thật sự rất hào hứng. Tôi muốn noi theo gương ông, tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ, mà vũ trụ thì luôn huyền bí và mới mẻ, vì vậy tôi học vật lý thiên văn.

Lúc tôi học ở trường ĐH của Mỹ, thế giới có nhiều bước tiến quan trọng trong khoa học. Đặc biệt là sự kiện Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Ở trường tôi cũng có một đài thiên văn rất hiện đại, hằng ngày tôi được lên đó, nhìn sâu vào vũ trụ, nhìn về quá khứ. Tất cả đều khiến tôi cảm động. Cho đến nay, dù đã làm nhà vật lý thiên văn được 40 năm nhưng tôi vẫn không hối hận hay nuối tiếc gì. Vũ trụ là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học, vì càng tìm hiểu về nó chúng ta càng thấy nó bí ẩn. Nhưng thật ra tôi nghĩ, nếu như biết tất cả câu trả lời, thì không còn gì là thú vị nữa.

GS từng viết trong một quyển sách của mình là: “Vũ trụ sinh ra để chờ đợi sự có mặt của con người” hay “nếu vũ trụ lạnh hơn một tí hoặc nóng hơn một tí, thì không dễ gì chúng ta có thể gặp mặt nhau để nói chuyện”. GS có thể giải thích điều này không?

Từ xa xưa con người đã đặt cho mình vị trí ở trung tâm vũ trụ và tin rằng chúa tạo ra con người. Nhưng Galileo và Copecnicus đã chỉ ra điều ngược lại khi nói rằng mặt trời chứ không phải con người giữ địa vị trung tâm. Nhưng đến bây giờ, mặt trời cũng không còn là độc tôn nữa. Mặt trời chỉ là ngôi sao trong hàng triệu ngôi sao trong dải ngân hà, và cũng có vô số dải ngân hà trong vũ trụ này. Điều đó làm một số người bi quan cho rằng: vị trí của con người càng ngày càng nhỏ bé, sự xuất hiện của loài người chỉ là ngẫu nhiên và không hề có ý nghĩa gì cả.

Tôi thì lạc quan hơn. Chúng ta là anh em, là con cháu của các vì sao; chúng ta có mối liên hệ với vũ trụ. Tất cả những vật chất tối, năng lượng tối, hàm số vật lý, 4 lực cơ bản… đã làm ra vũ trụ như chúng ta thấy hiện nay. Hãy tưởng tượng vũ trụ là một dãy có 61 con số, nếu ta giữ nguyên 60 chữ số đầu và thay chữ số 61 đi thì vũ trụ cũng sẽ tan biến. Điều đó cho thấy chúng ta đã trúng số độc đắc khi có mặt trong vũ trụ, vì trong hằng hà sa số các hành tinh hiện hữu đều không xuất hiện thứ gì. Nên tôi cho rằng sự xuất hiện của con người là tất yếu, là có một lý do gì đó để Tạo hóa sáng tạo ra con người.

Mọi người xếp hàng chờ GS Thuận kí tặng Ảnh: BT

Phải đầu tư vào khoa học cơ bản!

Ở Việt Nam, ngành vật lý thiên văn còn khá xa lạ và ít được giảng dạy trong nhà trường. Ông có nhận xét gì về vấn đề này không ạ?

Đúng là ngành vật lý thiên văn ở nước ta chưa thật sự phát triển. Tôi chỉ biết có 1- 2 người ở TP.HCM làm thiên văn và một nhóm nhỏ khảo cứu về thiên văn ở Hà Nội do một tiến sĩ nước ngoài khởi xướng. Chưa phát triển là do các trường ĐH học hiện nay thiếu phương tiện giảng dạy cũng như thiếu giáo sư giỏi về thiên văn. Một giáo sư muốn giỏi thì phải chuyên tâm vào khảo cứu và giảng dạy; có như vậy họ mới kịp thời cập nhật những tiến bộ khoa học trên thế giới và có sự kết nối chặt chẽ với giới học thuật nước ngoài.

Giờ quay lại vấn đề đầu tư cho vật lý thiên văn của nước ta, sự đầu tư đó vẫn chưa đúng mức. Vật lý cơ bản rất quan trọng, nếu không có nó không bao giờ có thể đưa tới vật lý áp dụng, và cũng không bao giờ có được những trường Bách khoa như hiện nay. Như Newton, khi ông phát minh ra các định luật, học thuyết ông có bao giờ nghĩ là tất cả những thứ đó sẽ được áp dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại đâu.

Các lãnh đạo phải chú trọng đầu tư vào khoa học cơ bản. Đừng nghĩ chỉ hỗ trợ một số tiền rồi bắt buộc 2 -3 năm sau phải thấy liền kết quả; phải nhìn ra xa hơn: 20 năm, 30 năm. Mình phải làm đi thôi, phải đầu tư vào ĐH đi thôi. Các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… đã làm hết rồi. 15 năm trước có thể nói Trung Quốc đứng bét về thiên văn, nhưng bây giờ các công bố về nghiên cứu vật lý thiên văn của họ có số lượng và chất lượng được xếp hạng cao gần bằng Mỹ.

Vậy hướng đi nào cho ngành vật lý thiên văn ở nước ta?

Bây giờ chỉ có con đường đi ra nước ngoài để tìm kiếm những thầy giáo giỏi và học hỏi những thành quả của người ta. Nhưng dù thế nào chính phủ cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút chất xám về nước. Chứ bây giờ các phòng thí nghiệm thiếu thốn, đi học về không có chỗ để áp dụng. Lương thì ít, họ phải làm những công việc khác để có tiền nuôi gia đình, mà nếu làm công việc khác thì lấy đâu ra thời gian để khảo cứu và giảng dạy?

Độc giả đang chọn mua sách của GS Trịnh Xuân Thuận Ảnh: BT

Những quyển sách của GS được dịch ra 20 thứ tiếng trên toàn thế giới, nhưng ở Việt Nam có lẽ là bản dịch được đón nhận nồng nhiệt nhất, lý do vì sao?

Tôi không viết sách khoa học theo kiểu khô khan, khi viết tôi chú ý lấy chất liệu  trong thơ, văn, nhạc, họa… làm ví dụ minh họa. Những quyển sách của tôi được dịch qua tiếng Anh rất nghiêm túc và khô. Riêng chỉ có ở Việt Nam, nhà vật lý – dịch giả Phạm Văn Thiều đã chuyển tải thành công chất thơ, chất nhạc trong sách của tôi. Anh vừa am tường về khoa học, vừa có kiến thức về các ngành xã hội lại rất yêu văn chương. Có lẽ đó là lý do khiến sách của tôi thành công ở Việt Nam.

Cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

GS Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý thiên văn đồng thời là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách về vũ trụ học và những suy nghĩ của bản thân trong mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là nhà thơ, triết gia, một phật tử vàlà nhà hoạt động vì môi trường và hòa bình.

Ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và văn hóa xã hội. Trong đó có giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp và giải thưởng Kalinga 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ biến khoa học vũ trụ.

 

 

 

Nguồn tin: Khám phá

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner