Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 05:42 am
Cập nhật : 21/11/2016 , 09:11(GMT +7)
GS. Tạ Quang Bửu – Nhà trí thức xuất sắc, nhà khoa học lớn của đất nước
GS. Tạ Quang Bửu khi làm Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội (Ảnh tư liệu tác giả cung cấp))
“Cha tôi là một nhà trí thức xuất sắc, nhà khoa học lớn của đất nước, một tấm gương sáng về tự học, học suốt đời”.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã kể cho chúng tôi nghe về người cha thân yêu của mình – GS Tạ Quang Bửu, một nhà quản lý, người thầy cả đời chăm lo công tác đào tạo đại học và sau đại học của ngành giáo dục nói chung và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội) nói riêng.

Cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà

“Cha tôi dành nhiều thời gian cho việc chung nên thời gian dành cho gia đình không được nhiều. Nhưng ông đã gián tiếp ảnh hưởng đến chúng tôi, cuốn hút chúng tôi bằng chính hình ảnh làm việc tận tụy, miệt mài của mình. Cha tôi đọc sách nhiều lắm. Lúc nào cũng thấy ông cầm sách, có khi đọc từ sáng sớm đến tối muộn. Tài liệu của ông vô cùng đa dạng vì ông từng là nhà quản lý lại say sưa nghiên cứu nhiều lĩnh vực” – Thiếu tướng Tạ Quang Chính mở đầu câu chuyện về người cha của mình với tấm lòng đầy kính trọng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng đất nước vẫn còn bị chia cắt. Để thực hiện công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ chủ trương tập trung xây dựng tổ chức, cơ sở vật chất và đặc biệt đội ngũ nhân lực khoa học. Lúc đó cha tôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy đến năm 1958, còn được giao nhiệm vụ khảo sát các tổ chức khoa học và quản lý khoa học các nước XHCN, đề xuất với Nhà nước mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện Việt Nam. Một mình ông đảm nhiệm nhiều việc, bên cạnh công việc mới ông còn phải thực hiện một số nhiệm vụ của quân đội. “Bận rộn là thế nhưng cha tôi là người luôn có trách nhiệm và hoàn thành mọi công việc được giao. Ông nói với chúng tôi: mình không làm được cái gì là do mình không muốn làm” - Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, gần đây có kể lại một kỷ niệm: “Sau hoà bình lập lại, quân đội ta có nhận về một radar của nước ngoài. Hôm đón Bác Hồ đến thăm, Thứ trưởng Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng đi cùng và giới thiệu rất rành mạch về tính năng, tác dụng của nó. Bản thân tôi thực sự ngỡ ngàng vì không hiểu Thứ trưởng Bửu đã nghiên cứu nó từ lúc nào”.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính kể lại, song song đảm nhiệm việc chuẩn bị ra đời các tổ chức và cơ quan quản lý khoa học, năm 1956, cha tôi được cử làm Giám đốc Trường ĐHBK Hà Nội thay GS Trần Đại Nghĩa. Công việc đầu tiên mà cha tôi chú trọng đó là “lựa chọn những nhà khoa học giỏi, những người có kinh nghiệm về xây dựng Trường. Lúc đó nguồn quan trọng chủ yếu là từ quân đội, đặc biệt là ngành quân giới, các nhà nghiên cứu kỹ thuật quân giới, nhân lực nòng cốt khoa học công nghệ đầu tiên của chính quyền cách mạng là những người như đồng chí Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa, Tôn Thất Hoàng, …”. Tháng 3/1959, Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập chính thức, đồng chí Trường Chinh làm Chủ nhiệm đầu tiên thì ông được cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban; sau đó lần lượt các Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp rồi Nguyễn Duy Trinh làm Chủ nhiệm.

Trong khi công việc bộn bề, ông luôn đau đáu về việc xây dựng Trường ĐHBK Hà Nội  từ viện trợ của Liên-Xô, đây là một tổ hợp công trình lớn đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, trách nhiệm để triển khai và được Nhà nước rất quan tâm trong điều kiện lúc ấy. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều xuống Trường trực tiếp để nghe báo cáo, kiểm tra. Lúc đó nước ta chưa có công nghệ đóng cọc, nền nhà C1 bị lún, công việc đòi hỏi phải xử lý công phu, nhanh chóng. Khi tổ hợp công trình hoàn thành, đây thực sự là hình ảnh tiêu biểu và tự hào của Thủ Đô. Hoàn thành xong việc xây dựng cơ sở vật chất, ông lại tập trung chăm lo công tác đào tạo đại học, sau đại học của ngành giáo dục nói chung và Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng. Tôi vẫn nhớ ông rất quý những thầy giỏi, các giảng viên có trình độ cao, coi trọng và nắm chắc những người có năng lực thực sự trong từng lĩnh vực, đồng thời quan tâm anh em trí thức trẻ, thậm chí nhớ tên từng sinh viên trẻ giỏi. Ông rất tin tưởng đội ngũ này và luôn quan tâm đến họ. Có lẽ vì thế, những kỉ niệm về ông được một số thầy giáo trước đây dành những tình cảm trân trọng và sâu đậm khi nhớ về ông. Một hôm về Trường trình bày xê-mi-na, gặp anh chị em giáo viên, nói về số người mới bảo vệ luận án phó tiến sĩ về, cha tôi nói: “Chúng ta rất cần những đồng chí trẻ này. Đặc biệt không thể quên những đóng góp rất quý báu của thế hệ những nhà giáo giàu kinh nghiệm như thầy Thái Thanh Sơn, Nguyễn Hồ Quỳnh, Nguyễn Đình Trí, Lương Duyên Bình…, bởi nhờ họ mới có được những phó tiến sĩ đó”.

Năm 1961, do công việc của Ủy ban Khoa học Nhà nước rất bận, ông được thôi kiêm chức Giám đốc Trường ĐHBK Hà Nội. Năm 1965, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp, có điều kiện quan tâm các trường hơn.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính cho hay: “Dường như với cha tôi, được cống hiến cho đất nước là một nhu cầu, một đòi hỏi trong cuộc sống của ông, vậy nên ông không ngại đảm đương nhiều trọng trách, sẵn sàng vì công việc chung của đất nước và mong muốn các con mình noi theo lẽ sống đó”. Đầu năm 1973, trước tình hình nước sôi lửa bỏng của đất nước, Đế quốc Mỹ đã dùng không quân thả nhiều thuỷ lôi ở ven biển các tỉnh phía Bắc, tập trung ở Quảng Ninh và Hải Phòng, ông đưa nhóm GK1 - Trường ĐHBK Hà Nội xuống Hải Phòng cùng lãnh đạo cảng và đại diện Bộ Giao thông bàn về rà phá. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến triển khai thiết bị rà phá thuỷ lôi của Nhóm. Công việc rất khẩn trương, nhiều tổ chức khoa học, kỹ thuật khác cũng độc lập triển khai, ngay phía Mỹ cũng dùng các thiết bị hiện đại để rà phá, nhưng sau nhiều ngày rà phá không thành công với hậu quả 2 máy bay trực thăng rơi ngay hiện trường và nhiều lính Mỹ bị mất mạng. Trong khi đó, với kết quả nghiên cứu hiệu quả, các thành viên GK1 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Chiến công năm 1974 - 1975.

Một người cha giản dị và trách nhiệm

Nhà khoa học tài danh, GS.TS Phan Đình Diệu đã viết bài thơ về GS Tạ Quang Bửu, trong đó có câu: “Một khối nghĩ suy, một khối tình”. Quả thật, cuộc đời của nhà khoa học Tạ Quang Bửu đúng là “một khối nghĩ suy”, để lại nhiều thành quả lớn cho đất nước. Trong cuộc sống đời thường, với mọi người và trong gia đình ông thực sự là “một khối tình”. “Cha tôi là người thanh bạch, giản dị, sống liêm khiết và thanh đạm. Ông chưa một lần đòi hỏi điều gì cho bản thân... Cha dạy chúng tôi hai đức tính hàng đầu là trung thực và trách nhiệm. Những đức tính này đòi hỏi tính tự giác và tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi học được cách sống tự lập, ít dựa dẫm, tự mình bươn chải vươn lên, càng không bao giờ dựa vào uy thế của cha. Suốt cả cuộc đời, cha tôi là một tấm gương sáng về sự trung thực và có trách nhiệm với gia đình... ” – Thiếu tướng Tạ Quang Chính bồi hồi tâm sự. Trong lòng ông, kỷ niệm về người cha thân yêu lại ùa về.

Năm học lớp 10 (1970-1971), mặc dù bị ốm nặng nhưng tôi vẫn quyết tâm thi vào Trường ĐHBK Hà Nội. Từ khi lựa chọn đến lúc nhận được giấy báo nhập học khoa Toán-Lý của Trường, mọi con đường đều do tôi lựa chọn, không dựa vào cha mình. Cha tôi rất mừng vì con mình vừa trải qua bệnh tật mà vẫn thi đỗ vào Trường. Ông hỏi tôi: “Nguyện vọng của con thế nào hay con đi bộ đội cho việc rèn luyện tốt hơn?”. Cũng như bao thanh niên khác lúc ấy và được sự động viên của cha, tôi vào bộ đội. Kết quả thi đậu vào ĐHBK được bảo lưu, hai năm sau, tôi được quân đội cử về lại Trường để học.

Tại Khoa Toán – Lý tôi được nghe nhiều câu chuyện rất cảm động về những năm tháng cha tôi làm Hiệu trưởng của Trường. Những buổi Bộ trưởng trình bày xê-mi-na của ông về vấn đề ông cập nhật, hay thỉnh thoảng trong bài giảng các thầy cô lại nói những từ này, từ kia như “ánh xạ, nhúng...” là của thầy Bửu đấy, một cách đầy trân trọng. Cuối năm 1978, tôi tốt nghiệp kỹ sư Toán máy tính và được điều về Phân viện Thiết kế Vũ khí. Không đúng ngành đào tạo, về công tác trong môi trường này, tôi phải tự học, tự nghiên cứu toán cơ, cơ khí và vật lý nổ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đó cũng chính là phương pháp học tập, làm việc mà tôi thấy được từ cha mình và đồng nghiệp.

“Trong gia đình, cha tôi là một người có trách nhiệm cao với vợ con. Dù yên bình, thong dong hay khó khăn, mẹ và chúng tôi thực sự hạnh phúc bên cha. Những năm 80, đời sống rất khó khăn, có được đồng nhuận bút nào từ các tạp chí, cha đều dành hết cho mẹ mua mấy con lợn về nuôi để cải thiện thêm cho cuộc sống gia đình. Thiếu thốn, khó khăn đến mấy cha tôi vẫn không bao giờ chán nản. Cha tôi còn ngâm thơ, kể chuyện tiếu lâm cho các con nghe, cả những khi bệnh tật bắt đầu hành hạ ông…” – Thiếu tướng Tạ Quanh Chính thổ lộ.

Là cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà, nhưng lúc nào ông cũng khiêm nhường, nhường quyền lợi cho người khác. Ngay cả khi lâm bệnh nặng, nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Xô, ông cũng chưa một lần đòi hỏi phải hội chẩn giáo sư hay chế độ chăm sóc đặc biệt. “Cha tôi mất ngày 21/08/1986 (16/07 năm Bính Dần). Linh cữu của ông đã được quàn tại Hội trường C2 – ĐHBK Hà Nội, nơi ông đã gắn bó nhiều năm. Ông đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống mênh mang không thể lấp đầy trong lòng giới khoa học nước nhà…” - Thiếu tướng Tạ Quang Chính xúc động nhớ lại – “Mười năm sau, với những đóng góp của ông, Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 1996) vì “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại sau 1945, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật qua trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông và Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông đều được diễn ra tại Trường ĐHBK Hà Nội. Con đường mang tên ông cũng nằm trên khuôn viên của Trường. Thư viện lớn và hiện đại nhất Việt Nam trong Trường cũng mang tên ông. Tình cảm với ông trong các thế hệ thầy và trò Bách Khoa thật là sâu nặng!

GS Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/07/1910 ở Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình trí thức lớn, một dòng họ có nhiều người đỗ đạt thành danh. Năm 1929, sau khi đậu tú tài bản xứ, ông được nhận học bổng của Như Tây du học sang Pháp, thi đậu vào trường Centrale (A) Paris. Ông học toán ở các trường ĐH Paris, Bordeaux (Pháp), Oxford (Anh) từ 1929 đến 1934.

Từ năm 1935 đến năm 1942 ông về Huế dạy học.

Từ năm 1945 đến 1961, ông đã giữ các cương vị: Tham Nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS Tạ Quang Bửu được các nhà khoa học, các vị lãnh đạo trong và ngoài nước đánh giá cao. Ông là “Nhà tri thức xuất sắc của đất nước” (Tố Hữu), là “Nhà khoa học lớn của đất nước” (Hoàng Quốc Việt), là một người thầy “Tài năng và rất mực đức độ… anh ra đi đã để lại một khoảng trống sau anh…” (GS Hoàng Tụy).
Nhà ngôn ngữ học - toán học Noam Chomsky, một trong những nhà bác học lớn nhất của thế kỷ 20, theo đánh giá của tạp chí Newsweek, đã viết rằng: “Ông Tạ Quang Bửu là một con người có trí thông minh tuyệt vời…”.

GS Tạ Quang Bửu là một tấm gương lớn về tự học, học suốt đời. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, sử dụng được tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Hán, tiếng Hy Lạp cổ và La tinh.

Hoàng Anh (ghi)

 





Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner