Dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi: vẫn chưa có kết luận chung
Sông Mê Công
Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam đã thống nhất sẽ chuyển quyết định về quá trình tham vấn trước đối với dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện Xayaburi lên cấp Bộ trưởng xem xét, do các nước này không thể đạt được một kết luận chung về việc sẽ đi tiếp như thế nào đối với dự án.
Bốn nước thành viên của Ủy ban sông Mê Công Quốc tế (MRC) đưa ra quyết định này tại Phiên họp Đặc biệt của Ủy ban Liên hợp của Ủy hội diễn ra ngày 19/4 tại Viên Chăn khi các nước này nhóm họp để thảo luận về dự án đề xuất xây đập thủy điện này. Đây là dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mê Công trong Hạ lưu lưu vực sông Mê Công.
Các Ủy viên Ủy ban Liên hợp nhất trí là có sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước về việc quá trình tham vấn trước có nên kết thúc hay chưa.
Tại cuộc họp, CHDCND Lào nhấn mạnh không cần kéo dài quá trình này vì lựa chọn kéo dài quá trình tham vấn trước là không thực tế, trong khi các tác động môi trường xuyên biên giới lên các nước ven sông khác là không chắc sẽ xảy ra.
Các nước thành viên khác của MRC, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam tuy nhiên lại nêu lên các mối quan ngại của họ về các khoảng cách còn tồn tại trong việc hiểu biết về kỹ thuật và các nghiên cứu về dự án, tác động dự đoán trước về môi trường và sinh kế của người dân trong Lưu vực sông Mê Công và sự cần thiết phải có thêm các cuộc tham vấn với công chúng.
“Chúng tôi ghi nhận tất cả các mối quan ngại, nhưng chúng tôi sẽ có thể đáp ứng được các mối quan ngại lớn nhất”, ông Viraphonh Viravong, trưởng phái đoàn của Lào phát biểu.
Ông Viraphonh nói kéo dài quá trình thêm gần một năm nữa là không thực tế, và rằng dự án sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm cho các công trình khác đang trong kế hoạch đề xuất xây dựng. Mặt khác, để ngỏ thời gian kết thúc quá trình hoặc gia hạn quá trình thêm nhiều năm nữa cũng không thực tế.
Đại diện của Lào cho hay dự án Xayaburi sẽ tuân thủ Hướng dẫn Thiết kế Ban đầu của Ban Thư ký Ủy hội và các thực tiễn tốt nhất trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế, và các tác động chính lên giao thông đường thủy, đường đi của cá, chất bồi thổ, chất lượng nước và sinh thái thủy sinh cũng như an toàn đập có thể được giảm thiểu ở các mức độ chấp nhận được.
Các nước thành viên khác của MRC tuy nhiên bày tỏ một loạt các mối quan ngại về dự án này và đưa ra các đề xuất cho dự án.
Campuchia nói cần nhiều thời gian hơn cho CHDCND Lào và nhà phát triển dự án này để họ đáp ứng hết các lỗ hổng trong các yêu cầu mang tính kỹ thuật và cho các cuộc tham vấn trong các nước thành viên và với cộng đồng được hiệu quả.
Ngài So Sophort, trưởng đoàn Campuchia, phát biểu cần thiết phải có một nghiên cứu và đánh giá tổng thể các tác động môi trường xuyên biên giới và mang tính tích lũy. Ông cho rằng các biện pháp đối phó hiệu quả và các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động như vậy cần phải được xây dựng rõ ràng, trong khi các biện pháp khác như chia sẻ lợi ích đối với các nước bị ảnh hưởng, quản lý môi trường xuyên biên giới và các quỹ xã hội cần phải được đồng thời đưa vào thực hiện.
“Với các thông tin hạn chế liên quan đến dự án này, chúng tôi do đó gợi ý kéo dài quá trình tham vấn trước”, ông Sophort cho hay.
Ghi nhận vai trò quan trọng của dự án này đối với kế hoạch phát triển của CHDCND Lào, Thái Lan cho rằng để có thể đi tiếp với dự án, các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu cần phải được áp dụng vì quyền lợi của người dân và môi trường trong khu vực.
Đưa ra các mối quan ngại nêu lên trong các cuộc tham vấn quốc gia của nước này về suy thoái môi trường như mất các loài cá và các vùng đất ngập nước và sự thiếu hụt các biện pháp giảm thiểu được xác định rõ ràng, Thái Lan cho hay nước này lo lắng về cuộc sống của nười dân phụ thuộc vào sông Mê Công.
“Do đó, chúng tôi muốn thấy các ý kiến và mối quan ngại của công chúng được xem xét kỹ càng”, Jatuporn Buruspat, Vụ trưởng Vụ Tài nguyen Nước của Thái Lan phát biểu trả lời chính thức về dự án này.
Trong khi đó, Việt Nam bày tỏ các mối quan ngại sâu sắc của mình về việc thiếu các đánh giá thỏa đáng, đầy đủ và toàn diện về các tác động xuyên biên giới và tích lũy mà dự án này có thể gây ra cho khu vực hạ nguồn, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam đề nghị trì hoãn dự án này và các dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Công ít nhất là 10 năm.
“Việc trì hoãn nên được nhìn nhận một cách tích cực là một cách để có thêm thời gian cần thiết để chính phủ các nước ven sông tiến hành các nghiên cứu toàn diện và mang tính định lượng cụ thể hơn về tất cả các tác động lũy tích có thể có,” Tiến sỹ Lê Đức Trung, trưởng đoàn Việt Nam phát biểu.
Việt Nam cũng nói thêm là khung thời gian hạn chế dành cho quá trình tham vấn trước là không thỏa đáng để đạt được thành công của quá trình. Việc trì hoãn sẽ cho phép nước này đảm bảo sự am hiểu tốt hơn và để đạt được lòng tin của công chúng và cộng đồng địa phương, ông Trung cho biết.
Các thành viên Ủy ban Liên hợp sẽ báo cáo về quyết định này ngày 19/4 lên Bộ trưởng của nước mình.