Bên cạnh chính sách ưu đãi tốt, một trong những lý do quan trọng khác tác động đến quyết định chọn các khu công nghệ cao làm nơi “an cư” của các doanh nghiệp công nghệ Việt là do nơi đó có sẵn hạ tầng cũng như đủ rộng để xây dựng một không gian làm việc sáng tạo cho nhân viên.
Sức hút từ các khu công nghệ cao
Cuối năm nay, làng phần mềm F-Ville của Công ty FPT Software sẽ chính thức khai trương tại phân khu phần mềm thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Đây là khu văn phòng làm việc được xây dựng theo mô hình campus thứ 3 của FPT Software tại Việt Nam.
Dự kiến tại thời điểm khai trương sẽ có khoảng 1.800 cán bộ nhân viên của FPT Software chuyển địa điểm làm việc từ tòa nhà FPT Cầu Giấy lên F-Ville. F-Ville không chỉ thuần túy là một văn phòng làm việc với trang thiết bị hiện đại mà còn cung cấp cho nhân viên những không gian giải trí, tiện ích, thư giãn như khu thể thao (sân bóng đá, phòng truyền thống, bể bơi…), xem phim, mua sắm, khu nhà ở dành cho chuyên gia, khách hàng hay CBNV công ty ở qua đêm khi công việc yêu cầu...
Hai dự án khác nữa tại khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang được khẩn trương xây dựng để có thể đưa vào sử dụng vào năm sau là dự án Sản xuất pin năng lượng mặt trời; Dự án dây chuyền sản xuất thẻ thông minh… Các dự án trên chỉ là một trong số những dự án của các DN công nghệ Việt đang gấp rút được triển khai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Còn tại Khu Công nghệ Cao TPHCM hiện có gần 30 công ty Việt đang “dồn” về đây, mới nhất có Viện nghiên cứu dầu khí, Công ty Bảo Sơn… Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, doanh nghiệp Việt chiếm 1/5 tổng đầu tư dự án, tức chiếm khoảng 400 triệu USD/hơn 2,1 tỷ USD.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, mặc dù gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng hiện Ban quản lý đã cấp phép đầu tư và bàn giao mặt bằng sạch cho 60 dự án. Trong đó có những dự án của những doanh nghiệp công nghệ có tên tuổi đã và sẽ được đưa vào hoạt động như Viettel, FPT, VNPT, Tinh Vân, BKAV...
Không chỉ là nơi làm việc
Sở dĩ các DN công nghệ Việt lựa chọn các khu công nghệ cao để xây dựng cơ sở làm việc ngoài cơ chế chính sách ưu đãi tốt còn là do tại đây, DN có được một quỹ đất đủ lớn để thiết kế một không gian làm việc đáp ứng được đặc thù riêng của các DN công nghệ. Lý giải rõ hơn về quyết định chọn Hòa Lạc để “an cư”, bà Lương Thanh Bình, Phụ trách truyền thông và Đối ngoại của FPT Software cho biết: “Đặc thù của các DN phần mềm là quy mô nhân lực lớn và cần có một không gian làm việc đem lại sự thoải mái nhất cho nhân viên để họ có thể phát huy được hết khả năng sáng tạo của mình. FPT Software đang đặt ra mục tiêu trở thành DN xuất khẩu phần mềm có quy mô 10.000 lập trình viên. Việc di chuyển lên khu CNC Hòa Lạc là một trong những bước đi quan trọng để FPT Software có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về một không gian làm việc sáng tạo cho nhân viên, đồng thời tiến gần hơn đến mục tiêu trên”.
Cũng cần nói thêm rằng, làng phần mềm F-Ville được kỳ vọng sẽ góp phần nâng vị thế của FPT Software với khách hàng quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất phần mềm và công nghệ thông tin...
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp phần mềm lớn khác tại TPHCM cho biết: “Công ty quyết định đầu tư xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển tại Khu Công nghệ cao TPHCM, nơi có cơ sở hạ tầng tốt, gần trường đại học quốc gia… và quan trọng hơn nơi đây có cộng đồng công nghệ hàng đầu đang hoạt động, sẽ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, quy nô hơn”. Tại Khu Công nghệ cao TPHCM còn thấy sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt tên tuổi với các dự án có quy mô lớn như FPT, HPT Technology, CMC, MK…
Và thực tế còn thấy rõ: “Thực tế số doanh nghiệp Việt muốn vào Khu Công nghệ cao TPHCM không chỉ là con số gần 30 doanh nghiệp đang có mặt tại đây, nhưng do các tiêu tiêu chuẩn khá cụ thể của Khu công nghệ cao với doanh nghiệp Việt nên những doanh nghiệp Việt tại khu là những doanh nghiệp đã qua sự sàn lọc lỹ lưỡng, khả năng phát triển tốt…” ông Lê Hoài Quốc cho biết thêm như vậy.