Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:18 pm
Cập nhật : 17/12/2011 , 08:12(GMT +7)
Đổi mới cơ chế quản lý: Động lực để KH&CN phát triển
Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới
Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) là nhiệm vụ quan trọng đã được Bộ KH&CN chú trọng triển khai từ khi Luật KH&CN ra đời, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, năm 2004 (Quyết định 171/2004/QĐ-TTg).

Thời gian qua, các kết quả của quá trình đổi mới đã có những tác động tích cực và hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý KH&CN

Các kết quả của quá trình đổi mới, đặc biệt là Đề án đã có những tác động tích cực và hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN. Với chủ trương chuyển mạnh quản lý KH&CN từ cơ chế hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường, tách biệt quản lý hành chính với hoạt động sự nghiệp trong hệ thống KH&CN, giai đoạn vừa qua đã ghi dấu sự khởi xướng và triển khai chủ trương đổi mới mang tính đột phá là chuyển các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hơn nữa là hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp KH&CN thông qua việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP (NĐ 115) về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP (NĐ 80) về doanh nghiệp KH&CN.

Ngoài các tổ chức KH&CN công lập, đến nay đã có gần 900 tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính trong tổng số hơn 1.600 tổ chức KH&CN trong cả nước. NĐ 115 và NĐ 80 góp phần tạo hành lang pháp lý giúp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, để nhà khoa học có thu nhập xứng đáng từ hoạt động nghiên cứu. Các đơn vị công lập được quyền tự chủ cao về xác định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính, đặc biệt, được quyền sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp và được cấp dăng ký kinh doanh, hưởng mọi ưu đãi như doanh nghiệp. Đến nay, số lượng các tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã có sự gia tăng lớn, chiếm hơn 80% các tổ chức đăng ký ở các bộ, ngành và địa phương, trong đó khoảng 65% các tổ chức có đề án chuyển đổi sang cơ chế mới đã được phê duyệt. Số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện để công nhận là doanh nghiệp KH&CN theo quy định của Nghị định 96/2010/NĐ-CP (sửa đổi NĐ 115 và NĐ 80) khoảng 2.000, trong đó số doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm 15%.

Về vấn đề đầu tư tài chính cho KH&CN, trước đây, Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về 2% tổng chi ngân sách dành cho KH&CN, nhưng lại chưa được tham gia vào quá trình phân bổ (ngân sách đầu tư phát triển KH&CN chiếm 44% ngân sách KH&CN hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ), dẫn đến không kiểm tra, giám sát được tình hình sử dụng nguồn ngân sách này cũng như không làm rõ trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Từ năm 2011, trên cơ sở Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25.7.2011 quy định việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp khoa học (SNKH) hàng năm phải được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ Tài chính các tiêu chí làm căn cứ phân bổ kinh phí SNKH cho các tỉnh, thành phố. Sự đổi mới đó được tất cả các địa phương đánh giá cao, khắc phục được những bất cập hiện tại.

Quan điểm đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho KH&CN được coi là một trong những giải pháp tài chính quan trọng nhằm giảm gánh nặng của NSNN cho hoạt động KH&CN. Đến nay, kinh phí từ ngân sách không còn là kênh duy nhất đầu tư cho KH&CN bởi việc huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và toàn xã hội đầu tư cho KH&CN đã đạt được kết quả bước đầu. Cơ quan nghiên cứu có thể tận dụng các nguồn vốn do thực hiện hợp đồng, liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN; các bộ, ngành, địa phương cũng được phép lập quỹ phát triển KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, khoảng 30 địa phương và hàng trăm doanh nghiệp thành lập quỹ, tạo nguồn vốn khá lớn cho hoạt động KH&CN.

Cùng với đó, sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) năm 2008, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia năm 2011 đã đánh dấu một mô hình mới trong quản lý tài chính KH&CN, tạo cơ hội rộng mở cho mọi thành phần trong xã hội được tiếp cận với các nguồn tài chính của Chính phủ khi tiến hành hoạt động KH&CN. Đặc biệt, việc triển khai các chương trình tài trợ của Nafosted theo cơ chế mới như tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên đã được cộng đồng khoa học đánh giá như một “bước tiến thành công có tính cách mạng” trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Theo thống kê của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI), Nafosted là cơ quan tài trợ nhiều nhất trong các công bố quốc tế Việt Nam thời gian qua. Số lượng công bố quốc tế chỉ riêng trong 3 năm (2008-2010) đã tương đương với số lượng công bố quốc tế cả giai đoạn 1995-2004 và gấp 3 lần Thái Lan, xét theo cùng thời điểm đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000USD.

Bộ KH&CN đã đề xuất việc giao nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực tế, các nhiệm vụ giao cho Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung - Ninh Bình, Công ty Thủy sản Bình An, Công ty Dược phẩm Hậu Giang và một số doanh nghiệp khác đã giúp các đơn vị này nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và hàm lượng khoa học cao.

Đổi mới cơ chế quản lý: không thể chậm trễ


Hội nghị tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN đã thu hút sự quan tâm của gần 400 nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, kết quả thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN của Bộ theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP thời gian qua đã chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN, giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động, phát huy nguồn lực sáng tạo của cán bộ KH&CN, gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh. Sau chuyển đổi, doanh thu từ hoạt động KH&CN của nhiều viện đã tăng đáng kể. Ví dụ một số viện: Nghiên cứu Cơ khí, IMI, KHCN mỏ, Dầu khí… có doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu, tư vấn KH&CN, sản xuất kinh doanh năm 2010 đạt trên 500 tỉ; các viện: KH&CN Mỏ - Luyện kim, Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá... đạt trên 100 tỉ đồng. Điều này thể hiện sự tự chủ, năng động của các viện đã được nâng cao nhờ thực hiện cơ chế của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để các tổ chức KH&CN thực sự phát huy được hiệu quả hoạt động sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, theo đại diện Bộ Công Thương, cần có cơ chế hình thành và gắn chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của đất nước. Tạo điều kiện để các viện sau chuyển đổi vẫn được đăng ký kinh doanh theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu vì thực chất, sau chuyển đổi các viện vẫn thực hiện hoạt động nghiên cứu là chính.

PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ KH&CN&MT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, một trong những nội dung mang tính quyết định đến sự thành công và hiệu quả của hoạt động KH&CN là xây dựng nhiệm vụ KH&CN các cấp. Theo PGS.TS Tạ Đức Thịnh cách làm hiện nay đã đem lại những hiệu quả tích cực nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như: nhiệm vụ KH&CN chưa thực sự xuất phát từ thực tế nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trùng lặp các đề tài, dự án KH&CN; chất lượng nhiệm vụ KH&CN không cao…

Để khắc phục những bất cập này, cần có cơ chế “đặt hàng” trong hoạt động KH&CN, nhất là đối với các sản phẩm quốc gia, các vấn đề có tầm cỡ “quốc kế dân sinh”. Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, phải được xác định bởi Chính phủ trên cơ sở tư vấn của Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia. Quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên Hội đồng trong việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cho các tổ chức, cá nhân thực hiện; các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, ngành, địa phương phải được xác định bởi người đứng đầu các đơn vị đó trên cơ sở tư vấn của Hội đồng KH&CN cấp bộ, ngành, địa phương. Việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CN nên được tiến hành thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào “thời vụ” như hiện nay.

Đại diện Vụ KH,CN và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra đề xuất cần đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đặt hàng đến sản phẩm cuối cùng. Muốn vậy phải có tiêu chí cụ thể. Ví dụ, Bộ NN&PTNT đưa ra các tiêu chí xác định nhiệm vụ KH&CN gồm: sản phẩm tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN là sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực NN&PTNT; xác định rõ thời gian, tổng kinh phí, kinh phí hàng năm thực hiện nhiệm vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm; xác định giá trị thị trường, hiệu quả kinh tế - xã hội: sản phẩm KH&CN đưa vào sản xuất quy mô lớn, sản xuất công nghiệp có doanh thu ít nhất lớn gấp 3 lần tổng kinh phí thực hiện đề tài hoặc đầu tư 1 đồng vốn cho đề tài tạo ra ít nhất 3 đồng lợi nhuận; có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt nội dung nghiên cứu.

Hiện nước ta đã và đang dành 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN, tương đương với 0,5% GDP. Đây là cố gắng rất lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước. Đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN vẫn thấp hơn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chỉ đạt khoảng 350 - 400 triệu USD so với ngân sách khoảng 600 triệu USD, còn xa mục tiêu 1,5% GDP vào năm 2010 đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010. Kinh nghiệm các nước cho thấy, khi nguồn lực còn hạn chế, việc huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách cho KH&CN là không thể thiếu được. Để làm được điều đó và đưa đất nước phát triển, đổi mới cơ chế quản lý KH&CN phải là bước đi đột phá đầu tiên, không thể chậm trễ, tạo ra những tiền đề và điều kiện cần thiết để KH&CN có thể hoàn thành nhiệm vụ là động lực phát triển kinh tế - xã hội.


Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner