Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 19/04/2025 , 12:06 am
Cập nhật : 05/04/2013 , 14:04(GMT +7)
Doanh nghiệp KH&CN: Chờ sự thay đổi từ chính sách vĩ mô
Toàn cảnh tọa đàm
Thắng thắn nhìn nhận thực trạng phát triển doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam còn hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chính sách. Buổi tọa đàm “Doanh nghiệp KH&CN trong đổi mới sáng tạo” do Bộ KH&CN tổ chức tại Bình Dương mới đây đã tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, và các nhà quản lý, DN… nhằm tìm giải pháp giúp khắc phục hạn chế trong năng lực đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN Việt Nam hiện nay. Truyenthongkhoahoc.vn xin trích đăng một số ý kiến tại buổi tọa đàm.

Ông Hoàng Đức Thảo- TGĐ công ty cấp thoát nước Bà Rịa- Vũng Tàu (Busadco)

Nghiêm cấm bao cấp đầu vào nhưng hỗ trợ đầu ra

Những vướng mắc của doanh nghiệp khoa học công nghệ như chúng tôi chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách. Có thể vì dụ như vấn đề định giá công nghệ. Hiện nay chưa có một tổ chức có uy tín, có tư cách pháp nhân làm được điều này, đặc biệt là định giá sở hữu trí tuệ. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp bởi muốn liên doanh liên kết thì phải định giá được công nghệ vì nó liên quan đến chuyển giao công nghệ, góp vốn cổ phần. Vấn đề nữa chính sách hỗ trợ. Theo quan điểm của tôi, nên nghiêm cấm bao cấp đầu vào nhưng hỗ trợ đầu ra như đặt hàng của Nhà nước, các dự án dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bắt buộc sử dụng công nghệ, sản phẩm trong nước. Mặc dù Nhà nước cũng có Nghị định 80, thông tư 60…trong đó có nhắc đến việc hỗ trợ thuế, vốn, đất cho doanh nghiệp KH&CN nhưng đề nghị Bộ KH&CN đánh giá, những doanh nghiệp nào đã được hưởng lợi từ chính sách này? Tôi nghĩ là rất ít.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải bằng cách vắt sức của công nhân

Phải thẳng thắn rằng, trong 37 năm làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi đã thất bại trong việc tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với lực lượng KH&CN. Trong số 400 viện nghiên cứu của Nhà nước, hiện có rất ít các viện tạo ra được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mà các doanh nghiệp đòi hỏi. Chúng ta cũng có nhiều đáng tự hào như gạo, caphe, hồ tiêu… xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng về chất lượng và giá cả so với các quốc gia khác còn kém xa. Thế nên, cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải bằng cách vắt sức của công nhân, lao động giá rẻ đang còn là bài toán đau đầu.

GS Võ Xuân Tòng, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo

Phải làm chính sách KH&CN với tầm nhìn “chuỗi giá trị gia tăng”

Nhà nước nên tập trung tạo ra những mô hình điểm như Samsung của Hàn Quốc, Sony của Nhật Bản… Cách đầu tư của Nhà nước cho KH&CN đa phần mang tính dàn trải và manh mún như hiện nay khiến các doanh nghiệp khó tận dụng được kết quả nghiên cứu. Vì vậy, Bộ KH&CN phải là cơ quan đóng vai trò thẩm định, xâu chuỗi các kết quả nghiên cứu, nhằm xây dựng được quy trình nghiên cứu và phát triển đạt tới sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng cao nhất. Tôi cho rằng không chỉ Bộ KH&CN mà bản thân Chính phủ phải làm chính sách KH&CN với tầm nhìn ‘chuỗi giá trị gia tăng’ như vậy, ví dụ như có thể học tập kinh nghiệm chiến lược phát triển ngành sản xuất dầu cọ ở Malaysia.

PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu trong nước

Trước mắt Nhà nước nên hướng tới hỗ trợ những thương hiệu mạnh sẵn có trong nước, nhằm giúp những thương hiệu này vươn ra toàn cầu. Đồng thời, cần thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu trong nước bằng cách: chính sách giáo dục đào tạo phải gắn với mục tiêu của chính sách phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có mục tiêu quan trọng là đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; đặt ra yêu cầu những doanh nghiệp và tổ chức nhập khẩu công nghệ phải có lộ trình tiến tới làm chủ công nghệ được nhập khẩu; có chính sách động viên khuyến khích mọi ý tưởng công nghệ hữu ích, kể cả những ý tưởng ‘Hai Lúa’, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường động lực đổi mới sáng tạo trong toàn dân.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty CP Giải pháp Tin học Tích hợp Mở - iNet Solutions

Sáng tạo để tồn tại

Nếu chỉ làm thuê cho nước ngoài mà không tự mình sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ trong nước sẽ chỉ là những người thợ gia công, không bao giờ theo kịp đà phát triển công nghệ của thế giới, và khoảng cách về công nghệ giữa trong nước với quốc tế sẽ ngày càng lớn, khiến dân tộc chúng ta lụn bại đi. Nhưng nếu tự mình sáng tạo và phục vụ đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp sẽ có sức sống để tồn tại, từ đó có thể tìm kiếm cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.

 

  TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chiến lược KH&CN phải là chiến lược trục chính của phát triển kinh tế xã hội

Muốn phát triển phải có cạnh tranh, nếu không KH&CN không có động lực nào để phát triển, doanh nghiệp không có động lực để đổi mới. Từ góc nhìn KH&CN như một động lực dẫn dắt sự phát triển đất nước, cần phải đổi mới ngay từ tư duy. Thứ nhất chiến lược KH&CN phải là chiến lược trục chính của phát triển kinh tế - xã hội chứ không đi bên cạnh như hiện nay được. Hiện nay Nhà nước làm việc của thị trường quá nhiều, dùng biện pháp hành chính quá nhiều. Xin đưa ra hình ảnh để minh họa: một cơ thể mà cái tay làm thay việc cái chân là hỏng. Đổi mới sáng tạo phải là động lực đương nhiên thành cơ chế bình thường. Để thoát khỏi tụt hậu, cần có hệ thống chính sách công khai, minh bạch.

Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM

Xác định nhóm nghiên cứu trọng điểm

Người làm nghiên cứu cần phải chuẩn bị tâm thế đó là đến tận doanh nghiệp chào bán sản phẩm và nếu doanh nghiệp từ chối cũng là bình thường vì họ có quyền. Hãy xem họ là khách hàng, mình là người đi bán sản phẩm chứ không phải là một tiến sĩ hay giáo sư. Có xác định được như vậy thì mới đem sản phẩm nghiên cứu vào đời sống được. Chúng tôi cũng mong muốn với nghiên cứu ứng dụng, Bộ KH&CN xác định được những nhóm nghiên cứu trọng điểm chứ không phải nhìn vào các trường lớn hay các chức vị lớn. Trong nhóm nghiên cứu, phải có một người lãnh đạo vừa là nhà khoa học nhưng cũng phải có tầm nhìn của một nhà kinh doanh.


Minh Châu
(ghi)
Ảnh: Quốc Trung



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner