Định hướng phát triển tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay đang đi theo hướng đúng xã hội hóa, mà hướng đúng của xã hội hóa là kết nối được tất cả các bên có liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, áp dụng tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, và trong quá trình thực thi quy chuẩn kỹ thuật.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với độc giả báo Đất Việt khi nói về việc các doanh nghiệp cần chú trọng đến áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ năng suất chất lượng.
PV: Khảo sát trên thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý năng suất chất lượng đạt doanh số cao hơn nhiều so với doanh nghiệp không áp dụng? Vậy thời gian qua, việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đảm bảo an toàn sản phẩm hàng hóa, tổ chức đánh giá sự phù hợp...tại các doanh nghiệp được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đúng như vậy! Các doanh nghiệp chú trọng đến việc áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ năng suất chất lượng, qua khảo sát cho thấy doanh thu, năng suất cao hơn các doanh nghiệp không áp dụng.
Hiện nay, qua việc triển khai Chương trình 712 hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có khoảng hơn 11.500 tiêu chuẩn, với khoảng hơn 54% hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế, do 13 bộ quản lý chuyên ngành, xây dựng, cộng với hệ thống QCVN có khoảng gần 800 quy chuẩn, góp phần tích cực giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý về kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu kinh tế quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cũng cần phải liên tục cập nhật, đổi mới để đáp ứng nhu cầu quản lý hiện tại, nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đây, tiêu chuẩn hóa định hướng vào các sản phẩm cụ thể, nhưng, hiện nay, đối tượng về tiêu chuẩn hóa đã có sự thay đổi nhất định. Nhiều tiêu chuẩn mới được ban hành, không chỉ liên quan đến chất lượng hàng hóa mà còn liên quan đến trách nhiệm xã hội như: SA 8000, TCVN ISO 26000 liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội và cũng quy định rất nhiều về những nội dung kiểm soát quá trình khác.
Định hướng phát triển tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay đang đi theo hướng đúng xã hội hóa, mà hướng đúng của xã hội hóa là kết nối được tất cả các bên có liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, áp dụng tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, và trong quá trình thực thi quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên đối với TCVN, quy chuẩn kỹ thuật, lúc này doanh nghiệp phải có trách nhiệm và thực thi việc đó, phải được hỗ trợ từ nhiều các bên liên quan đặc biệt cơ quan thử nghiệm, cơ quan đánh giá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa ra sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, vừa đáp ứng yêu cầu nhà nước, đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường.
Tiêu chuẩn hóa rất cần cho phát triển bền vững và người chủ doanh nghiệp cần ý thức được điều này. Và cần có giải pháp để áp dụng tiêu chuẩn phù hợp với thực tế doanh nghiệp, tránh việc áp dụng tiêu chuẩn không đúng dễ thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng luôn cần ý thức về sự cải tiến, đổi mới liên tục khi sản xuất sản phẩm của mình sao cho chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
PV: Theo ông, mỗi doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ ra sao trong việc tập trung đẩy mạnh nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa?
- Đầu tiên, để triển khai các dự án nâng cao năng suất chất lượng, điều đầu tiên lãnh đạo công ty phải có cam kết và quyết tâm cải tiến năng suất chất lượng của doanh nghiệp.
Thứ hai, phải chú trọng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đặc biệt xây dựng được đội ngũ nhân lực làm nòng cốt cho các hoạt động sản xuất, cải tiến chất lượng.
Thứ ba, chủ động tìm hiểu các thông tin, các mô hình nâng cao năng suất tiên tiến, nghiên cứu, áp dụng thích hợp với doanh nghiệp mình.
Thứ tư, chú trọng tới việc nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ mới và có những phương án đầu tư, đổi mới thích hợp. Điều này rất quan trọng với doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Thứ năm, xây dựng hệ thống khuyến khích cán bộ nhân viên trong công ty cho các hoạt động đổi mới, cải tiến năng suất, chất lượng.
Hiện nay, Nhà nước đã có các chính sách và nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, doanh nghiệp cần tìm hiểu các thông tin, lựa chọn chương trình thích hợp với điều kiện doanh nghiệp mình, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các trường đào tạo, hiệp hội, để có các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản xuất cho doanh nghiệp.
PV: Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển bền vững doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào các khâu sản xuất và chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Có thể thấy hoạt động đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công nghệ lạc hậu sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp, tiêu hao nguyên vật liệu và năng lượng cao, gây ô nhiễm môi trường và cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm không thỏa mãn nhu cầu của thị trường về giá cả và chất lượng.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức được rằng, yếu tố đổi mới công nghệ trong sản xuất là một vấn đề sống còn. Tuy nhiên, họ vẫn "lực bất tòng tâm". Với nguồn vốn hạn hẹp phần lớn doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp.
Tuy nhiên đến thời điểm này thông tin về cuộc cách mạng công nghệ không còn là mới.. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, đầu tư, hiện đại hóa công nghệ là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy quản lý, phương thức sản xuất, trong đó đầu tư vào khoa học công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất có yếu tố quyết định.
Nắm bắt được xu hướng này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ trong nước đã và đang nỗ lực đầu tư để hiện đại hóa, đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất cạnh tranh.
Đơn cử, thời gian qua, các làng nghề thủ công đã và đang tập trung vào nhiều vào việc triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại đối với tất cả các khâu sản xuất.Sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thị trường trực tiếp cho sản phẩm mình sản xuất ra.
Giới chuyên gia kinh tế vẫn khuyến cáo, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, siêu nhỏ cũng cần phải áp dụng bằng được hệ thống quản trị đạt chuẩn toàn cầu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, vì đây là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp sẽ không thể bước tiếp nếu cứ mãi sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu.
Lê Hà (lược ghi)