Nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã ban hành và triển khai nhiều chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ phát triển hợp tác xã...
Các chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, được nông dân đón nhận, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng.
Thành quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp: Lúa là cây trồng chủ lực, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo giữ ổn định diện tích đất lúa, tập trung vào giải pháp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng. Diện tích gieo trồng hàng năm gần 200.000 ha, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 70%, kết quả của sự quan tâm đầu tư đúng mức cho loại cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần đáng kể vào chương trình an ninh lương thực quốc gia.
Cây mía có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Hậu Giang đã đầu tư xây dựng đê bao khép kín vùng mía ở huyện Phụng Hiệp (địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh). Đến nay, diện tích mía 5.909 ha, sản lượng đạt 590.450 tấn.
Cây ăn trái trong những năm qua phát triển khá tốt vì mang lại thu nhập ổn định nên được nông dân lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã hình thành được một số vùng chuyên canh, tập trung với các cây trồng chủ lực và đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu. Hiện nay, diện tích trên 42.000ha, sản lượng hàng năm gần 500.000 tấn. Cây rau màu các loại: Diện tích trên 25.000ha, sản lượng hàng năm trên 300.000 tấn.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất nông nghiệp và là nguồn tăng thu nhập của nông hộ. Hiện nay, tổng đàn heo trên 100.000 con; đàn trâu, bò 5.000 con. Đàn gia cầm 4,5 triệu con, sản lượng trứng gia cầm: 140 triệu quả/năm, tổng sản lượng thịt 40.000 tấn.
Thủy sản đã có bước chuyển biến mới, nuôi thâm canh thay cho quảng canh. Hiện có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và hình thành một số vùng nuôi tập trung. Tỉnh đã tiến hành xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa cho 2 loài thủy sản trên địa bàn tỉnh là cá rô đồng và cá thát lát.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được nhân rộng. Đến nay toàn tỉnh có trên 33.000 hộ áp dụng và nhân rộng “các mô hình sản xuất hiệu quả” đạt doanh thu từ 70 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/ha/năm và có trên 12.700 hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Theo đó, đưa doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác đến hết năm 2020 trên 90 triệu đồng/ha/năm với lợi nhuận trên 30%. Đặc biệt, một số hộ có doanh thu 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang chọn 9 sản phẩm chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá mới: Lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát.
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Quy mô 5.200ha, có các loại hình sản xuất chủ lực là lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh, cây ăn quả. Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã và đang được đầu tư 5 dự án hạ tầng tại Khu Trung tâm từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư là 380 tỉ đồng. Đã thu hút được 4 nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư 330 tỉ đồng, triển khai khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao tại 4 xã trong vùng dự án.
Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã đạt được một số kết quả rất tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 34/51 xã, đạt 66,67%.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã công nhận 66 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP để tiếp sức cho việc xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng hàng hóa của HTX, người dân, cơ sở sản xuất để mở rộng thị trường.
Thủy lợi và phòng chống thiên tai: Thời gian qua đã được đầu tư 3 tuyến đê bao lớn là tuyến Đê bao Ô Môn - Xà No và tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh và tuyến Nam Xà No. Các tuyến đê bao trên hình thành được 1.043 tiểu vùng, bảo vệ cho diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng 1 hồ chứa nước ngọt, diện tích 50ha, mục tiêu cung cấp nguồn nước mặt bảo đảm chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch của tỉnh Hậu Giang. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn.
Đột phá và giải pháp thời gian tới
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định nhiệm vụ đột phá và giải pháp quan trọng. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới công nghệ cao, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, phát triển du lịch xanh hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp bền vững. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất an toàn, sạch, ưu tiên mặt hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cả về khách quan và chủ quan. Trong thời gian tới, Hậu Giang tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ban hành các chương trình, đề án nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững.
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Cơ giới hóa trong sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động cả hệ thống chính trị trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển ngành nghề nông thôn. Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển nhanh các sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên.
- Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.