Với công nghệ bảo quản tiên tiến bậc nhất do Nhật Bản chuyển giao, Việt Nam sẽ có khả năng bảo quản nông sản, thủy sản, thực phẩm giữ nguyên được cấu trúc, hương, vị, màu sắc và dinh dưỡng trong một thời gian dài từ 2 năm trở lên.
Đảm bảo chất lượng tới 99,7% như dạng “tươi sống”
Công nghệ trên (CELLS ALIVE SYSTEM-CAS) do Tập đoàn ABI là chủ sở hữu độc quyền sáng chế, đã được công nhận tại 22 quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) và bảo hộ trên toàn thế giới vừa được khánh thành Phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu và phát triển vùng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
CAS được đánh giá là một công nghệ tiên tiến, tích cực nhằm đạt được, khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản để kéo dài quá trình chín nhưng không làm hư hỏng nông sản, thực phẩm tươi sau thu hoạch. Việc phát triển ứng dụng công nghiệp lạnh kết hợp với kỹ thuật nuôi sống các tổ chức tế bào trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi sẽ giúp tăng thời gian và khối lượng dự trữ, tăng khả năng điều hòa cung cấp nông sản, thực phẩm tươi chất lượng cao cho các thành phố lớn, các khu đông dân cũng như phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu nông sản, thực phẩm tươi nhiệt đới. Ngoài ra dùng kỹ thuật lạnh kết hợp với kỹ thuật nuôi sống các tổ chức tế bào (CAS) trong bảo quản còn là phương pháp sạch và kinh tế trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi.
Theo ông Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển vùng, hệ thống thiết bị thích hợp để bảo nông sản, thực phẩm nhiệt đới ở Việt Nam chưa phát triển, trong đó khâu làm lạnh nhanh kết hợp với hệ thống tạo trường điện từ kết hợp với sóng âm để bảo quản quả tươi còn quá mới mẻ. Đây là công nghệ đầu tiên trên thế giới ứng dụng kỹ thuật nuôi sống các tổ chức mô tế bào phục vụ công tác bảo quản sau thu hoạch gồm súc sản (hải sản chế biến dạng xay nhuyễn), thủy sản và nông sản.
Công nghệ CAS nuôi sống các tổ chức tế bào kết hợp với làm lạnh nhanh, giúp các phân tử nước trong tế bào phân tán trở nên linh hoạt, không bị tập trung và đóng băng trong sản phẩm cần bảo quản. Nhờ vậy sẽ không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, ức chế quá trình bị oxy hóa, phòng chống sự gia tăng nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên mùi, vị, lượng nước cần thiết để làm tươi sản phẩm trong một thời gian dài.
Hệ thống công nghệ CAS bao gồm thiết bị CAS (sinh ra năng lượng từ trường yếu) kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh tác động lên đối tượng nông sản, thực phẩm làm cho phân tử nước đóng băng nhưng không liên kết với nhau trong thời gian khoảng 30 phút; và nhiệt độ ở tâm sản phẩm đạt -10oC à -30oC (tùy mỗi loại nông sản phẩm); CAS có khả năng bảo quản đảm bảo chất lượng nông sản, thủy sản, thực phẩm giữ nguyên được cấu trúc, hương, vị, màu sắc và dinh dưỡng trong một thời gian dài (2 năm) đạt tới mức 99,7% như dạng ‘tươi sống’.
Ông Owada Norio – Giám đốc Công ty ABI cho biết, nguyên lý của CAS là sử dụng năng lượng từ trường yếu kết hợp với quá trình làm lạnh đông nhanh, tác động không phá vỡ cấu trúc mô tế bào của nông sản; và năng lượng từ trường phụ thuộc vào đối tượng sản phẩm, mỗi loại nông sản, thực phẩm có chế độ công nghệ CAS phù hợp.
Sự khác biệt giữa công nghệ CAS và công nghệ đông lạnh truyền thống là sự đóng băng của nước trong mỗi loại nông sản, thực phẩm. Công nghệ CAS thường sử dụng để bảo quản “tươi sống” những nông sản thực phẩm có khả năng bảo quản lạnh và có giá trị thương phẩm cao, vì thiết bị CAS rất đắt tiền. CAS không thể thay thế cho các công nghệ bảo quản khác, tùy theo đối tượng nông sản, mục đích và giá thành sản phẩm mà lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp. Ngoài ra CAS còn được ứng dụng trong y học (tủy răng, máu,…).
Giải bài toán công nghệ sau thu hoạch
Tại Việt Nam, nhu cầu nông sản, thực phẩm tươi ngày càng nhiều, nhất là nhu cầu về các loại sản phẩm an toàn càng trở nên cấp thiết. Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, với trên 5 triệu dân chưa tính đến hàng triệu du khách, ước tính thành phố tiêu thụ 500.000 tấn rau quả/năm. Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán rau quả và thủy hải sản của thủ đô phát triển mạnh, là nơi tiêu thụ rau quả và thủy hải sản chất lượng cao, nhưng thiếu hoặc không có rau quả và các sản phẩm thủy hải sản bảo quản theo công nghệ sạch CAS kết hợp làm lạnh nhanh để bán, mặc dù nhu cầu thị trường có khả năng thanh toán rất lớn. Việc này chủ yếu là do chưa có kỹ thuật, công nghệ đảm bảo.
Phát biểu tại lễ khánh thành Phòng thí nghiệm công nghệ CAS, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công nghệ trong lĩnh vực bảo quản hải sản, nông sản và một trong những công nghệ nổi bật là công nghệ CAS.
Việc ứng dụng công nghệ CAS tại Việt Nam sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch để giải bài toàn khó của phát triển nông nghiệp hàng hóa là bảo quản hải sản và nông sản nhiệt đới của Việt Nam để xuất khẩu và phục vụ dân sinh.
Công nghệ CAS sẽ nâng cao giá trị quả vải thiều Bắc Giang
Ông Lê Tất Khương cho biết, để tiếp nhận và phát triển công nghệ CAS ở Việt Nam, Bộ KH&CN đã giao Viện nghiên cứu và Phát triển vùng hợp tác với Tập đoàn ABI thực hiện Chương trình “Hợp tác xây dựng trung tâm công nghệ CAS bảo quản nông sản, thực phẩm tại Việt Nam” trong thời gian từ ngày 1/11/2012 đến ngày 30/4/2015.
Chương trình gồm ba giai đoạn chính, trong đó giai đoạn 1 là xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ CAS, tiếp nhận công nghệ và nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản một số nông sản nhiệt đới tại Việt Nam.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ CAS bảo quản hải sản, nông sản cho một số doanh nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn 3a, 3b sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị CAS cho Việt Nam; liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ bảo quản và ứng dụng công nghệ CAS bảo quản nông sản, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bài, ảnh: Trần Hồng – Ngũ Hiệp