Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN), đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh, cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ và không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Như vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.
Cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp
Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) là một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng và các hợp chất thiên nhiên, các sản phẩm dạng viên nén, viên bao phim, dạng túi cốm, thành phẩm vi sinh vật. Công ty luôn xác định công nghệ cao là một trong những mục tiêu mà họ muốn hướng tới.
Thời điểm năm 2004, cụm từ “thực phẩm chức năng” còn khá mới mẻ ở Việt Nam, Hội đồng quản trị của Công ty IMC đã đi tìm cách tiếp quản công nghệ nước ngoài. Năm 2003 họ đã tìm kiếm được một công nghệ sản xuất ra loại men vi sinh của Mỹ, tuy nhiên do thời điểm đó Việt Nam chưa có Luật CGCN khiến Công ty gặp nhiều lúng túng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IMC cho biết, thời điểm trước năm 2006 khi chưa có Luật CGCN mọi thứ còn “mơ hồ”. Một là, doanh nghiệp có thể chấp nhận mất vì không có ai bảo hộ công nghệ, hai là có thể công nghệ đó bị lạc hậu bản thân doanh nghiệp cũng không biết vì không có hội đồng thẩm định, không có đơn vị giám sát, doanh nghiệp lúc đó như người đi trong bóng tối. Rất may doanh nghiệp cũng thành công.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Kim Liên – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho biết, khi chưa có Luật CGCN, chúng tôi đi mua tài sản trí tuệ chủ yếu dựa vào cảm tính, bằng định giá cơ hội kinh doanh trên thị trường để định giá sản phẩm.
Kể từ 1/7/2007 Luật CGCN chính thức có hiệu lực. Từ đó đến nay, Luật CGCN đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thông qua hoạt động CGCN, một số ngành, lĩnh vực đã tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
“Trong gần 10 năm qua khi thực hiện Luật CGCN, Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương đã giành kinh phí gần 50 tỷ để chuyển giao 15 giống từ viện, trường trong đó có 7 giống từ nước ngoài. Việc chuyển giao này đã tạo diện mạo mới giúp công ty phát triển mạnh mẽ. Nhờ chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã trở thành một trong những công ty lớn nhất trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam”, bà Trần Thị Kim Liên cho biết.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, năm 2006 khi Luật CGCN ra đời, Công ty IMC đã thực hiện CGCN sản xuất vi tảo từ một viện nghiên cứu trong nước, việc CGCN không còn “lúng túng” như trước nữa.
Yêu cầu mới trong quản lý công nghệ
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.
TS. Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Về phát triển thị trường KH&CN, có một số quy định qua thực tế thi hành bộc lộ những hạn chế, một số vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập chưa được giải quyết như quy định về phát triển thị trường công nghệ chưa bao trùm được đầy đủ các vấn đề của thị trường công nghệ gồm tổ chức trung gian, nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ. Đối với phát triển nguồn cung nguồn cầu công nghệ, thiếu các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả từ nhà nước.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, Luật CGCN năm 2006 còn một số hạn chế, chưa hình thành thị trường công nghệ, chưa có môi giới công nghệ, doanh nghiệp muốn tìm thêm nhiều công nghệ khác trước khi quyết định lựa chọn, nhưng chưa tìm được ai giới thiệu, không có ai trình diễn công nghệ cũng như không có tổ chức nào đỡ đầu cho doanh nghiệp.
Về cơ chế phối hợp trong quá trình xem xét, quyết định đầu tư, vấn đề công nghệ chưa được coi trọng đúng mức, nội dung công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư phần lớn rất sơ sài, không đủ cơ sở để xem xét, đánh giá. Đối với công tác quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, thực tế cho thấy chúng ta cần có những điều chỉnh nhất định trong chính sách quản lý của nhà nước. Đây là một thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát thực trạng công nghệ, đặc biệt công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường, phát triển bền vững.
Về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, vấn đề này chưa được quy định cụ thể, đồng bộ, một số quy định về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước trong Luật CGCN không còn phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ.
“Là một doanh nghiệp KH&CN, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương luôn xác định lấy KH&CN làm động lực phát triển, phải liên tục ứng dụng và CGCN, nhanh chóng hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Nhưng vào thời điểm 10 năm trước thì thị trường công nghệ còn chưa rõ ràng, trong Luật CGCN 2006 cũng chưa có quy định về các đơn vị trung gian chuyên trách để thẩm định công nghệ, nên Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã phải tự đưa ra quyết định bằng phán đoán, bằng linh cảm”, bà Trần Thị Kim Liên cho hay.
IMC là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng
“Cùng với đó, sự ra đời của các đạo luật có liên quan (Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014; Luật Thống kê 2015;...) đã khiến một số quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 không còn phù hợp; cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các chế định liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của văn bản”, TS. Đỗ Hoài Nam cho biết.
Tạo hành lang thông thoáng để phát triển
Xuất phát từ thực tế nêu trên, cùng với những hạn chế, bất cập của Luật CGCN trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.
Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) đã sửa đổi về căn bản những vấn đề hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật CGCN. Để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Dự thảo Luật được bổ sung quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó bổ sung thêm loại dự án phải thẩm định công nghệ khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đó là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mà có sử dụng công nghệ.
Về phát triển thị trường KH&CN, dự thảo Luật đã quy định theo hướng tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.
Làm thế nào để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, về vấn đề này, dự thảo Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân...
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, Dự thảo Luật bổ sung quy định về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia.
Việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan quy định trong dự thảo Luật cho thấy đây là một nhiệm vụ không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN mà đòi hỏi các cơ quan có liên quan phải phối hợp chặt chẽ. Qua đó tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác quản lý hoạt động CGCN nhằm bảo đảm mục tiêu thu hút công nghệ, CGCN, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước
Thực tiễn bao giờ cũng đi trước luật pháp, tất cả các luật đều là sự khái quát các hoạt động của thực tiễn. Một thực tế là thực tiễn đang thay đổi rất nhanh, thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp luôn chờ đón những điều luật phù hợp, giải quyết kịp thời những vướng mắc đặt ra của thực tế kinh doanh. Với việc đa số đại biểu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) ngày 19/6 (với 93,28% số phiếu tán thành) thực sự sẽ tạo hành lang thông thoáng trên con đường phát triển cho doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Lê Chi