EU - ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu hướng tới kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh; đồng thời, tạo điều kiện cho việc hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa hai khu vực.
Ngày 2/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo EU - ASEAN về ĐMST nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và ĐMST giữa EU và ASEAN trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, cả trực tiếp và trực tuyến.
Xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác giữa hai khu vực
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh khẳng định, Việt Nam tự hào là một quốc gia có trách nhiệm và tích cực, với nhiều đóng góp quan trọng cho quan hệ ASEAN - EU. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, định hướng phát triển ĐMST và khởi nghiệp. Theo đó, Việt Nam đã tăng hai bậc trong Bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu (GII) năm 2024, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp đầu tư nhằm cải thiện các chỉ số ĐMST, bao gồm: xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia quy tụ các chuyên gia và nhà khoa học, phát triển các chính sách khuyến khích ĐMST, đặc biệt là trong các doanh nghiệp.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, Hội thảo sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu; đồng thời, tạo điều kiện cho việc hình thành một hệ sinh thái ĐMST và tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST giữa các cơ quan ASEAN và các đối tác EU.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết, ĐMST đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu mà cả EU và các nước ASEAN đang phải đối mặt. Hội thảo là sự kiện ĐMST khu vực thí điểm đầu tiên giữa hai bên, là cơ hội để hai khu vực, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp thúc đẩy hợp tác, khuyến khích tham gia một cách cởi mở, học hỏi từ hệ sinh thái ĐMST của nhau và khám phá các mối quan hệ hợp tác tiềm năng. Qua đó, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, tăng cơ hội tiếp cận thị trường, cơ hội việc làm và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của cả hai khu vực trong nghiên cứu về nền kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch.
Ngài Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu, sáng kiến chung
Theo bà Signe Ratso, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Nghiên cứu và ĐMST (DG RTD), Ủy ban châu Âu, hợp tác nghiên cứu và ĐMST đã và đang diễn ra, đạt được thành công giữa hai khu vực với sự tham gia tích cực của các nước ASEAN vào chương trình trọng điểm Nghiên cứu và ĐMST Horizon Europe của EU và theo Chương trình Tài trợ chung mà EU đang hỗ trợ thông qua Cơ sở dịch vụ toàn cầu. Thông qua hợp tác, đã mở ra cho hai khu vực các giải pháp chuyển đổi trên quy mô toàn cầu; các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà nghiên cứu cần có những ý tưởng sáng tạo giúp đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ.
Bà Signe Ratso, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Nghiên cứu và ĐMST (DG RTD), Ủy ban châu Âu phát biểu tại Hội thảo.
Đồng quan điểm, TS. Chhuon Sambath Ratanak, Chủ tịch ASEAN SCSER cho rằng, đây là cơ hội để các bên học hỏi lẫn nhau và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu đang diễn ra với đối thoại EU - ASEAN về KH,CN&ĐMST, giúp giải quyết các thách thức toàn cầu và tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, nền kinh tế xanh và bền vững; thúc đẩy đối thoại toàn cầu về cách tạo ra các giải pháp bền vững cho tương lai; xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác để thúc đẩy hai khu vực phát triển xanh và sạch hơn.
TS. Chhuon Sambath Ratanak, Chủ tịch ASEAN SCSER phát biểu tại Hội thảo.
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về xu hướng hiện tại, thách thức và cơ hội tài trợ cho hợp tác ĐMST giữa EU - ASEAN, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp theo Chương trình tài trợ chung EU - ASEAN (JFS); khuyến khích các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hình thành quan hệ đối tác giữa các nhà ĐMST và nhà nghiên cứu từ cả hai khu vực.
Ông Benoit Sauveroche, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Singapore chủ trì phiên thảo luận.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 20 sáng kiến giải pháp đến từ 20 công ty khởi nghiệp của EU và ASEAN để học hỏi hệ sinh thái ĐMST giữa các bên, tăng cường mối quan hệ đối tác, giải quyết vấn đề kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch thông qua ĐMST như: Thu hồi kim loại nặng từ nước thải mạ điện và chuyển đổi chúng thành hydroxit kép (LDH) có lớp Zn2Cr để loại bỏ pyrophosphate khỏi nước thải công nghiệp; Nền tảng an toàn sinh học nước Resistomap; Thí điểm giải pháp tái chế để giải quyết vấn đề rác thải nhãn bao bì tại Malaysia; Robot bay không người lái để tự động sửa chữa xói mòn tiên tiến của cánh tuabin gió; Cung cấp năng lượng sạch và an toàn gồm hệ thống lưu trữ hydro, năng lượng mặt trời tích hợp và hệ thống phát điện bằng pin nhiên liệu tiên tiến; Chuyển đổi chất thải thành của cải; Tiên phong trong dòng chảy oxy hóa khử bền vững; BUYO - Từ rác thải sinh học đến nhựa sinh học...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trong Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - EU (2023-2027), EU và ASEAN đã cam kết tăng cường hợp tác về nghiên cứu và ĐMST, KH&CN, đặc biệt thông qua Đối thoại ASEAN - EU về KH&CN nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác KH&CN.
Hợp tác EU - ASEAN trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, chương trình Horizon Europe - chương trình tài trợ nghiên cứu và ĐMST hàng đầu của Liên minh châu Âu, với ngân sách hơn 95 tỷ Euro cho giai đoạn 2021-2027 mang tầm chiến lược. Với ba trụ cột chính là Khoa học xuất sắc, Các thách thức toàn cầu và Năng lực cạnh tranh công nghiệp châu Âu, ĐMST châu Âu. Trụ cột 2 của Horizon Europe đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu và tổ chức ASEAN vì tập trung vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như y tế, biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, vốn cũng rất quan trọng đối với khu vực ASEAN.
|
Bài ảnh: Thùy Linh, Phan Hoàn