Đổi mới công nghệ sẽ thúc đẩy hoạt động R&D tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Đổi mới công nghệ từ lâu đã được xem là chìa khoá, là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tạo nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia và hướng nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, để thúc đẩy đổi mới công nghệ, cần có chính sách và phương thức đầu tư hiệu quả, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới, khu vực viện, trường và cơ quan nhà nước là những tác nhân hỗ trợ quan trọng.
Đây cũng là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách tài chính quốc gia phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương (APCTT) thuộc Ủy ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức ngày 30.10, tại Hà Nội.
Để đổi mới: Năng lực tài chính phải đủ mạnh
Trong các nước khu vực Châu Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh khá tương đồng với Việt Nam nhưng nhờ dựa vào những quyết sách đúng đắn, nhất là những chính sách về đầu tư đổi mới công nghệ, đã tạo nên những bước phát triển thần kỳ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo ông N. Srinivasan, Phụ trách Quản lý đổi mới của APCTT có 10 thành tố then chốt của hệ thống đổi mới quốc gia: Chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc gia, cơ sở hạ tầng KH&CN, phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực, thương mại hóa các kết quả R&D, thúc đẩy kinh doanh mạo hiểm, các cơ sở ươm tạo công nghệ/kinh doanh, mạng lưới thông tin KH&CN, nữ doanh nhân, sự kết nối và các đối tác, đánh giá và cải cách các tổ chức nghiên cứu.
Cũng theo ông N. Srinivasan, chính sách tài chính với vấn đề đổi mới công nghệ là vấn đề không dễ. Cần xây dựng một cơ chế chính sách đổi mới công nghệ sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, tầm nhìn chiến lược và sự ưu tiên cho mỗi thành tố là khác nhau. Mỗi quốc gia đều đã hình thành những chính sách tài chính cho đổi mới công nghệ.
Cụ thể, tại Bangladesh, Grameen Shakti - tổ chức phi lợi nhuận thuộc Ngân hàng Grameen đã được hình thành để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới ở các địa phương thông qua cung cấp công nghệ năng lượng tái tạo với giá thành hạ cho các hộ gia đình nông thôn của Bangladesh. Grameen Shakti được cấp vốn theo một chương trình của Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng (một thể chế tài chính do Chính phủ Bangladesh thành lập) được Ngân hàng Thế giới cấp vốn. Nhờ đó, từ chỗ phải nhập khẩu tất cả các thiết bị, nhờ quá trình tự nghiên cứu và phát triển, Grameen Shakti đã sản xuất trong nước thành công 70% các thiết bị, ngoại trừ bảng và pin năng lượng mặt trời.
Hay các Quỹ và chương trình phát triển của Ấn Độ như Quỹ Đổi mới toàn diện Ấn Độ; Quỹ Năng lượng sạch quốc gia; Quỹ Đổi mới công nghệ quay vòng (hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhỏ, SME phát triển, mở rộng quy mô, quảng bá và thương mại hóa các dự án đổi mới công nghệ; bảo đảm cho vay có kỳ hạn lên tới 80% tổng chi phí dự án). Ông Sujata Chaklanobis, Bộ KH&CN Ấn Độ cho biết, năm 2003, Ấn Độ đưa ra chính sách đổi mới công nghệ “Khuyến khích đổi mới trên tất cả các mặt. Một hệ thống đổi mới quốc gia toàn diện được thiết lập, trong đó gồm cả đổi mới KH&CN cũng như luật pháp, tài chính và các lĩnh vực liên quan…”. Nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới, Tổng thống Ấn Độ đã tuyên bố thập kỷ này là “Thập kỷ của đổi mới”, trong đó trọng tâm là tăng trưởng toàn diện.
Ông Kyung Jin Hyung, Quản lý cấp cao của Tập đoàn Tài chính công nghệ cho biết, Hàn Quốc có hệ thống các quỹ đầu tư mạo hiểm và bảo lãnh tín dụng tương đối hoàn chỉnh. Nguồn quỹ của quỹ đầu tư mạo hiểm đã đạt đỉnh vào năm 2000 trong suốt thời kỳ hoàng kim, đạt 2,2 tỷ Won tổng nguồn cung mạo hiểm. Quy mô của các quỹ mới được thành lập trong cùng một năm là 1,4 nghìn tỷ Won. Quỹ KOTEC hoạt động dưới dạng Công ty tài chính về công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. 80% nguồn tài chính dành cho công nghệ được thực hiện ở Hàn Quốc là bảo lãnh tín dụng của KOTEC.
Còn tại Trung Quốc, Quỹ Đổi mới các doanh nghiệp công nghiệp SME (Innofund) đã được thành lập năm 1999 theo quyết định của Hội đồng Nhà nước với chức năng chính là hỗ trợ đổi mới, sáng tạo; nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ SME; phát triển công nghệ mới và công nghệ cao; thu hút đầu tư từ Chính phủ, doanh nghiệp, Viện tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp SME;…
Theo ông Qian Jinqiu, Trung tâm Bó đuốc, Bộ KH&CN Trung Quốc, đến cuối 2010, có 25.848 dự án được tài trợ. Innofund đã huy động được vốn đầu tư gấp 10 lần từ các ngân hàng, nhà đầu tư và chính phủ cho các doanh nghiệp SME; thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghệ SME dựa trên công nghệ và tạo ra hơn 450.000 việc làm. Hiện Trung Quốc có 400 tổ chức đầu tư mạo hiểm (năm 2007). Chính phủ và các quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước vẫn là nguồn tài chính lớn nhất của quỹ đầu tư mạo hiểm. Với chiến lược đó, trong 20 năm qua, các doanh nghiệp SME dựa trên công nghệ ở Trung Quốc đã đóng góp 65% bằng sáng chế, 75% đổi mới công nghệ và 80% sản phẩm mới. Tuy nhiên, thiếu vốn là nút thắt lớn nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp này tại Trung Quốc.
Bài học kinh nghiệm với Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD, trong đó từ Chính phủ chiếm 70%. Trong khoảng 300.000 doanh nghiệp tại Việt Nam, có đến 98% là doanh nghiệp SME. Phần lớn, doanh nghiệp sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP tại một số quốc gia khác cao hơn rất nhiều: 3,57% tại Hàn Quốc, 1,7% tại Trung Quốc (năm 2009), Ấn Độ 0,76% (năm 2007).
Ông Michael Braun, chuyên gia của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, theo thuật ngữ của WEF, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên. Một số kết quả từ cuộc điều tra gần đây về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ có 23% các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Trong số đó, 6,6% doanh nghiệp thực hiện việc nghiên cứu và các hoạt động làm chủ công nghệ, 16,4% khác thực hiện việc làm chủ công nghệ nhưng không liên quan đến R&D. Điều đặc biệt, có 77% các doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động R&D hay đổi mới làm chủ công nghệ. Các doanh nghiệp SME ít có khả năng được tham gia vào nghiên cứu và phát triển hơn là những tập đoàn lớn.
Cũng theo ông Michael Braun, 15% các doanh nghiệp hiện đang có kế hoạch thay đổi công nghệ. Lý do chính làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu về công nghệ là chất lượng sản phẩm (55% doanh nghiệp có nhu cầu nâng cấp), sau đó là đa dạng sản phẩm (25%), khả năng sản xuất (23%). Tuy nhiên, 65% các công ty có các hoạt động làm chủ công nghệ khẳng định, một công nghệ thích hợp luôn có sẵn, nhưng giá quá đắt nên không thể mua được. Có lẽ vì thế, phần lớn các doanh nghiệp muốn mua công nghệ cũ, chỉ 8% doanh nghiệp có kế hoạch thay đổi công nghệ muốn tự phát triển công nghệ.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Cùng với việc ban hành các Chương trình quốc gia với trọng tâm thúc đẩy nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm công nghệ. Đồng thời đã nỗ lực hình thành thêm các kênh hỗ trợ tài chính theo hình thức Quỹ như Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN của địa phương, Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt là Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm, giai đoạn 2015–2020 tăng 15%, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm; 30.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới và giai đoạn 2015 – 2020 đào tạo 80.000 lượt;…
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia chia sẻ, với những thay đổi thời gian qua, có thể nói Việt Nam cũng đang có một hệ thống đổi mới công nghệ. Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều gợi ý hữu ích với Việt Nam về các hoạt động đổi mới công nghệ như: Hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp khởi nghiệp; áp dụng giải pháp hợp tác công tư; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp và tổ chức các hội thảo bàn về đổi mới công nghệ…
Các chuyên gia cho rằng để đổi mới công nghệ, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển. Cần đảm bảo tính bền vững lâu dài của các chương trình, đề án tài chính phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ. Các quỹ đổi mới theo từng lĩnh vực cụ thể cần được hình thành để giải quyết các thách thức mang tính quốc gia. Việc đánh giá các dự án đổi mới một cách chi tiết là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.
Cùng với đó, sở hữu trí tuệ phải được coi là định hướng chính cho các cơ chế tài chính đổi mới công nghệ để bắt kịp với các nước công nghệ tiên tiến; cần tăng cường các cơ chế phân phối của các quỹ đổi mới thông qua việc liên tục giám sát và đánh giá các kết quả đổi mới; cần thiết lập các nền tảng quốc gia tích hợp hỗ trợ cả về tài chính, kỹ thuật.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhưng Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành các kênh tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Vì thế, việc học hỏi các kinh nghiệm đã được áp dụng, triển khai ở các quốc gia đi trước sẽ thực sự có giá trị và ý nghĩa với Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp có thêm những kinh nghiệm quý báu về cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ, từ đó lựa chọn được những cách thức phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH&CN trong thời gian tới.
|