Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 05:18 am
Cập nhật : 24/12/2011 , 09:12(GMT +7)
Đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống: Đường nào ngắn nhất?
Techmart được tổ chức thường xuyên tạo cơ hội cho KHCN phát triển và đi vào thực tế
Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đang dần khẳng định được vai trò trong việc thiết lập thị trường công nghệ (TTCN) ở nước ta. Đến nay, các giao dịch trên TTCN tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2002-2005, tốc độ tăng trung bình hằng năm đạt 34%. Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KHCN) quốc gia cho biết:

 Năm 2003, để tạo lập và phát triển TTCN, lần đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Techmart cấp quốc gia. Từ đó đến nay, nhiều Techmart quy mô quốc tế, quốc gia, vùng kinh tế đã được tổ chức. Sự tăng trưởng số lượng và giá trị hợp đồng ký kết tại các kỳ Techmart khẳng định công nghệ trong nước có tính cạnh tranh và thực sự trở thành hàng hóa. Cụ thể, giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường là 6.857,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần con số 2.412,4 tỷ đồng của giai đoạn 2001-2005.

Không chỉ là doanh số, hiệu quả lớn nhất mà Techmart mang lại là giới thiệu, quảng bá các kết quả nghiên cứu KHCN; là cầu nối giữa cung và cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp tìm ra con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đưa khoa học vào cuộc sống. Thông qua Techmart, sự gắn kết 3 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất - kinh doanh) ngày càng chặt chẽ, giúp lưu thông nguồn lực trí tuệ và nhân tài. Qua Techmart, một số nhà khoa học đã tìm cơ hội để thương mại hóa công nghệ qua nhiều hình thức: bán bằng sáng chế, chuyển quyền sử dụng công nghệ, thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn công nghệ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm thấy công nghệ phù hợp với khả năng tiếp nhận của mình.

- Có ý kiến cho rằng TTCN của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa bà?

- Mặc dù Techmart đã thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân tham gia và tỷ lệ tăng trưởng giao dịch cao, nhưng thực tế vẫn tồn tại một số vướng mắc. Đó là, các tổ chức KHCN chưa mặn mà chi cho hoạt động xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bởi thực tế, chưa có quy định nào bắt buộc các chủ trì đề tài sau khi nghiệm thu cần phải công bố với xã hội kết quả thông qua Techmart. Năng lực tiếp thị của bên cung công nghệ (các nhà khoa học) còn thấp. Đặc biệt, Nhà nước thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học bán hoặc chuyển giao công nghệ tại Techmart.

Ngoài ra, những hợp đồng ký tại các kỳ Techmart chỉ triển khai được khoảng 30% do đối tác không có đủ kinh phí. Các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ quan tâm đến công nghệ và kết quả nghiên cứu không đủ tiềm lực để triển khai. Do công nghệ mới nên đối tác cần nhiều thời gian để xem xét và đánh giá. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường biến động, khi triển khai hợp đồng, thị trường không còn nhu cầu nữa hoặc bị hàng nhập khẩu lấn sân. Một thực tế nữa là, bên cung và cầu công nghệ chưa đủ thời gian để tìm hiểu năng lực. Đối tác ký kết rồi đưa vào dự án chờ xin kinh phí triển khai rất lâu. Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích người mua công nghệ nội sinh tại Techmart.

- Những điểm yếu hiện nay của TTCN Việt Nam liệu có thể khắc phục được không, thưa bà?

- Để khắc phục được những điểm yếu đó, theo tôi, việc cần làm hiện nay là khuyến khích sử dụng công nghệ nội sinh bằng cơ chế tài chính. Cụ thể, Nhà nước nên hỗ trợ tài chính cho bên mua công nghệ nội sinh 30-50% tổng kinh phí mua công nghệ, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải pháp này được Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc triển khai rất hiệu quả. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D) và các trường ĐH lập đơn vị chuyên trách về chuyển giao công nghệ. Các công nghệ ký kết tại Techmart sẽ được hỗ trợ về kinh phí thực hiện chuyển giao từ 30-50% tổng giá trị công nghệ. Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tạo điều kiện cho các công nghệ, thiết bị đạt Cúp vàng Techmart triển khai dự án, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Tiếp theo, tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong mua - bán và dịch vụ tư vấn giao dịch công nghệ. Cụ thể, phải tuyên truyền và thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tốt hơn; phải có thông tư về thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN và có đề án tổng thể phát triển các tổ chức môi giới, trung gian, dịch vụ tư vấn giao dịch công nghệ được Chính phủ phê duyệt.

Việc hình thành các tổ chức trung gian về giao dịch công nghệ chuyên nghiệp, dịch vụ tư vấn giao dịch công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là rất cần thiết. Do đó, cần tạo điều kiện và môi trường pháp lý để hình thành và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ công nghệ, thông tin, chuyển giao công nghệ. Xây dựng hệ thống tư vấn chuyển giao công nghệ kết hợp với hệ thống giao dịch thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Ngoài việc tạo cơ chế hỗ trợ cho các giao dịch chính thức tại Techmart cũng cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch ảo và hình thành mạng lưới, chia sẻ thông tin liên quan đến giao dịch công nghệ.

- Xin cảm ơn bà!
                                                                                                                                               Tuyết Chi thực hiện

Nguồn tin: Hà Nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner