Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 06:51 am
Cập nhật : 26/03/2012 , 16:03(GMT +7)
Đưa KH&CN ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi
Mô hình nuôi lợn thương phẩm 4 giống của Công ty TNHH Thuấn Hoa.
Trong khi nhiều trang trại chăn nuôi của Thái Bình đều phải “làm thuê”, chăn nuôi gia công cho nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài, Công ty TNHH Thuấn Hoa vẫn tự chủ được hoàn toàn từ cơ sở đến con giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Một trong những yếu tố để công ty luôn “đứng vững” chính là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và niềm đam mê, ý chí quyết tâm dám nghĩ dám làm của người phụ nữ trẻ Trần Thị Thuấn Hoa – Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Hoa (Tiền Hải – Thái Bình).

Thành công nhờ ứng dụng KH&CN

Cơ sở 1 của Công ty TNHH Thuấn Hoa được xây dựng từ năm 2008 tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải với quy mô 2.000 con lợn thịt trên diện tích 32.800m2, tổng đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.

Theo chị Trần Thị Thuấn Hoa - Giám đốc công ty, đây là mô hình chăn nuôi lợn tập trung, khép kín, tự động hóa cao được áp dụng theo quy trình công nghệ CP của Thái Lan. Lợn được nuôi trong các ô chuồng kín (mỗi ô có 600 con), hệ thống gió và nước được xử lý hiện đại. Đàn lợn có thể tự ăn, tự tắm và tự uống nước. Toàn bộ chất thải rắn được thu gom, đóng bao và xử lý bằng chế phẩm sinh học EM, sau đó chuyển cho các nhà máy phân vi sinh. Lượng nước thải chăn nuôi được đưa về hệ thống biogas (hiện có 300m3) xử lý, sau một thời gian lắng đọng sẽ chảy qua các ao sinh học trước khi ra môi trường. Hiện tại, công ty đang dùng hệ thống biogas phục vụ đun nấu và có ống dẫn tạo thành hệ thống sưởi cho chuồng lợn con bằng đèn sưởi biogas. Nhờ đó, công ty giảm được từ 7 – 10% lượng điện tiêu thụ.

Không chỉ chủ động về quy trình công nghệ, chị còn kết hợp với các kỹ sư, nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả công nghệ lai tạo lợn thương phẩm 4 giống (Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc). So với các giống lợn hiện có tại Thái Bình, giống lợn này cho năng suất và chất lượng cao hơn, khi nuôi thành lợn thương phẩm lượng hócmôn, các tồn dư khoáng chất đều đạt tiêu chuẩn. Không chỉ cung cấp giống đủ cho trang trại của mình, công ty còn cung cấp nguồn giống cho các trang trại vệ tinh trong và ngoài tỉnh.

Chị Hoa cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty luôn đảm bảo 2.000 đầu lợn, mỗi năm xuất được 500 tấn thịt lợn hơi. Ước tính, lợi nhuận trang trại thu về khoảng 1 tỉ đồng/năm. Năm 2011, trang trại Thuấn Hoa đã xuất trên 700 tấn, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỉ đồng.

Cùng với lợi nhuận thu được, trang trại Thuấn Hoa đã giải quyết việc làm và thu nhập thường xuyên ở mức từ 2,8 – 3 triệu đồng/người/tháng cho 50 lao động là người địa phương.

Nhận thấy rõ hiệu quả từ mô hình này và phù hợp với khả năng của bản thân, năm 2010 vợ chồng chị đã đầu tư xây dựng cơ sở 2 là khu lợn nái sinh sản tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải với diện tích lên tới 58.000m2 gồm 7 dãy chuồng. Tổng mức đầu tư vào cơ sở 2 khoảng 20 tỉ đồng.

Đây là khu chăn nuôi 1.200 lợn nái siêu nạc, cũng theo công nghệ hiện đại CP của Thái Lan. Mỗi tháng, cơ sở này xuất trên 2.000 con lợn sữa (tháng 2.2012 là 2350 con), cung cấp cho cơ sở nuôi nái hậu bị, số lợn đực được chuyển sang sản xuất lợn thương phẩm. Hiện tại, toàn bộ thức ăn chăn nuôi của trang trại Thuấn Hoa đều do tập đoàn CP (Charoen Pokphand – Thái Lan) cung cấp. Đầu ra của trang trại chủ yếu tập trung cho thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.

Doanh nhân trẻ dám nghĩ, dám làm

Chia sẻ cơ duyên lựa chọn về vùng đất Tiền Hải đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, chị Hoa cho biết: trước khi về đầu tư, chị đã có nhiều năm hợp tác lao động tại Hàn Quốc. Về nước, vợ chồng chị sống ở thành phố Thái Bình nhưng vẫn trăn trở muốn “làm một điều gì đó” để phát triển quê hương Tiền Hải, nơi người chồng chị sinh ra. Cùng với đó, khi còn lao động ở Hàn Quốc, vợ chồng chị đã đi thăm nhiều mô hình trang trại tại đây và được mắt thấy, tai nghe về phương pháp chăn nuôi theo công nghệ hiện đại vừa sớm mang lại hiệu quả lại sản xuất ra thực phẩm sạch. Mô hình này rất phù hợp chủ trương của tỉnh về đưa công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.

Nhưng khi bắt tay vào triển khai, chị gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Ở độ tuổi 25, kinh nghiệm về lĩnh vực này cũng như nguồn vốn không nhiều. Toàn bộ 2 khu đất thuê làm trang trại đều là đồng trắng nước trong hoặc đất đã bị khai thác làm gạch, phải tốn rất nhiều công sức, thời gian mới có thể san lấp để có mặt bằng xây dựng cơ sở. Việc tìm kiếm, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng không có nhiều cơ hội do đây là vấn đề khá mới mẻ với các trang trại trong vùng. Cùng với đó là những khó khăn về điện, đường giao thông... do các trang trại đều phải xây dựng xa khu dân cư. Hơn nữa, để “xoay” được đủ vốn cũng phải rất chật vật. Ngân hàng cũng ngại vào cuộc khi cho các trang trại vay vì thị trường bấp bênh, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, rủi ro cao, chị Hoa cho biết.

Những khó khăn đầu tiên đã qua và cố gắng của vợ chồng chị đã có kết quả bước đầu. Chị cho rằng, đó là “những tháng ngày cố gắng không mệt mỏi. Nếu không có nhiệt huyết của tuổi trẻ và quyết tâm lớn, chắc có lẽ không làm được. Nông nghiệp có thể đem lại lợi nhuận rất cao nếu như biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng quy trình”. Có lẽ vì thế mà trong khi nhiều trang trại chăn nuôi ở Tiền Hải vẫn loay hoay về vốn hoặc chỉ “lấy công làm lãi”, công ty Thuấn Hoa vẫn tự chủ được hoàn toàn từ cơ sở đến con giống, thức ăn, tự tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Lợn con được sưởi bằng đèn sưởi biogas.

Quy trình công nghệ chăn nuôi lợn tập trung và nuôi lợn thương phẩm 4 giống của công ty đã và đang trở thành mô hình điểm có thể chuyển giao cho nhiều cơ sở khác trong tỉnh. Thời gian tới, chị mong muốn sẽ chuyển giao quy trình công nghệ và cung ứng giống lợn thương phẩm là con lai 4 giống cho các trang trại nuôi lợn thương phẩm trong vùng nhằm hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung. Đồng thời sẽ kiến nghị với lãnh đạo địa phương và đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung. Theo chị, như vậy mới hoàn thiện được chu trình khép kín từ nghiên cứu giống, chăn nuôi và công ty sẽ thu mua, giết thịt, chế biến và cung cấp thịt lợn cho thị trường. Sản phẩm trước khi ra thị trường sẽ được kiểm định chất lượng để đảm bảo thực sự là sản phẩm sạch, chất lượng cao và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Hiện tại, chị đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và tỉnh Thái Bình để thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm lợn lai 4 giống tại Thái Bình” và một số đề tài nghiên cứu khác. Dự án được thực hiện trong 2 năm (2012 – 2013) với mục tiêu ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ mới để sản xuất và cung cấp giống lợn thương phẩm 4 giống tại địa phương, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, tạo nhiều mô hình chăn nuôi lợn bền vững. Điều đó cũng góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH&CN cho các trang trại chăn nuôi lợn tập trung, làm cơ sở để nhân rộng và phát triển chăn nuôi lợn ở Thái Bình.

Việc hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm là chủ trương lớn của Nhà nước và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ KH&CN hướng đến. Để hỗ trợ một số địa phương trở thành tỉnh trọng điểm về KH&CN, Bộ KH&CN đã và sẽ ký kết, triển khai chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ với UBND một số tỉnh (đã ký với tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình). Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Những mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất mang lại hiệu quả cao như mô hình của Công ty TNHH Thuấn Hoa sẽ được hỗ trợ để trở thành mô hình điểm và nhân rộng nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN tại các địa phương.

Gần đây, ngành chăn nuôi nước ta tăng trưởng bình quân đạt 7-8%/năm. Riêng trong chăn nuôi lợn, tỉ lệ tăng hàng năm giai đoạn 2005 – 2010 từ 3,0 - 4,4%/năm. Năm 2010, cả nước có 27.373.200 con lợn, trong đó phân bố đàn lợn ở Đồng bằng sông Hồng nhiều nhất (6.946.500 con). Thái Bình là tỉnh có nhiều lợi thế về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Hiện tỉnh có 52 trang trại chăn nuôi lợn nái, 464 trang trại chăn nuôi lợn thịt ngoại và lợn lai F1. Đàn lợn nái có 3.520 con chiếm 2,12% tổng đàn, đàn lợn thịt có 90.931 con, chiếm 10,23%.
 

Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner