Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Thứ tư, 04/12/2024 , 03:40 pm
Cập nhật : 23/05/2012 , 15:05(GMT +7)
Đổi mới sáng tạo ở Phần Lan: Mô hình Synergy
Oulu, một trong những trung tâm CNC của Phần Lan
Khái niệm synergy thường được nhiều người biết đến với tên gọi là “hiệp lực” hay “đồng tâm hiệp lực”, chỉ sự phối hợp liên kết chặt chẽ trên nhiều phương diện, hướng về và nhằm đạt được một mục tiêu chung. Và Phần Lan là một ví dụ điển hình về việc áp dụng synergy để huy động các nguồn lực khác nhau trong xã hội tập trung vào mục tiêu đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỉ 20, nền kinh tế Phần Lan rơi vào khủng hoảng, đồng tiền mất giá hơn 40%, tỷ lệ thất nghiệp hơn 20%, hệ thống tài chính ngân hàng khủng hoảng và thâm hụt ngân sách lớn.  Nhưng chỉ hai năm sau đó, Phần Lan đã kịp điều chỉnh để đưa ra các chính sách & chiến lược phát triển mới, trong đó họ đã bỏ tư duy làm chính sách cũ, đó là phân bổ lại các nguồn lực có sẵn và hoạch định chính sách dựa trên nhu cầu và kiến trúc (top down) để chuyển sang tác động vào chất lượng và số lượng của các nguồn lực (resources) sẽ được tạo ra trong tương lai, đồng thời hài hòa với hoạch định chính sách dựa trên định hướng khách hàng (bottom up). Các chính sách phát triển được đổi mới theo cách tiếp cận mở và hệ thống, trong đó tăng cường tái cơ cấu theo hướng tập trung tác động vào những nơi mà thị trường hoạt động chưa hiệu quả, tận dụng hiệu ứng ngoại biên của việc đầu tư vào R&D và các yếu tố phát triển sản xuất – chủ yếu chuyển hướng sang kinh tế tri thức và tăng hiệu quả của thị trường.   

Với một đất nước 5 triệu dân mà chỉ trong thời gian ngắn đã thành lập cả một mạng lưới các khu công nghệ, trung tâm chuyên môn ở từng địa phương và các vườn ươm kinh doanh trong đó, từ một nước tụt hậu trở thành nước có nền kinh tế cạnh tranh số một toàn cầu đã minh chứng  hiệu quả của mô hình synergy, khi các nguồn lực nhỏ hiệp lực lại với nhau với mục tiêu chung đã biến 1+1 trở thành một con số rất lớn.
Dựa trên những chính sách phát triển đó, Phần Lan đã tập trung nguồn lực vào hai chương trình chính để thực hiện synergy trong hợp tác liên ngành và nội ngành (cross and intra-sector ) với những mục tiêu cụ thể: (1) Chương trình Trung tâm chuyên môn (Centre of Expertise Programme) nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh cho khu vực/tỉnh thông qua tăng cường các hoạt động đổi mới, tái cơ cấu sản xuất nhắm vào các ngành công nghệ và phát triển những ngành nghề chuyên môn dựa vào lợi thế của địa phương; (2) Chương trình phát triển cụm và mạng lưới ( Cluster & Networking  Programmes). Đây là một chương trình lớn nhằm hỗ trợ các hoạt động R&D bằng cách thúc đẩy phát triển cụm và synergy giữa doanh nghiệp với khối nghiên cứu & đào tạo, giữa công ty với công ty, giữa các Trung tâm chuyên môn với nhau thành các mạng lưới đổi mới nhằm tăng tốc chuyển giao những know-how mới nhất tới doanh nghiệp cùng những kết quả từ sáng tạo và đổi mới của địa phương. Dựa trên nền tảng một mục tiêu chung, những đơn vị điều phối chính nguồn lực của quốc gia bao gồm TEKES (cơ quan công nghệ quốc gia), Quỹ sáng chế Phần Lan (SITRA) và Công ty đầu tư công nghiệp quốc gia đã phân bổ phần lớn ngân sách nhà nước về khoa học công nghệ cho 2 chương trình chính nói trên. Nguồn ngân sách nhà nước này được hiệp lực với các nguồn tài chính và đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã làm tăng hiệu quả lớn hơn nhiều (xem sơ đồ những nguồn lực trong môi trường đổi mới).

 
 


Nhờ hiệu ứng từ synergy, kết quả là chưa đầy mười năm sau (vào năm 2001) Phần Lan đã có hơn 20 khu công viên khoa học & công nghệ cao và hơn 30 trung tâm chuyên môn ở khắp các tỉnh, tạo thành một mạng lưới các khu công nghệ và trung tâm chuyên môn trên toàn quốc. Các khu công nghệ và trung tâm này lại tiếp tục các hoạt động synergy, không những trong nước mà mở rộng hiệp lực ra các mạng lưới  khu vực (Nordic) và quốc tế để tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, với sự hoàn thiện hệ thống đổi mới quốc gia (NIS)  đã thúc đẩy hàng loạt các dự án ươm tạo doanh nghiệp, từ đó sản sinh ra nhiều công ty công nghệ đột phá nhanh chóng phát triển ra thế giới. Đây chính là những nguồn lực được tạo ra trong tương lai khi mà các chính sách trước đó đã tác động vào hệ thống để tạo ra chúng.

Thí dụ cho sự đúng đắn của việc tập trung nguồn lực cho 2 chương trình nói trên là sự thay đổi nhanh chóng của khu vực Bắc Phần Lan với thủ phủ là thành phố Oulu. Trước đây, khu vực này rất vắng vẻ với dân cư thưa thớt, chủ trương phát triển nền kinh tế tri thức và đẩy mạnh synergy trong các chương trình trung tâm chuyên môn vùng đã làm cho Oulu trở nên nổi tiếng về phát triển công nghệ cao. Đáng ngạc nhiên là trong thời gian ngắn, thành phố Oulu với gần 200 nghìn dân đã trở thành một trong những trung tâm công nghệ cao của Phần Lan (những trung tâm khác là Helsinki, Turku, Tampere…) với 2 khu công viên khoa học (science park) tiêu biểu là Technopolis và Medipolis, người ta gọi là “hiện tượng Oulu” (Oulu Phenomenon). Đây cũng là nơi đặt trụ sở và trung tâm nghiên cứu của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong đó có tập đoàn Nokia. Hai công viên khoa học này tập trung nhiều khu vườn ươm công nghệ, nhất là về công nghệ thông tin và công nghệ sức khỏe. Hàng trăm công ty công nghệ mới đã được lập ra từ các khu vườn ươm tại đây, nhanh chóng được xếp hạng trên các tạp chí lớn của thế giới như Business Weeks. Oulu là thành phố dẫn đầu về một xã hội không dây (wirelese society) bởi sự phát triển kỳ diệu của công nghệ mobile. Không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước, Oulu còn nhanh chóng phát triển nhiều chương trình synergy với các trung tâm công nghệ thông tin khác trên thế giới như Silicon Valley, San Jose (Mỹ). 

Oulu là nơi mà chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của mô hình synergy trong các hoạt động đổi mới và thương mại hóa các sáng kiến khoa học, với sự đồng tâm hiệp lực giữa 3 nhà: Nhà doanh nghiệp – Nhà nghiên cứu – Chính quyền địa phương, còn gọi là mô hình xoắn ba (Triple Helix):  nhà nghiên cứu tạo ra sản phẩm, nhà doanh nghiệp là nơi tiếp nhận sản phẩm và chính quyền địa phương hỗ trợ quá trình này diễn ra một cách nhanh nhất. Polar Electro, thương hiệu đồng hồ đo nhịp tim cho các hoạt động thể lực đang chiếm lĩnh 95% thị phần thế giới, được hình thành từ một trong những vườn ươm công nghệ của Oulu. Ý tưởng của đồng hồ này xuất phát từ giáo sư Seppo Saynajakangas của Đại học Oulu. Trong 1 lần đi trượt tuyết, ông nảy sinh ra ý nghĩ làm thế nào để đo được nhịp và trạng thái tim mạch của những người đang vận động, nhất là vận động viên và người cao tuổi để biết được giới hạn của cơ thể nhằm tránh các rủi ro do hoạt động quá sức. Ý tưởng này sau đó được tiếp nhận bởi công ty Polar Electro, các nghiên cứu bắt đầu được trợ giúp của chính quyền Oulu thông qua quỹ Tekes. Với sự hiệp lực này, từ lúc có ý tưởng đến khi công ty bán sản phẩm ra khắp thế giới với doanh thu 20 triệu Euro chỉ trong vòng 6 năm. Đây cũng là một sản phẩm tiêu biểu dẫn dắt theo cả một ngành công nghệ về sức khỏe của Oulu phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới với doanh số hàng trăm triệu Euro hằng năm.
  

 


Một trong những mẫu đồng hồ POLAR đo hoạt động của tim cho vận động viên

 


Chỉ trong một thời gian hơn một thập kỷ, Phần Lan đã ứng phó tốt đối với các thay đổi, đã có thể khai thác các cơ hội mở ra trong việc tăng trưởng chuyên về tri thức sâu đến một tầm cao hơn và đã chuyển từ một nền kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên tri thức. Sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu công nghiệp cũng mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp chính: sản phẩm và phương pháp sản xuất đã tập trung hơn vào tri thức và sáng tạo. Điều này có nghĩa là quốc gia được trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức mới trong tương lai.

 

Nguồn tin: Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner