Phong trào khởi nghiệp trên cả nước có sức lan tỏa mạnh mẽ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện bài bản và phong phú hơn trong năm 2017. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nhận được khoản đầu tư lớn và đã thành công.
Tại Đồng Nai, phong trào khởi nghiệp diễn ra khá sôi động trong thời gian qua.Nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và mong muốn tăng tốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai - Techfest DongNai 2023 và Chợ công nghệ - thiết bị và thương mại tỉnh Đồng Nai năm 2023 - Techmart DongNai 2023 đã được tổ chức từ ngày 26-28/8/2023 tại Đồng Nai.
Bên lề sự kiện, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về những vấn đề liên quan đến sự phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới công nghệ xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng về doanh thu mà còn chú trọng vào nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững. Ông đánh giá thế nào về những tín hiệu chuyển dịch này?
Ông Phạm Hồng Quất: Với chủ đề “Đường băng sáng tạo - Nai vàng bứt phá” đã khẳng định tầm nhìn của Đồng Nai tại Techfest Dong Nai 2023 hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Đặc biệt, chủ đề “Phát triển kinh tế dưới tán rừng” tại Techfest Dong Nai 2023 rất có ý nghĩa, đã khẳng định vị thế, tầm nhìn của tỉnh cũng như các doanh nghiệp tại Đồng Nai đã có chiến lược trong tối ưu hóa lợi nhuận, nguồn lực thiên nhiên sẵn có, khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững, nuôi dưỡng và tối ưu hóa các nguồn lực vào mô hình kinh doanh khác nhau để tạo sự liên kết trong chuỗi phát triển thủy sản, du lịch, công nghiệp, văn hóa bản địa
Đây là sáng kiến hay của Đồng Nai tại Techfest lần này. Tôi hy vọng mô hình của Đồng Nai sẽ lan tỏa ra các địa phương trên cả nước, có nhiều địa phương trong khu vực đến tham quan, học hỏi Đồng Nai và tin rằng với mô hình “phát triển kinh tế dưới tán rừng”, Đồng Nai sẽ thu hút thêm được các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ngoài, khu vực ASEAN để Việt Nam là nước đầu tiên áp dụng mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Ông Phạm Hồng Quất đi thăm các gian hàng
PV: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng của các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ xanh, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian gần đây?
Ông Phạm Hồng Quất: Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Dong Nai 2023 cho thấy, các doanh nghiệp đang hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đây là xu hướng tất yếu của thế giới, của kinh tế trong khu vực cũng như tại Việt Nam.
Các tổ chức như: Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… đều ưu tiên cho phát triển kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững dựa vào giảm thải carbon, tiến đến Net Zero (cân bằng giảm thải carbon) nên các mô hình kinh tế của các nước trong khu vực cũng đang chuyển hướng theo định hướng này. Các quốc gia trên thế giới đều đưa ra các cam kết tham gia các Hiệp ước về giảm thiểu carbon. Việt Nam cũng đang phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” cùng cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Theo đó, hàng xuất khẩu có những yêu cầu rất “đặc biệt” với tiêu chí quan trọng liên quan đến bảo đảm phát triển bền vững và công nghệ xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp cả nước nói chung cũng đã bắt đầu quan tâm đến công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng so với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn cần quan tâm nhiều hơn nữa. Để đạt mục tiêu “xanh hóa nền kinh tế” thì vai trò các cơ quan nhà nước hỗ trợ các chuyên gia, cố vấn, đặc biệt là các tổ chức trung gian cần chung tay huấn luyện thúc đẩy kinh doanh cho đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, cần phải tiếp thu những quy định, những thông lệ, cách làm mới của thế giới để phổ biến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
PV: Với xu hướng đó, các Làng trong Techfest đã cập nhật và định hướng phát triển như thế nào để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Các làng công nghệ tại Techfestquốc gia như: Làng Công nghệ sinh thái (Ecotech), Làng Tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo, Làng công nghệ nông nghiệp thông minh… đều hướng chung đến một mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái, một mạng lưới cố vấn hỗ trợ tốt nhất cho các start-up đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các định chế trung gian, các sàn giao dịch, đặc biệt là sàn giao dịch tín chỉ carbon trên thế giới cũng là mô hình rất tốt để tham khảo, để có công cụ, phương tiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, các start-up kết nối với quốc tế. Ngoài ra, các quỹ hỗ trợ cho tín chỉ carbon, các tập đoàn đầu tư cho công nghệ xanh, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nước, môi trường rừng, môi trường không khí… đều hết sức quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế không chỉ theo lợi nhuận, doanh thu mà còn phải đảm bảo phát triển bền vững thì Việt Nam mới phát triển lâu dài để hội nhập với quốc tế.
PV: Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp hỗ trợ gì để doanh nghiệp có thêm chỗ dựa cũng như “niềm tin” để tiếp tục phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Hiện nay xu hướng của thế giới đang phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “mở” tức là mời gọi nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế tham gia, bởi bản thân mỗi tập đoàn là một tiểu hệ sinh thái và họ cũng đều hướng tới phát triển bền vững, đều hướng tới công nghệ xanh và kinh tế xanh. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết cùng với Đồng Nai phát triển 1-2 mô hình về Trung tâm Đổi mới sáng tạo mở trong các tập đoàn và đây chính là nơi thử nghiệm cho các mô hình công nghệ mới, kinh doanh mới của các start-up, từ đó các start-up có được “đôi cánh” mạnh mẽ hơn để cùng các tập đoàn vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Có thể nói, đây cũng là cách mà nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... làm rất hiệu quả bởi tất cả các tập đoàn của các nước này đều có Trung tâm Đổi mới sáng tạo cùng với các start-up thúc đẩy phát triển công nghệ xanh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Đăng Minh