Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN; buộc doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp;… Đó là một số điểm mới của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58 và 63 của Luật KH&CN về đầu tư, cơ chế tài chính và một số nội dung cần thiết về dự toán ngân sách nhà nước, nội dung chi cho hoạt động KH&CN và quản lý nhà nước về quỹ phát triển KH&CN.
Chi ngân sách nhà nước và đầu tư cho KH&CN
Nghị định nêu rõ, chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KH&CN; các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KH&CN.
Chi sự nghiệp KH&CN gồm có chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu KH&CN; mua kết quả nghiên cứu KH&CN, mua công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, hoạt động thông tin và thống kê KH&CN, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước;…
Về kế hoạch, lập dự toán và phân bổ NSNN cho KH&CN theo Nghị định, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm đề xuất cơ cấu chi giữa đầu tư phát triển và sự nghiệp KH&CN; tỷ lệ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN, Bộ KH&CN hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN cho KH&CN của năm kế hoạch tiếp theo.
Cùng với đó, căn cứ vào khả năng đáp ứng của NSNN, nhu cầu thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã phân bổ của năm trước liền kề cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&CN đề xuất kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính.
Theo hướng dẫn của Bộ KH&CN, Sở KH&CN đề xuất với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho KH&CN của địa phương mình; xử lý, tổng hợp trình UNND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Từ ngày 01/12/2014, chính thức áp dụng cơ chế khoán chi.
Trên cơ sở đề xuất dự toán của Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển KH&CN. Bộ Tài chính lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp KH&CN theo đề xuất dự toán của Bộ KH&CN. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho KH&CN được giao hàng năm, lập phương án bố trí kinh phí cho đầu tư phát triển và sự nghiệp KH&CN không thấp hơn mức Trung ương giao.
Thành lập Quỹ phát triển KH&CN
Nghị định nêu rõ, quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi có đủ các điều kiện về: nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đảm bảo vận hành Quỹ; biên chế sự nghiệp được điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có; đảm bảo cơ cấu nguồn vốn từ NSNN và nguồn khác; không làm tăng chi phí quản lý từ NSNN.
Việc lập và duy trì quỹ dựa trên nhiều nguồn kinh phí như nguồn vốn được cấp lần đầu từ NSNN dành cho phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hàng năm từ phân bổ NSNN cho nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, tỉnh; các nguồn thu từ kết quả hoạt động của quỹ; kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; nhận ủy thác từ các quỹ phát triển KH&CN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng và nhận ủy thác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Riêng đối với doanh nghiệp, Nghị định nêu rõ mức đóng góp hình thành quỹ, nội dung chi và cách giải quyết khi chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ. Đây là vấn đề vướng mắc của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỉ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp được chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh; nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; chi điều chuyển về quỹ phát triển KH&CN; nộp về quỹ phát triển KH&CN của nhà nước; chi quản lý quỹ của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển KH&CN theo 2 hình thức: giữa tổng công ty với doanh nghiệp thành viên và ngược lại; giữa công ty mẹ với công ty con và ngược lại.
Doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển KH&CN.
Đối với doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phát triển KH&CN thì, doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoặc quỹ phát triển KH&CN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế.
Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN
Cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cũng có nhiều nét mới. Cụ thể, trước đây, ngày 31/7 hàng năm là hạn chót mà Bộ KH&CN phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ khoa học để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách. Những đề xuất được tập hợp sau ngày 31/7 phải chờ thêm một năm nữa. Tuy nhiên, cơ chế này đã thay đổi. Theo Nghị định, việc các định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm trên cơ sở dự toán nguồn ngân sách nhà nước được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt.
Đặc biệt, việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được tiến hành thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN các cấp hoặc các đơn vị dự toán cấp II, cấp III. Giám đốc các quỹ và thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp II, cấp III có trách nhiệm cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì tại Kho bạc Nhà nước theo tiến độ xác định trong hợp đồng do cơ quan có thẩm quyền ký với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp chưa có quỹ phát triển KH&CN, Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
Một trong những điểm mới quan trọng của cơ chế tài chính là việc thực hiện khoán chi. Cụ thể, nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí: nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí; dự toán của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định múc kinh tế kỹ thuật theo quy định.
Các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được khoán chi từng phần là nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao, không thể xác định được tiêu chí cụ thể của sản phẩm cuối cùng, cần đáp ứng các tiêu chí: có từng phần công việc xác định được rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu, kết quả, kinh phí thực hiện, được hội đồng KH&CN tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần; dự toán phần công việc được khoán chi của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định.
Để tiếp tục phát triển, có những đóng góp to lớn hơn nữa với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước và hoàn thành sứ mệnh “là động lực then chốt” đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, KH&CN đã đến lúc cần được đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, đặc biệt là cơ chế chính sách tài chính. Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2014 với những đổi mới đột phá chắc chắn sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn NSNN cho nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên