Từ số vốn ban đầu hơn 30 triệu đồng, sản xuất một loại sản phẩm là men dùng cho tráng sắt, đến nay, Công ty TNHH Silicat Việt An đã có sự phát triển không ngừng về mọi mặt. Giá trị sản xuất hàng hóa từ 600 triệu đồng năm 1999 đến năm 2009 đã đạt 26 tỷ đồng. Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công các đề tài khoa học có tính quyết định đến những thành công đó.
Hiện thực hóa “ước mơ” nghiên cứu thực nghiệm
Với mong ước được thỏa sức nghiên cứu thực nghiệm, thực hiện những ý tưởng đã nghiên cứu khi học đại học ở Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) và hơn 20 năm công tác ở Hợp tác xã Thủy tinh Nam Hải (hiện đã giải thể), chàng kỹ sư trẻ Đoàn Minh Chấn đã quyết tâm thành lập doanh nghiệp Silicat Việt An. “Lúc đó, tôi không có có tiền bạc gì đáng kể, ngoài 30 triệu đồng và vốn liếng kiến thức”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Silicat Việt An Đoàn Minh Chấn chia sẻ.
Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, nhiều khó khăn đã nảy sinh, đặc biệt khi thực hiện các đề tài nghiên cứu KH&CN, cải tiến kỹ thuật sản xuất. Ông tìm đến các nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhờ giúp đỡ, đồng thời xin cộng tác với các nhà chuyên môn. Các chuyên gia của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, Viện Nghiên cứu Sành sứ thủy tinh, Viện Vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ Xạ hiếm,… đã rất nhiệt tình giúp đỡ trong việc trao đổi thông tin, thực hiện đề tài khoa học, cải tiến kỹ thuật,...
Nhờ đó, trong 5 năm, Công ty đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất thêm nhiều mặt hàng như: Kali Silicat, Natri Silicat phục vụ cho sản xuất que hàn điện (mặt hàng Kali Silicat đã thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc); men Frit dùng cho công nghiệp sản xuất gạch ốp lát Ceramic và Granit thay thế một phần cho men nhập khẩu từ Tây Ban Nha và Italia; Ilmenit hoàn nguyên dùng cho công nghiệp sản xuất que hàn điện thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; Oxit sắt đỏ từ xỉ thải của Nhà máy Super phốt phát Lâm Thao; thuốc hàn gốm dùng cho công nghệ hàn hồ quang chìm.
Nhiều đề tài khoa học đã làm lợi hàng tỷ đồng
Ông Đoàn Minh Chấn nhấn mạnh, việc nghiên cứu KH&CN và ứng dụng những kết quả đó vào thực tiễn là nhân tố quyết định đến thành công của Công ty thời gian qua. Có những đề tài nghiên cứu đã tạo ra những sản phẩm chủ lực, làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng. Ví như các loại men Engobe, men phủ trong do dự án sản xuất dùng cho gạch ốp lát Ceramic và Granit đã được người tiêu dùng chấp nhận về giá cả và chất lượng. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu sản xuất men Frit bằng lò quay với nguyên liệu khoáng trong nước. Sở KH&CN Hải Phòng đã cấp kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm 300 tấn. Điều đáng nói là vốn đầu tư cho thiết bị công nghệ chỉ bằng 10% giá trị nhập ngoại và giá bán sản phẩm chỉ bằng 70% giá nhập từ Tây Ban Nha, Italia. Sản phẩm này đã được nhận giải thưởng Vifotec năm 2006.
Dây chuyền sản xuất thủy tinh nước Kali tại Công ty TNHH Silicat Việt An. Ảnh: NH
Cũng xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu sản xuất Ilmenit hoàn nguyên từ sa khoáng và quặng Ilmenit bằng lò tuylen đốt than trực tiếp dùng cho sản xuất que hàn điện” và có sự hỗ trợ của Sở KH&CN Hải Phòng qua việc cấp kinh phí sản xuất thử nghiệm 400 tấn, Công ty đã sản xuất trên 2.000 tấn Ilmenit hoàn nguyên/năm phục vụ cho 90% các công ty sản xuất que hàn điện trên cả nước. Một số công ty sản xuất que hàn điện lớn của Việt Nam như Việt Đức, Kim Tín, Hà Việt, Khánh Hội, Vạn Đạt,… đã dùng 100% Ilmenit hoàn nguyên của Công ty thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Chấn cho biết, vốn đầu tư cho thiết bị công nghệ chỉ bằng 12%, giá thành sản phẩm chỉ bằng 80% so với nhập ngoại.
Sản phẩm thủy tinh nước Kali cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của Công ty. Chúng không chỉ sử dụng cho que hàn điện mà còn dùng cho một số ngành khác như chế tạo sơn màu cho tấm lợp Fibrocement và chế tạo ống dẫn ôxy chịu nhiệt trong lò luyện kim. Hiện nay, sản phẩm này đã được đưa vào sản xuất công nghiệp với khoảng 1.500 – 2.000 tấn/năm với đủ các chủng loại, thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức. Hấu hết các Nhà máy que hàn ở Việt Nam từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam đều sử dụng thủy tinh nước Kali do Công ty sản xuất. Giá bán sản phẩm này chỉ bằng 80% giá nhập khẩu từ Trung Quốc và 70% giá nhập khẩu từ Đức. Được biết, đây cũng là kết quả của đề tài “Nghiên cứu sản xuất thủy tinh nước Kali bằng lò bể nóc kép sử dụng nhiên liệu dầu thực vật dùng cho sản xuất que hàn điện thay thế hàng nhập khẩu” do doanh nghiệp thực hiện.
Ngoài ra, Công ty còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giảm tiêu hao nhiên liệu, tăng năng suất lao động, giảm cường độ lao động và giảm ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường do cạnh tranh được về giá, chất lượng sản phẩm.
Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, nhờ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, doanh nghiệp tư nhân Silicat Việt An đã có sự phát triển bền vững. Ông Đoàn Minh Chấn cho biết, thành công đó tuy mới là bước đầu nhưng đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Silicat Việt An. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Chấn cho rằng, để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và ra thị trường, cần đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhà khoa học cũng cần có tinh thần doanh nhân và ngược lại doanh nghiệp phải phối hợp tốt với nhà khoa học. Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp trong nước dùng sản phẩm nội địa.
Theo ý kiến ông Đoàn Minh Chấn, những nội dung của Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN và Nghị định 96/2010/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 80 và Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập sẽ khuyến khích cho nhiều doanh nghiệp đã, đang hoạt động KH&CN và các doanh nghiệp chưa hoạt động trong lĩnh vực này phấn đấu trở thành doanh nghiệp KH&CN. Những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ như thế là thỏa đáng cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp KH&CN còn gặp khó khăn lớn về vốn lưu động, vốn cho nghiên cứu. Nhiều doanh nghiệp có những ý tưởng hay và có khả năng đạt hiệu quả cao nhưng thiếu vốn nên đành phải nuôi ý tưởng chờ cơ hội.
Trên cơ sở đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ và tổ chức sản xuất bằng chính các công nghệ đó hoặc chuyển giao công nghệ này cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khác để thu lợi nhuận, có thể thấy công ty TNHH Silicat Việt An có nhiều yếu tố để trở thành doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 80. Khi được nhiều ưu đãi theo quy định cho doanh nghiệp KH&CN, cùng với năng lực nội sinh chắc chắn đơn vị sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, đến nay, Công ty đã có sự phát triển không ngừng về mọi mặt. Giá trị sản xuất hàng hóa từ 600 triệu đồng năm 1999 đến năm 2009 đã đạt 26 tỷ đồng. Mặt bằng nhà xưởng từ chỗ phải đi thuê nay đã xây dựng được 2 khu sản xuất có tổng diện tích trên 6.000m2 và 3.000m2 nhà xưởng.
|
Nguyễn Hạnh