Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:52 am
Cập nhật : 19/07/2013 , 08:07(GMT +7)
Đổi mới cơ chế đánh giá kết quả nhiệm vụ nghiệm thu khoa học và công nghệ
Cơ chế đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta hiện nay đang có những bất cập và gây nên hậu quả về nhiều mặt. Để khắc phục các nhược điểm và tiếp tục thúc đẩy đổi mới, cần chú ý đến các giải pháp về nhận thức rõ hơn ý nghĩa quan trọng của việc đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN, đặt đánh giá kết quả trong mối quan hệ với các khâu khác của quản lý nhiệm vụ KH&CN. Tiếp tục đổi mới tiêu chí đánh giá, điều chỉnh quy định về xử lý đối với những nghiên cứu không hoàn thành nhiệm vụ, kết hợp các phương thức đánh giá khác nhau, bố trí kinh phí phù hợp đối với hoạt động đánh giá.

Cơ chế đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta hiện nay đang có những bất cập và gây nên hậu quả về nhiều mặt. Để khắc phục các nhược điểm và tiếp tục thúc đẩy đổi mới, cần chú ý đến các giải pháp về nhận thức rõ hơn ý nghĩa quan trọng của việc đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN, đặt đánh giá kết quả trong mối quan hệ với các khâu khác của quản lý nhiệm vụ KH&CN. Tiếp tục đổi mới tiêu chí đánh giá, điều chỉnh quy định về xử lý đối với những nghiên cứu không hoàn thành nhiệm vụ, kết hợp các phương thức đánh giá khác nhau, bố trí kinh phí phù hợp đối với hoạt động đánh giá.   

Cùng với đổi mới quản lý hoạt động KH&CN nói chung, trong thời gian qua cơ chế đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đã có có nhiều cải tiến như: đánh giá được tiến hành qua 2 cấp, quy định cụ thể hơn về hội đồng đánh giá, xây dựng những biểu mẫu phục vụ đánh giá nghiệm thu, xây dựng các tiêu chí đánh giá,… Trên thực tế, các cải tiến đã mang lại những tác dụng tích cực. Đánh giá bằng hội đồng các nhà khoa học và quản lý là một phương thức có ý nghĩa tăng tính khách quan với những nhìn nhận từ nhiều người và nhiều phía. Các bước đánh giá khác nhau có ý nghĩa vừa tăng tính chính xác vừa tạo điều kiện cho việc sửa đổi, hoàn thiện nghiên cứu. Biểu mẫu và hệ thống tiêu chí đánh giá giúp cho hoạt động đánh giá dựa trên những cơ sở thống nhất, hạn chế tình trạng tùy tiện, cảm tính.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến đạt được, cơ chế đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN ở nước ta vẫn còn những hạn chế và đang gây nên nhiều hậu quả. Sự đánh đồng những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng khác nhau đã làm nản chí các nhà khoa học có trình độ và tinh thần nghiên cứu nghiêm túc; đồng thời khuyến khích những người nghiên cứu hời hợt, có năng lực khoa học thấp. Việc không phân biệt chất lượng nghiên cứu đã gây khó khăn cho khâu đầu tư tiếp theo để ứng dụng kết quả đề tài vào cuộc sống.

Việc đánh giá sản phẩm đề tài thiếu chính xác và thiếu nghiêm túc khiến các sáng kiến về đổi mới tài chính cho hoạt động KH&CN theo hướng đẩy mạnh khoán kinh phí trở nên thiếu thuyết phục, dẫn đến việc để “lọt lưới” những sản phẩm vào các nhà khoa học kém năng lực. Kinh phí đầu tư cho KH&CN bị sử dụng không có hiệu quả và tiếp tục có nguy cơ đầu tư vào những địa chỉ không có hiệu quả ...

Trong bài viết này, xin nêu một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới cơ chế đánh giá nghiệm thu kết quả các nhiệm vụ KH&CN ở nước ta. Cụ thể:

Một là, nhận thức rõ hơn về ý nghĩa quan trọng của đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN

Hoạt động đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc khâu cuối trong quản lý nhiệm vụ KH&CN nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Có thể coi đây là sự “chốt lại” của quá trình quản lý nhiệm vụ KH&CN. Trên thực tế, cách thức đánh giá có ảnh hưởng tới mức độ nỗ lực và tính nghiêm túc trong tiến hành nghiên cứu của các nhà khoa học, quan hệ công bằng trong phân loại các kết quả nghiên cứu khác nhau, khả năng điều chỉnh quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả (điều chỉnh khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn chủ nhiệm và cơ quan chủ trì, …; điều chỉnh cơ cấu đề tài theo các lĩnh vực khác nhau).

Việc nương nhẹ trong đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN có thể coi là hành vi dựa vào kinh phí từ ngân sách Nhà nước để ban ơn huệ cá nhân hoặc thiếu trách nhiệm của các nhà khoa học tham gia đánh giá. Việc đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN bị chi phối bởi “phong bì” có thể coi là một biểu hiện tham nhũng.

Cũng cần khắc phục những quan niệm khá phổ biến hiện nay như: Kinh phí của đề tài có thể được coi là khoản “bù lương” cho cán bộ nghiên cứu; đề tài nghiên cứu khoa học có thể dùng như khoản hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ mà cán bộ trong các cơ quan đảng, chính quyền phải làm; đề tài có ý nghĩa hỗ trợ cho đào tạo, tập dượt nghiên cứu cho những người tham gia đề tài vốn chưa có trình độ khoa học đủ tầm; đề tài chỉ là tượng trưng, điều chính yếu là người tiến hành nghiên cứu có điểm công trình nhằm hoàn thành chỉ tiêu thi đua hoặc phục vụ mục tiêu học hàm, học vị... Những quan niệm này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những châm chước, du di trong đánh giá và làm mờ nhạt đi yêu cầu đòi hỏi về chất lượng khoa học của công trình nghiên cứu.

Hai là, đặt đánh giá kết quả trong mối quan hệ với các khâu khác của quản lý nhiệm vụ KH&CN

Nhìn chung, phổ biểu hiện giá trị của một đề tài KH&CN khá rộng. Ngay từ khi xây dựng đề cương, hình hài cơ bản của công trình nghiên cứu đã có thể thể hiện qua mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, ... Theo đà triển khai của đề tài, các thuộc tính của công trình nghiên cứu sẽ tiếp tục bộc lộ, tuy nhiên chưa thể bộc lộ hoàn toàn. Như vậy, có thể nhận biết giá trị của đề tài ở nhiều thời điểm khác nhau mặc dù không hoàn toàn giống nhau. Nhược điểm của đánh giá hiện nay là quy tụ, co gọn đánh giá vào một thời điểm nhất định. Nghiệm thu đề tài phải gánh vác nhiều nội dung lẽ ra được thực hiện từ trước, đồng thời lại ôm đồm cả những nội dung chỉ có thể sáng tỏ sau này. Đổi mới phương thức đánh giá cần khai thác các cơ hội khác nhau nhằm đánh giá kịp thời, chính xác kết quả nghiên cứu.

Xét duyệt đề cương nghiên cứu là khâu tuyển lựa ra nhà khoa học phù hợp với nhiệm vụ và có khả năng đảm nhiệm tốt nhất vai trò chủ nhiệm đề tài. Qua đây cũng ghi nhận những cam kết của nhà khoa học đối với yêu cầu đặt ra. Mục tiêu của đề cương là xác định khả năng giải quyết vấn đề, năng lực tổ chức thực hiện công việc với điều kiện tài chính hợp lý (thay vì hiểu biết kiến thức nói chung). Nội dung nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu cần hết sức cụ thể. Về cơ bản, sau khi xác định được nhà khoa học xứng đáng làm chủ nhiệm đề tài là đã có thể an tâm về khoản kinh phí đầu tư cho đề tài (giống như “chọn mặt gửi vàng”).

Đánh giá giữa kỳ là sự tiếp nối của việc đánh giá đề cương. Ở đây sẽ xem xét khả năng thực tế, tiến độ thực hiện những cam kết theo từng giai đoạn và tiên lượng về kết quả cuối cùng của công trình. Ý nghĩa của việc đánh giá giữa kỳ không chỉ là giai đoạn chuẩn bị “hồ sơ” cho việc đánh giá nghiệm thu, thúc đẩy nhóm nghiên cứu về tiến độ, điều chỉnh một số nội dung chuyên môn và tài chính... mà còn có thể kịp thời chấm dứt những hợp đồng nghiên cứu và đình chỉ đầu tư đối với những trường hợp không có triển vọng tạo ra kết quả khoa học.   

Trên cơ sở đánh giá tuyển chọn, đánh giá giữa kỳ được thực hiện tốt, khâu đánh giá nghiệm thu sẽ nhẹ đi rất nhiều (đối tượng xem xét đã được sàng lọc kỹ qua các đánh giá trước) và có điều kiện tập trung vào đánh giá về chất lượng chuyên môn của kết quả nghiên cứu (những yêu cầu điều chỉnh đã được giải quyết ở giai đoạn trước...). 

Bên cạnh đó, cần chú ý đến tính thống nhất về thành phần giữa các hội đồng tuyển chọn, đánh giá giữa kỳ và đánh giá nghiệm thu bằng những quy định như tối thiểu là 50% thành viên của hội động tuyển chọn tham gia vào hội đồng đánh giá giữa kỳ và hội đồng nghiệm thu.

Ba là, tiếp tục đổi mới tiêu chí đánh giá và thành phần hội đồng đánh giá

Tiếp tục đổi mới tiêu chí đánh giá, nghiệm thu và xếp loại đề tài KHXH (đã được ban hành tại điều 19 và 21 của Thông tư số 07/2009/TT-BKH&CN ngày 3-4-2009 của Bộ KH&CN Hướng dẫn việc đánh giá, nghiệm thu đề tài KHXH cấp nhà nước và các văn bản khác của bộ ngành, địa phương) theo hướng:

Chú ý thêm một số tiêu chí đánh giá về việc gắn kết nghiên cứu và đào tạo, phân biệt các mức độ khác nhau trong ứng dụng kết quả nghiên cứu, mức độ hoàn chỉnh khác nhau của báo cáo đề tài.

Cần điều chỉnh thang điểm theo hướng nhấn mạnh phương pháp nghiên cứu là hợp lý đối với đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Điềìu đó thể hiện quan hệ tương thích giữa việc đánh giá tuyển chọn và đánh giá kết quả của đề tài. Hạ thấp điểm về tính mới - tính sáng tạo và bài báo xuất bản là phù hợp với cấp địa phương vốn nhấn mạnh các đề tài ứng dụng.

Lấy số điểm 50/100 làm mốc đánh giá đạt hay không đạt dường như hợp lý hơn là 70/100. Điều này vừa “công bằng” đối với các nhà khoa học, vừa có tác dụng giảm bớt tình trạng cho điểm quá cao so với chất lượng của đề tài. Nếu cho điểm thực sự nghiêm túc thì mức 50/100 cũng là một kết quả đáng ghi nhận …

Giảm tối đa tỷ lệ các thành phần quản lý trong hội đồng đánh giá và nếu cần thiết, có thể tổ chức riêng một hội đồng đánh giá với sự tham gia của các nhà quản lý và người sử dụng kết quả nghiên cứu. Việc đánh giá của các thành phần không phải là nhà khoa học (cùng chuyên ngành) phải dựa trên những tiêu chí riêng khác với các tiêu chí về khoa học và phù hợp với vai trò của họ. Việc mời các nhà quản lý đánh giá các giá trị khoa học của nhiệm vụ KHXH sẽ vừa gây khó khăn cho nhà quản lý, vừa không đánh giá chính xác kết quả nghiên cứu.

Do đó, cũng cần phải có các quy định cụ thể về một số thành viên của hội đồng nghiệm thu như: chủ tịch, phó chủ tịch, phản biện, thư ký phải là các nhà khoa học cùng chuyên ngành với nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu. 

Bốn là, điều chỉnh quy định về xử lý đối với những kết quả nghiên cứu không hoàn thành nhiệm vụ

Cần phải điều chỉnh lại những quy định đối với các kết quả đề tài được đánh giá là “không đạt” theo hướng giảm về phạt tài chính. Xem xét bãi bỏ những quy định về hoàn trả kinh phí đối với đề tài xếp loại “không đạt” và không được hội đồng đánh giá cấp nhà nước kiến nghị cho đánh giá nghiệm thu lại được quy định tại Điều 22 của Thông tư số 07/2009/TT-BKH&CN ngày 3-4-2009 của Bộ KH&CN Hướng dẫn việc đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước và Điều 11 Chương II Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKH&CN, ngày 4-10-2006 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN về hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (1). Điều này sẽ có ý nghĩa vừa tăng tính khả thi của quy định pháp lý, vừa để tránh cho các thành viên trong hội đồng đánh giá khỏi phải chịu sức ép về những quyết định gây khó cho chủ nhiệm đề tài và các nhà quản lý (do phải hoàn trả kinh phí cấp cho hoạt động nghiên cứu) (2). Trên thực tế, nhiều khi chính những quy định khắt khe, không khả thi về tài chính đã ảnh hưởng tới việc đánh giá nghiêm túc về chất lượng chuyên môn của công trình. Mặt khác, việc thu hồi kinh phí, cũng nên tập trung thực hiện tốt ở khâu đánh giá giữa kỳ.

Phù hợp với đặc điểm của hoạt động KH&CN, quy định thích hợp nhất là các trường hợp đã bộc lộ rõ hạn chế trong tiến hành đề tài kỳ trước sẽ bị loại bỏ quyền tham gia dự tuyển trong vài kỳ tiếp theo. Đây là điều đã được nêu tại Điều 4 của Quy định tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp nhà nước (kèm theo Quyết định số 11/2007/QĐ-BKH&CN ngày 4-6-2007 của Bộ trưởng KH&CN); Điều 25 của Thông tư số 07/2009/TT-BKH&CN ngày 3-4-2009 của Bộ KH&CN Hướng dẫn việc đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước; Khoản 1 Điều 9 của Quy chế Quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề tài KH&CN của Thành phố Hà Nội - Ban hành kèm theo Quyết định số 95/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội; Khoản 1 Điều 34 của Quyết định về quản lý đề tài KH&CN cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2010/TT-BGDĐT ngày 29-3-2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Khoản 1 Điều 27 của Quy chế quản lý đề tài, dự án nghiên cứu KH&CNå của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2006/QĐ-BNN, ngày 15-5-2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; …

Năm là, kết hợp các phương thức đánh giá khác nhau

Ngoài phương thức thông qua hội đồng để đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đang thực hiện hiện nay, nên có thêm hình thức đánh khác bổ sung như lấy ý kiến chuyên gia, phản biện kín.

Hiện tại, đã có một số bộ và địa phương quy định việc đánh giá bằng chuyên gia tư vấn độc lập như Khoản 4 Điều 14 của Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ của Thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 95/2009/QĐ - UBND ngày 24-8-2009 của UBND thành phố Hà Nội), Khoản 2 Điều 24 của Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 2-8-2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều 14 của của Quy chế quản lý đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2006/QĐ-BNN, ngày 15-5-2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cần tiếp tục tổng kết những sáng kiến này để xây dựng những quy định chung.

Sáu là, bố trí kinh phí phù hợp cho hoạt động đánh giá

Thực tế hiện nay, hoạt động đánh giá các nhiệm vụ KH&CN còn thiếu những điều kiện tài chính tương xứng (thù lao cho phản biện còn thấp, ...). Những điều này có ảnh hưởng nhất định tới chất lượng đánh giá của các thành viên hội đồng.

Cần có quy định sửa đổi Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7-5-2007 Hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm tăng mức kinh phí cho việc đánh giá kết quả nghiên cứu. Mức này khoảng 5-7% tổng kinh phí thực hiện đề tài./.

------------------

(1) Điều 11 Chương II Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKH&CN, ngày 4-10-2006 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN về hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước: “(i) Trường hợp do nguyên nhân chủ quan, phải quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân để thu hồi tối đa kinh phí cho ngân sách nhà nước. Tổng mức thu hồi tối thiểu không thấp hơn 30% kinh phí ngân sách nhà nước cấp đã sử dụng cho đề tài, dự án. (ii) Trường hợp do nguyên nhân khách quan: Tổng mức thu hồi tối đa không quá 10% kinh phí ngân sách nhà nước cấp đã sử dụng cho đề tài, dự án. (iii) Mức thu hồi cụ thể do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án xem xét quyết định. Nguồn kinh phí nộp trả ngân sách nhà nước: 50% do Chủ nhiệm đề tài, dự án chịu trách nhiệm nộp trả; 50% từ các Quỹ và các nguồn kinh phí tự có khác của tổ chức chủ trì.

(2) Hiện nay cũng đã có những địa phương có những quy định khá thận trọng trong việc thu hồi kinh phí khi không hoàn hành đề tài như Quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Ban hành kèm theo Quyết định số: 793/2008/QĐ-UBND, ngày19-5-2008 của UBND tỉnh Cao Bằng) “Điều 15: Xử lý đề tài/dự án không được nghiệm thu.  Trường hợp đề tài/dự án không được nghiệm thu ở cấp tỉnh thì trên cơ sở báo cáo của Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài/dự án về tình hình thực hiện, Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xem xét, quyết định việc thanh toán khối lượng đạt được và thu hồi số kinh phí chưa sử dụng (nếu có)”. 

Nguồn tin: Tuyên giáo

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner