Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 07:39 am
Cập nhật : 30/11/2013 , 19:11(GMT +7)
Doanh nghiệp KH&CN - khẳng định sức sống cốt lõi bằng đầu tư công nghệ
Ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất đã mang lại hiệu quả vượt trội trong sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) trên tổng số hơn 600 nghìn DN của cả nước. Các DN này không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội và GDP của đất nước. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhưng những DN KH&CN vẫn tìm thấy đường đi cho riêng mình.

Chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ

Để được công nhận là DN KH&CN, các đối tượng thành lập DN KH&CN phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin - truyền thông, đặc biệt nhất là công nghệ phần mềm tin học; Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản và y tế; Công nghệ tự động hoá; Công nghệ vật liệu mới, đặc biệt công nghệ nano; Công nghệ bảo vệ môi trường; Công nghệ năng lượng mới; Công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định. Chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ nói trên…

Theo báo cáo của Cục phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ trên phạm vi toàn quốc tổ chức ở Quảng Ninh mới đây, đến nay cả nước đã có 87 DN KH&CN đã được cấp giấy chứng nhận, số lượng hồ sơ chưa giải quyết đã lên tới 160 hồ sơ. Số doanh nghiệp này thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như rất ít thấy doanh nghiệp nào quy mô lớn.

Mặc dù nhỏ nhưng các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điển hình như một số doanh nghiệp đã thành lập cả Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động R&D. Nhiều doanh nghiệp không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường như Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP giống cây trồng Trung ương… Một số doanh nghiệp đã hướng hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ.

Các doanh nghiệp cũng chú trọng vào xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như Công ty Ngân Hà đã có 12 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp trong nước và quốc tế, 8 đơn đăng ký sáng chế đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Công ty CP KHCN An Sinh Sanh lại có 8 bằng độc quyền sáng chế được đăng ký trong nước và quốc tế. Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 17 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình đăng ký bảo hộ quyền 15 giống cây trồng và hơn 30 nhãn hiệu…

Số lượng còn khiêm tốn

Theo ông Mai Văn Nhiều – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Long An, nhiều chính sách của nhà nước dành cho DN KH&CN nhưng có vẻ không dễ dàng gì khi áp dụng. Không ít doanh nghiệp khi tiếp xúc hồ sơ thành lập tỏ thái độ e ngại trước những khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp phải xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó phải chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả KH&CN, giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ các kết quả KH&CN có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp. Có các trở ngại về hưởng ưu đãi thuế, các nguồn chi đầu tư cho KH&CN, đòi hỏi một quy trình thủ tục khó khăn, không đơn giản.

Hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển nhưng lại không đủ sức đầu tư và theo đuổi bài bản. Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chứa đựng nhiều rủi ro, không phải trong thời gian nắng có thể mang lại hiệu quả. 

Thiếu thông tin, cơ hội tiếp xúc, nắm bắt công nghệ mới, cơ hội hợp tác với các tổ chức KH&CN nước ngoài, thị trường KH&CN còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển giao tri thức công nghệ, phí cao... là những rào cản các DN KH&CN phải đối mặt.

Theo báo cáo của Sở KH&CN Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2013 đã có 12 DN KH&CN được cấp giấy chứng nhận, chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 sẽ có 150 DN KH&CN, do vậy con số trên tính đến nay thực sự chưa xứng với tiềm năng bởi Hà Nội là một trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước có số DN KH&CN đông nhất nhưng số doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn của nhà nước mới chỉ có duy nhất một đơn vị. Số doanh nghiệp còn lại thực hiện nghiên cứu bằng nguồn vốn của chính tổ chức đó hoặc được chuyển giao từ các tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, các DN KH&CN được chứng nhận đều thuộc doanh nghiệp mới, không có doanh nghiệp nào thuộc đối tượng chuyển đổi từ tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định 115.

Ông Nguyễn Thành Vinh – PGĐ Sở KH&CN Hòa Bình phân tích, gần 8 năm sau khi văn bản đầu tiên về DN KH&CN ra đời, nhiều chính sách đi theo nhưng đến nay số lượng DN KH&CN còn rất khiêm tốn. Điều đó chứng tỏ hệ thống văn bản tuy đủ nhưng khă năng thực thi vào đời sống, áp dụng tại địa phương còn hạn chế. Thiếu hàng loạt các cơ chế phối hợp với các bộ ngành liên quan.

Còn ông Phạm Công Khanh – PGĐ Sở KH&CN Phú Thọ lại cho biết, trên 3.000 doanh nghiệp mà tỉnh này có, chỉ có 2 doanh nghiệp được chứng nhận là DN KH&CN. Việc phát triển DN KH&CN khó khăn do không đáp ứng đủ điều kiện được chứng nhận. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu nên không quan tâm đăng ký và điều này cũng là một nguyên nhân để không đủ điều kiện chứng nhận DN KH&CN...

Đầu tư cho KH&CN là yếu tố quyết định việc “thoát hiểm” đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Tiếp tục “vượt sóng”

Anh hùng lao động, TS. Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) cho biết, ông cùng với gần 800 cộng sự đã tạo ra được 30 công trình nghiên cứu khoa học và giải pháp hữu ích, sáng tạo được những công nghệ mới ở 3/5 lĩnh vực KH&CN. Trong đó có 23 công trình đã và đang ứng dụng, được Bộ KH&CN cấp 17 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 16 tiêu chuẩn Việt Nam. Bộ Xây dựng cấp 5 giấy chứng nhận công nghệ phù hợp cho phép áp dụng toàn quốc. Thị trường sản phẩm KH&CN của Busadco không những phủ khắp 48/63 tỉnh thành trong cả nước mà 12 địa phương đã ban hành chủ trương áp dụng công nghệ Busadco trên địa bàn.

Theo ông Trần Mạnh Báo – TGĐ Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC), trong 10 năm qua, TSC đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp bộ và cấp doanh nghiệp. TSC đã nghiên cứu, lai tạo hàng ngàn cặp lai mới, thu thập và bảo tồn hàng ngàn vật liệu quý, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới từ khắp nơi trên thế giới và trong nước gửi đến. Đặc biệt đã được công nhận 9 giống cây trồng quốc gia, đó là các giống lúa TBR -1, TBR 36, TBR45, TBR 225, BC15, Dưu 527, CNR36, Thái Xuyên 111 và giống lạc TB25...

Những giống lúa mới mà TSC nghiên cứu và ứng dụng đã góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể như tại xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, liên tiếp trong 5 năm gần đây đã gieo cấy 98% giống lúa BC15 của TSC với diện tích 517 ha, năng suất cả năm là 15 tấn/ha.

Một câu chuyện khác của ông Trịnh Đình Năng – Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long lại cho thấy sức sống mãnh liệt của DN KH&CN trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Ông Năng cho biết, sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao do ông và các cộng sự làm ra đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Theo tính toán của Cục bảo vệ môi trường – Bộ Y tế, rác thải y tế trung bình một ngày của cả nước từ 40 – 70 tấn. Chi phí 50.000 đồng/1kg rác sẽ tiêu tốn ít nhất 2 tỷ đồng. Nhưng với công nghệ lò đốt rác thải y tế công nghệ cao chỉ tiêu tốn 200 triệu/ngày và nếu áp dụng cả năm có thể tiết kiệm được tới gần 900 tỷ đồng...

Những ví dụ nói trên chỉ là số ít trong hàng trăm câu chuyện khác nhau về sự năng động, sáng tạo của các DN KH&CN để tạo ra các sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao. Sự phát triển của DN KH&CN thời gian qua dù còn nhỏ lẻ nhưng đã góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt. Qua đó nâng cao thu nhập người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của tình hình kinh tế hiện nay, các DN KH&CN lại gặp thêm khó khăn từ cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện. Tháo gỡ khó khăn chung và khó khăn từ cơ chế đặc thù điều cần làm ngay để các DN KH&CN yên tâm “vượt sóng”.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp 



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner