Trong những năm qua, công trình lai tạo, chọn lọc các giống lúa mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của địa phương và khu vực đã và đang được ứng dụng rộng rãi đem lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp. Đây là một trong những công trình được giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010 của kỹ sư Trần Minh Chánh.
Từ những khó khăn ban đầu
Kỹ sư Trần Minh Chánh chia sẻ: năm 1975 sau giải phóng Miền Nam, tháng 11/1975 tôi về công tác tại Ty Nông nghiệp Bình Thuận, sau là Thuận Hải. Tháng 3/1976 Ty Nông nghiệp Thuận Hải giao tôi đi tìm địa điểm xây dựng Trại nghiên cứu Nông nghiệp, lãnh đạo Ty Nông nghiệp giới thiệu nhiều nơi, qua điều tra và quan sát thực địa tôi quyết định chọn vị trí tại cơ sở Trại Giống lúa Ma Lâm hiện giờ.
Nơi đây hội tụ các điều kiện theo yêu cầu vào thời Pháp, đây cũng đặt Trại nghiên cứu cây bông và cây mía. Tỉnh Thuận Hải có diện tích tự nhiên khoản 12.000km2, đất sản xuất nông nghiệp chiếm diện tích lớn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều vùng đất khô cằn phải bỏ hoang, có nơi gần như sa mạc hóa. Lúc đó toàn tỉnh có 2 Trại nghiên cứu Nông nghiệp là Trại nghiên cứu bông Nha hố và Trại kỹ thuật trồng lúa ở An Xuân, cả hai Trại đều ở phía Bắc tỉnh (Ninh Thuận). Sau chiến tranh tình trạng thiếu lương thực rất trầm trọng, nhân dân cán bộ phải ăn nửa gạo nửa chất độn, ở vùng cao có ngày người dân phải nhịn đói. Trong khi đó tập quán canh tác lâu đời của nông dân là gieo trồng lúa mùa dài ngày mỗi năm trồng chỉ được 1 vụ, năng suất thấp khoảng 2 tấn/ha, diện tích trồng lúa ngắn ngày rất ít, gần như không có.
Kỹ sư Trần Minh Chánh đang xem lúa tại Thị Xã Hà Thành.
Trước tình hình đó Lãnh đạo tỉnh chủ trương: Giải quyết ngay nạn thiếu lương thực trong thời gian ngắn nhất, trước mắt phải thay đổi tập quán canh tác, đây là cuộc vận động thay đổi nhận thức qua nhiều đời, và từ cán bộ lãnh đạo cơ sở đến người sản xuất. Canh tác cây trồng lúc bấy giờ chỉ dựa vào nước trời, việc thay đổi này phải có thời gian, phải có giống cây trồng ngắn ngày thay thế, tăng được vụ, tăng được năng suất mới có tính thuyết phục “Kết quả thực tế sẽ rút ngắn thời gian”.
Song song việc xây dựng Trại, năm 1976 chúng tôi thu thập nhập nội giống lúa ngắn ngày (90-100 ngày) như TH30, NN3A, vận động các huyện đưa vào sản xuất ở các vùng có lượng mưa khá, có nước tưới bổ sung. Qua giống NN3A tôi đã chọn ra được giống lúa TH1 (Thuận Hải 1), TH1 sinh trưởng 90 ngày, năng suất đạt 5 – 6 tấn/ha/vụ, cao hơn lúa mùa trên 2 tấn. Giống lúa TH1 đã được Bộ Nông nghiệp cho khu vực hóa các tỉnh Miền Trung. Nhờ các HTX nông nghiệp ứng dụng các giống lúa ngắn ngày, đến năm 1982 – 1983 giống ngắn ngày lấn được hơn 2/3 diện tích giống lúa mùa, tăng được 2 vụ chính (vụ mùa và vụ 2). tăng thêm 15.000ha vụ Đông xuân. Đã chủ động được lương thực, chấm dứt việc ăn độn, và nông dân hưởng ứng trồng lúa ngắn ngày.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, hầu như không có gì ngoài một số dụng cụ dùng cho việc lai tạo tôi mang từ miền Bắc vào như: kéo, gấp, khay men, và cân tiểu ly, hiện giờ vẫn còn lưu giữ tại Trại giống lúa Ma Lâm.
Đến lai tạo nhiều giống lúa mới
Kỹ sư Trần Minh Chánh nguyên Trưởng trại Giống lúa Ma Lâm Bình Thuận (Thuận Hải cũ), từ năm 1981 đến năm 2004, đã nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn được trên 35 giống lúa khác nhau như TH5, TH6, ML24, ML48, ML 49…Trong đó một số giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) công nhận giống quốc gia như TH6, TH28, ML4, ML202 hoặc công nhận giống sản xuất thử như: TH41, ML29, ML48, ML107, ML214,…
Ngoài việc cung ứng giống cho sản xuất trong tỉnh từ năm 1988 đến nay giống lúa do Trại lúa Ma Lâm lai tạo tuyển chọn ra được các tỉnh duyên hải Miền Trung ứng dụng rộng rãi, có tỉnh sử dụng chiếm 40 – 50% diện tích trồng lúa như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định…Các giống này đã được sử dụng rộng rãi không chỉ riêng Bình Thuận, Ninh Thuận mà còn phát triển mạnh ở một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên (trên 150.000ha). Công trình khoa học này góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa hàng năm, giúp làm lợi cho sản xuất ít nhất 100 tỷ đồng/năm, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng.
Hiện nay sản xuất lúa ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên sử dụng chủ yếu 2 nhóm giống lúa chính là nhóm lúa giống chịu lạnh từ miền Bắc và nhóm giống chịu nóng từ Trại giống lúa Ma Lâm. Theo số liệu tổng hợp được từ các tỉnh, diện tích gieo trồng nhóm giống lúa từ Trại giống lúa Ma Lâm ước đạt 150.000 ha trên tổng số 740.000 ha gieo trồng lúa hằng năm của 13 tỉnh trong khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong đó có 6 giống lúa của Trại giống lúa Ma Lâm sử dụng nhiều và được đưa vào cơ cấu giống khuyến cáo sản xuất các vụ Đông xuân, Hè thu như: ML48, ML202,ML214,TH6,TH41,ML49,…
Đây là những giống lúa ứng dụng rộng rãi trên các vùng đất nghèo dinh dưỡng. Giống có đặc tính ưu việt là ngắn ngày, cho năng suất cao và ổn định, chịu nắng nóng, chịu hạn, cứng cây, chống đổ ngã tốt, rất thích hợp với đồng ruộng.
Kỹ sư Trần Minh Chánh – tác giả của công trình cho biết: Các giống lúa được tạo ra có thời gian sinh trưởng ngắn 90 – 100 ngày, năng suất cao từ 6 – 9 tấn, chất lượng khá tốt phù hợp với thị trường. Trong sản xuất lúa của tỉnh, các giống lúa do Trại giống lúa Ma Lâm tạo ra chiếm 70 – 80% diện tích gieo trồng lúa, góp phần trong việc tăng sản lượng lương thực hằng năm của tỉnh. Hiện cho đến bây giờ giống lúa ML48, TH6, TH41, ML214 vẫn là giống lúa chủ lực của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Hiệu quả kinh tế cao
Hiện nay các giống lúa do Kỹ sư Trần Minh Chánh lai tạo ra có thời gian sinh trưởng ngắn 90 – 100 ngày, năng suất cao từ 6 – 9 tấn, chất lượng khá tốt phù hợp với thị trường. Trong sản xuất lúa của tỉnh, các giống lúa do Trại giống lúa Ma lâm tạo ra chiếm 70 – 80% diện tích gieo trồng lúa, góp phần trong việc tăng sản lượng lương thực hằng năm của tỉnh.
Ngoài việc cung ứng giống cho sản xuất trong tỉnh từ năm 1988 đến nay giống lúa do Trại lúa Ma lâm lai tạo tuyển chọn ra được các tỉnh duyên hải Miền Trung ứng dụng rộng rãi, có tỉnh sử dụng chiếm 40 – 50% diện tích trồng lúa như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định…
Kỹ sư Phan Văn Thu – Phó Phòng Nông nghiệp - Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết: bản thân tôi không tính toán được những con số cụ thể, nhưng tôi cho rằng thành quả của công trình chắc chắn đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm suất lúa bình quân của tỉnh năm 1995 là 32 tạ/ha, năm 2009 tăng lên 48,7 tạ/ha, Bình Định năng suất lúa năm 2009 tăng 20 tạ/ha so với năm 1995.
Đúng như những gì mà Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2010 đã nhận xét: Công trình có giá trị khoa học và công nghệ quan trọng, đã chọn tạo được các giống lúa có đặc tính di truyền ổn định, nâng cao năng suất bình quân của cây lúa tại địa phương từ 30 – 35 tạ/ha lên 50 – 55 tạ/ha như hiện nay, chất lượng gạo ngon, có khả năng chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của địa phương; thích ứng và được lựa chọn làm giống chủ lực trong sản xuất nhiều năm qua (được gieo trồng trên 20% tổng diện tích trồng lúa) của 13 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên.
Các giống lúa do công trình tạo ra có năng suất tăng tới 50% so với các giống lúa truyền thống, làm lợi cho sản xuất tối thiểu 100 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế, xã hội của khu vực.
Kết quả nghiên cứu của công trình đã tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với các vùng sản xuất lúa trong điều kiện còn nhiều khó khăn về thủy lợi, khả năng đầu tư thâm canh còn thấp, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học nông nghiệp; giúp cho địa phương có được nguồn gen về cây lúa rất phong phú với hơn 800 dòng cá thể và hàng chục tổ hợp lai/năm hiện được lưu giữ và phát triển trong công tác giống của các địa phương.
Hiện nay các giống lúa do trung tâm lai tạo ra được gieo trồng khoảng 150.000ha trên tổng số 740.000 ha gieo trồng lúa hằng năm của Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Các giống lúa của Trung tâm đã làm lợi cho sản xuất hàng trăm tỷ đồng/năm ( tính theo tiêu chuẩn một giống mới làm tăng năng suất tối thiểu lên 10% theo quy định của Bộ NN&PTNT). Người nông dân sử dụng giống mới sẽ làm tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón và thuốc trừ sâu.
Với những kết quả trên, xin được chúc mừng kỹ sư Trần Minh Chánh với giải thưởng cao quý cao nhất dành cho những nghiên cứu có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp của nước nhà.
Minh Tuyết