Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 01:41 am
Cập nhật : 10/02/2014 , 07:02(GMT +7)
Đồng Nai: Chung tay đưa KH&CN vào đời sống
Trong thời gian qua đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng tại Đồng Nai
Từ năm 2011 đến nay, Sở KH&CN Đồng Nai và Hội Nông dân tỉnh Đông Nai đã không ngừng gia tăng sự phối hợp nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đến bà con nông dân. Hoạt động khoa học và công nghệ đã tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của bà con nông dân trên toàn tỉnh Đồng Nai.

Kết quả thiết thực

Ông Ngô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 3 năm thực hiện, Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Sở KH&CN Đồng Nai với Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã thu được một số kết quả nổi bật. Hàng chục dự án KH&CN cấp Bộ được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều nông dân tiếp cận được  những tiến bộ KH&CN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là dự án “Xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai” đã giúp địa phương tiếp nhận kiến thức về kỹ thuật trồng cây thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đào tạo 4 kỹ thuật viên cơ sở và 50 hộ nông dân nắm vững kỹ thuật về trồng và chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch theo hướng GAP, đã trồng 10 ha mô hình cây thanh long ruột đỏ cho năng suất, chất lượng cao, sau 2 năm trồng đã cho thu hoạch  bình quân 150 triệu đồng/năm/ha. Kết quả của dự án là tiền đề hình thành các hợp tác xã thanh long ruột đỏ và phát triển vùng nông sản hàng hóa mới trên địa bàn tỉnh.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm theo hướng GAP tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai” được triển khai thực hiện với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất giống nấm có chất lượng cao, từng bước ổn định và xây dựng thương hiệu cho các làng nấm trong tỉnh. Kết quả đã tiếp nhận 14 quy trình kỹ thuật về sản xuất nấm theo hướng GAP, đào tạo 12 KTV. Xây dựng cơ sở sản xuất giống nấm theo hướng GAP. Cung cấp giống nấm linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ cho các đơn vị, hộ trồng nấm ở các huyện như Xuân Lộc, Trảng Bom, Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán. Đã tổ chức các cuộc hội thảo ở các huyện Trảng Bom và Long Khánh với hơn 100 người tham dự.

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, một "cửa ngõ" giao lưu, quan hệ quốc tế quan trọng, đồng thời là một trung tâm kinh tế và thị trường tiêu thụ lớn của quốc gia nên Đồng Nai từ lâu đã được xem là một tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển. Bên cạnh những dự án về cây trồng thì Chương trình phối hợp cũng hướng tới những dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Trong 3 năm qua Sở KH&CN đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai triển khai thành công dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tại 02 xã vùng sâu Mã Đà, Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai”.

Kết quả của dự án đã đáp ứng được phần nào nhu cầu sản phẩm gia cầm của 2 xã Mã Đà và Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu – tỉnh Đồng Nai. Dự án đã xây dựng thành công mô hình nuôi bò đực giống Brahman và laisind.  Cũng từ đây đã có 2 bê được sinh ra và 75 bò cái mang thai; Mô hình phát triển đàn dê lai từ dê đực boer và dê cái bách thảo, các mô hình này đã tạo ra 865 dê F1 chất lượng tốt để làm cái nền phát triển đàn dê giống sau này; Mô hình cải tạo đàn dê đực cao sản giống Boer đã tạo ra 814 dê F1.

Ngoài ra, Chương trình phối hợp còn triển khai một số đề tài KH&CN cấp tỉnh như “Nghiên cứu các biện pháp phục hồi vườn cà  phê Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nhằm ổn định chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy chuẩn ASEAN GAP đối với bưởi và sầu riêng hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai”; “Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam ít hạt, phục tráng giống bưởi ổi và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi kết hợp du lịch sinh thái vườn tại vùng bưởi Biên Hoà - Đồng Nai”;...

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH&CN Đồng Nai và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai thì đây là những đề tài, dự án rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Tuy mới thực hiện được 3 năm nhưng Chương trình đã chứng minh được hướng đi đúng đắn của Chương trình phối hợp.

Dễ áp dụng vào thực tế

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai cho biết, cũng trong thời gian qua Chương trình phối đã tuyên truyền, phổ biến chương trình theo Quyết định số 1852/2011/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015 và hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hoàng cũng cho rằng, hầu hết các kết quả khoa học nghiên cứu của các đề tài, dự án nông nghiệp của tỉnh đều được đưa vào ứng dụng và với mức độ khác nhau đã đem lại những hiệu quả nhất định và ngày càng bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng rõ rệt về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Trang website của xã giúp cho xã tự giới thiệu về tiềm năng của mình, những sản phẩm và dịch vụ của xã để giao dịch, trao đổi thông tin, giới thiệu, chào bán  sản phẩm... Trong tương lai phương thức này sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều mặt và đây cũng chính là "cửa sổ" của xã để tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Chương trình cũng đã liên kết và phối hợp với Chương trình KT-XH của tỉnh, các ngành, các địa phương để đảm bảo hiệu thực hiện chương trình nhằm xây dựng và tạo ra hệ thống các mô hình phát triển nông thôn mới đặc trưng cho các vùng sinh thái trong cả nước trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật tiến bộ về sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, Chương trình cũng còn gặp một số khó khăn như chưa đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp - khoa học - người dân để các mô hình nhân rộng thật sự đạt hiệu quả, đồng thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một số vùng do thiếu lao động và chưa thay đổi được tập quán canh tác nên khó khăn trong việc triển khai nhân rộng.
Do đó, Sở KH&CN Đồng Nai cho rằng, trong thời gian tới cần tổ chức phổ biến, quán triệt để các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, cán bộ hội các cấp, hội viên, nông dân tại địa phương nắm được mục tiêu, nội dung phối hợp và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp, đồng thời có các hình thức tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân.

Ông Ngô Ngọc Thanh cũng bày tỏ, bên cạnh đó cần lập kế hoạch để thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến hội viên nông dân về vai trò khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác  đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý, về khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân để nâng cao khả năng tiếp thu và nhân rộng kết quả của các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ.

Tiếp tục hỗ trợ các dự án nông thôn miền núi giai đoạn 2011- 2015 và nhân rộng ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Bài, ảnh: Hoàng Anh



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner