Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 03:36 am
Cập nhật : 13/01/2017 , 16:01(GMT +7)
Doanh nghiệp làm giàu từ KH&CN
Bê tông thành mỏng đúc sẵn do Busadco nghiên cứu, chế tạo
Trong danh sách các công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này có duy nhất một đại diện của khối doanh nghiệp. Đó là cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của kỹ sư Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco).

Đây là cụm công trình được nhiều chuyên gia đánh giá là xuất sắc trong việc hình thành, thiết lập hướng nghiên cứu mới, khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Một doanh nhân say mê nghiên cứu

Đến thăm kênh Tham Lương ở thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày hè oi nóng sẽ thấy một không gian mới cho người dân nơi đây, bởi không còn thấy cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu trên bờ hay mùi hôi thối của dòng nước đen ngòm. Đây là kết quả sau khi một đoạn kè mới đã được xây dựng trong chương trình áp dụng thí điểm công nghệ của Busadco về cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, kênh Tham Lương đang chuyển mình.

Tác giả của công nghệ cấu kiện lắp ghép ấy, không ai khác, chính là kỹ sư Hoàng Đức Thảo, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đam mê với những sản phẩm bảo vệ môi trường, doanh nhân Hoàng Đức Thảo còn có biệt danh khá kỳ lạ: Tiến sĩ “chân đất”, Vua cống, Bác sĩ môi trường, Thảo “kè” hay Dũng sĩ diệt mùi hôi.

Xuất phát điểm là một công nhân, vừa làm vừa học vừa nghiên cứu, không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo là tác giả của 19 công trình khoa học, sáng tạo công nghệ mới với 19 sản phẩm công nghệ, đem lại doanh thu cao cho doanh nghiệp của mình. Theo nhận xét của GS.TS. Vũ Đình Phụng (Trường Đại học Thủy lợi), trước kia anh Thảo không phải là người đi học cao siêu gì, nhưng anh là con người “dám làm” và suy nghĩ của anh đều “xuất phát từ thực tế”. Anh biết tận dụng trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực mà anh đang làm – GS.Phụng cho biết.

Bắt đầu từ tháng 9/2003, khi anh được giao quản lý Công ty Thoát nước Vũng Tàu, công ty chỉ có vẻn vẹn 30 người từ nhân viên đến giám đốc. Mỗi ngày công nhân thoát nước đều phải chui vào ống cống, thông tắc theo lối thủ công. Công việc vô cùng nặng nhọc và độc hại. Từ thực tế lao động của nhân viên, từ quãng thời gian làm thợ rồi làm quản lý, được tiếp cận nhiều công trình xây dựng, anh Hoàng Đức Thảo đã quen với một số máy móc nạo vét, dịch chuyển bùn thải từ thấp lên cao. Thế rồi anh ấp ủ ước mơ chế tạo máy kéo bùn.

Về sáng chế này, anh kể lại: “Sáng chế đầu tiên của tôi là cụm tời nạo vét cống ngầm nước thải đô thị. Lúc đó, tôi muốn chủ động kiểm soát được lòng cống ngầm dưới đô thị, cũng để thoát nước nhanh, chống ngập úng và bảo đảm sức khỏe cho người lao động không phải trực tiếp tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm trong lòng cống”.

Một đoạn kênh Tham Lương ngày nay.

Sau thành công này, công ty Busadco đã sản xuất hàng loạt sản phẩm cụm tời nạo vét cống ngầm để cung cấp cho thị trường. Sản phẩm cho công suất gấp 20 lần so với phương pháp thủ công, người lao động được giải phóng khỏi dòng nước thải ô nhiễm. Anh công nhân Nguyễn Sinh Hưng chia sẻ: “Trước kia không có máy, anh em phải chui vô lòng cống, chui ra chui vô rất vất vả. Nay có máy kéo bùn ra nên anh em đỡ vất vả hơn, bớt nhọc nhằn hơn”. Ban đầu, người tin thì ít, kẻ phản ứng thì nhiều, nhưng cuối cùng thì sản phẩm đầu tiên mà anh rất tâm đắc cũng ra tới thị trường.

Một doanh nghiệp KH&CN thực thụ

Được thành lập năm 2003, Busadco là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của cả nước với cơ cấu tổ chức của một công ty TNHH Nhà nước MTV. Góp phần vào sự hình thành doanh nghiệp KH&CN mang tên Busaco, không thể không nhắc đến anh Hoàng Đức Thảo. Busadco còn là doanh nghiệp KH&CN rất thành công khi có nguồn thu từ KH&CN chiếm tới 80% tổng doanh thu của toàn công ty. Một tỷ lệ ấn tượng!

Cho đến nay, Busadco đã nghiên cứu, ứng dụng rất nhiều công trình KH&CN thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Busadco chế tạo thành công bê tông đúc sẵn thành mỏng và đây cũng là đề tài mà anh Thảo cảm thấy dũng cảm nhất, bởi bê tông cốt thép đã có cả trăm năm trên thế giới. Anh quyết định cải tiến để nghiên cứu bê tông cốt thép thành mỏng và huy động các cộng sự vào cuộc. Nếu không thành công, anh sẽ phải trả giá đắt, vừa mất tiền của, vừa bị dư luận lên án. Nhưng cuối cùng anh, may mắn đã mỉm cười với anh.

Nhận xét về sản phẩm độc đáo này, ông Phạm Văn Ka, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: “Khi chuyển sang áp dụng công nghệ bê tông đúc sẵn thành mỏng của Busadco, tôi nghĩ rất phù hợp vì chất lượng cao, hình thức đẹp, dễ dàng vận chuyển, phù hợp với điều kiện nền kinh tế nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đây là tiến bộ kỹ thuật và cũng có chỉ đạo áp dụng rộng rãi, tất nhiên là trên cơ sở cạnh tranh”.

Một nhóm sản phẩm khác được nhiều người biết đến là đê kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. “Chúng tôi rất cần những công nghệ mới đảm bảo kè sông và rất mừng là Busadco đã làm được và ứng dụng ở nhiều nơi, nhất là ở Thái Bình” – lãnh đạo tỉnh Thái Bình khẳng định. Thực tế triển khai ở Thái Bình cho thấy, sau hai cơn bão lớn cuối tháng 7/2016, gần 4 km bờ biển ở xã Tiền Hải (Thái Bình) vẫn đứng vững. Dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng biển với tổng chiều dài gần 4 km cũng là sản phẩm mà Busadco đưa ra ứng dụng thành công.

Bê tông đúc sẵn thành mỏng do Busadco sản xuất.

Theo anh Hoàng Đức Thảo, chỉ sau 4 tháng triển khai kè đê biển, công trình đã hoàn tất. Từng đi khảo sát thực tế của nhiều công trình, anh Thảo cùng các kỹ sư của Busadco đã ngày đêm mày mò nghiên cứu, tìm cách khắc phục những hạn chế của cách làm truyền thống, từ đó cho ra đời giải pháp công nghệ cấu kiện bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển. Việc sử dụng bê tông cốt sợi thay cho cốt thép nhằm tăng khả năng chống xâm thực của nước biển kết hợp với quá trình thi công chủ yếu là lắp ghép nên đã giúp giảm đáng kể khối lượng công việc và thời gian thi công, tận dụng được vật liệu tại chỗ.

Với công trình này, tháng 8/2016, công ty Busadco chi nhánh Thái Bình đã vinh dự đón đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến kiểm tra kết quả xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phòng chống thiên tai ở Thái Bình. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đánh giá “đây là sản phẩm KH&CN có tính ưu việt và đúng là sản phẩm KH&CN đưa ra phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”.

Để ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu khách hàng, Busadco đã mở rộng chi nhánh, xây dựng các nhà máy tại địa phương. Trong 10 năm, Busadco đã có một nguồn nhân lực dồi dào với 750 lao động, 87 kỹ sư. Busadco thực sự là một doanh nghiệp KH&CN điển hình: không dùng ngân sách nhà nước mà dùng kinh phí của doanh nghiệp để nghiên cứu, đưa sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế và từ đó tạo ra doanh thu và hiệu quả kinh tế cao, từ đó có lợi nhuận để tái đầu tư cho nghiên cứu.

Một điểm nữa mang tính nổi trội là những nghiên cứu khoa học của anh Hoàng Đức Thảo và tập thể Busadco luôn mang tính đột phá, có tính ứng dụng cao, được tính toán với xu hướng bảo vệ môi trường, thích ứng với khí hậu của từng vùng miền và theo hướng phát triển bền vững. Gắn với bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu và tâm huyết của doanh nhân này trong suốt thời gian qua.

Ngày đầu thành lập, Busadco chỉ có vốn 10 tỷ đồng với 30 lao động, trong đó chủ yếu là lao động thủ công không được đào tạo chuyên môn, thiếu kỹ sư thoát nước và môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp. Với tâm huyết và sáng tạo của người đứng đầu, đến nay, Busadco đã vươn lên và trở thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực cấp thoát nước và phát triển đô thị. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo và tập thể Busadco đã đem lại hiệu quả lớn cho xã hội, cảnh quan và môi trường cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố khác nói chung. Hiện nay đã có 12 tỉnh, thành phố ban hành quy định về việc áp dụng sản phẩm KH&CN của Busadco./.

Bài, ảnh: Ánh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner