Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Thứ sáu, 22/11/2024 , 11:41 pm
Cập nhật : 13/10/2010 , 11:10(GMT +7)
Đồ chơi trẻ em: An toàn là tiêu chuẩn số 1
(Ảnh: kittyland)
Vụ đồ chơi đĩa bay của Trung Quốc bán tại Việt Nam có chứa độc chất Phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến 5.000 lần, một lần nữa nhắc mọi người lưu ý tới việc quản lý chất lượng đồ chơi...

Trung Quốc hiện đang chiếm tới 75% sản lượng đồ chơi thế giới. Tuy nhiên, đồ chơi xuất khẩu của Trung Quốc là đối tượng thường xuyên bị thu hồi với số lượng lớn, do không đảm bảo chất lượng hay có nguy cơ không an toàn... Xin trích giới thiệu đến bạn đọc tư liệu "An toàn đồ chơi trẻ em: Quy định, quy chuẩn của một số nước trên thế giới" do Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ quốc gia biên soạn.

Tựa và các tựa nhỏ trong bài được đặt lại do biên tập.

Một công trình nghiên cứu gần đây của Hội đồng Quốc tế về các ngành Công nghiệp Đồ chơi (ICTI) đã chỉ ra rằng thị trường đồ chơi thế giới đang liên tục tăng trưởng. Dự kiến vào năm 2010, doanh thu đồ chơi trẻ em trên toàn thế giới có thể sẽ lên đến 86,4 tỷ USD, tăng với tỷ lệ 14% kể từ năm 2008.

Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất và xuất khẩu đồ chơi lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Đồ chơi Trung Quốc cho thấy hơn 8.000 các hãng chế tạo đồ chơi  ở Trung Quốc đang sản xuất ra hơn 30.000 loại đồ chơi trẻ em. Các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu đồ chơi của Trung Quốc năm 2005 đạt tổng số 15,18 tỷ USD.

Trung Quốc: Sản xuất nhiều đồ chơi, nhưng chất lượng kém

Mới đây, Phòng thí nghiệm TUV Rheinland (có văn phòng đại diện tại Việt Nam) đã công bố kết quả xét nghiệm đối với đồ chơi đĩa bay UFO (Trung Quốc) đang lưu hành tại Việt Nam cho thấy: hàm lượng các chất Phthalates chứa trong sản phẩm vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến 5.000 lần. Đây là chất rất độc hại, có thể ảnh hưởng đến hormon và gây hại đến thai nhi, gây đột biến, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận… (Tổng hợp thông tin từ các báo trong nước)
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Sản phẩm công nghiệp nhẹ và Mỹ nghệ Trung Quốc (CCCLA), Trung Quốc hiện đang chiếm tới 75% sản lượng đồ chơi thế giới. Đồ chơi của Trung Quốc được xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác trên thế giới. Tỉnh Quảng Đông là nhà xuất khẩu đồ chơi lớn nhất Trung Quốc, chiếm tới 60% tổng trị giá xuất khẩu đồ chơi của nước này.

Trung Quốc là một thị trường đồ chơi lớn, có hơn 300 triệu trẻ em dưới 14 tuổi, một phần tư sống ở các vùng thành thị. Theo dự báo của ngành công nghiệp đồ chơi Trung Quốc, thị trường đồ chơi nước này sẽ tăng trưởng 40% mỗi năm trong vài năm tới để đạt được con số 100 tỷ NDT (12,5 tỷ USD) vào năm 2010.

Mỹ là nước nhập khẩu đồ chơi Trung Quốc lớn nhất, tiếp đến là EU. Mỹ và EU chiếm đến 70% hàng xuất khẩu đồ chơi của Trung Quốc. Tuy nhiên, đồ chơi do Trung Quốc sản xuất không có được danh tiếng tốt nhất. Nhiều loại không đạt tiêu chuẩn hoặc bị coi là sản phẩm của những nhà máy "bóc lột nhân công".

Trước mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng liên quan đến chất lượng và độ an toàn của đồ chơi trẻ em, các nước nhập khẩu đồ chơi của Trung Quốc và bản thân Trung Quốc cũng bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn mới, nghiêm ngặt hơn về độ an toàn.

Bắt đầu từ ngày 1/6/2007, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng Hệ thống Chứng nhận Bắt buộc Quốc gia (CCC), theo đó chỉ có những đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn CCC mới được phép bán ra tại các thị trường trong nước và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.

Bộ Thương mại nước này cảnh báo, các nhà sản xuất đồ chơi trong nước có thể phải đối mặt với những khó khăn hoặc những giảm sút xuất khẩu các sản phẩm của họ do không đáp ứng được các yêu cầu mới. Họ cũng dự kiến rằng ngành công nghiệp đồ chơi trong nước sẽ phải trải qua một sự tái cơ cấu với việc đáp ứng nhiều tiêu chuẩn bắt buộc trong nước cũng như của nước ngoài hơn.

Theo các nhà phân tích, hầu hết các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc không có thương hiệu riêng của mình, thông thường họ chỉ là các nhà chế tạo thiết bị ban đầu (Original equipment Manufacturers - OEM), những người này làm ra sản phẩm sau đó bán ra nước ngoài dưới nhãn mác của một công ty nước ngoài.

Đồ chơi là một trong những yếu tố giúp hình thành nhân cách trẻ, sự vô tình của cha mẹ, lợi nhuận của nhà cung cấp và sự buông lỏng của quản lý nhà nước sẽ ảnh hưởng lớn tới nhân cách và hành vi của thế hệ trẻ.
Mặc dù giá cả của nhiều đồ chơi xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn so với mức trung bình và thấp hơn nhiều so với đồ chơi xuất khẩu từ Nhật Bản, nhưng nhiều nước nhập khẩu đồ chơi hiện nay đang ngày càng có nhu cầu cao về loại đồ chơi công nghệ cao, trong đó có các trò chơi điện tử và đồ chơi mang tính giáo dục. Tuy nhiên, hầu hết các nhà chế tạo đồ chơi Trung Quốc đã không theo kịp được xu thế này. Trong số đồ chơi của Trung Quốc xuất sang EU năm ngoái (2008), có hơn 80% là đồ chơi truyền thống còn đồ chơi công nghệ cao chỉ chiếm chưa đến 5%.

Đồ chơi xuất khẩu của Trung Quốc là đối tượng thường xuyên bị thu hồi với số lượng lớn, do không đảm bảo chất lượng hay có nguy cơ không an toàn. Từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 9 năm 2006, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm đến 48% số lượng tiêu huỷ sản phẩm của Mỹ và ở châu Âu cũng ghi nhận được một tỷ lệ tương tự. Năm 2007 được coi là "năm thu hồi" đối với đồ chơi Trung Quốc.

Hàng triệu đồ chơi trẻ em, bao gồm cả các loại đồ chơi của các hãng nổi tiếng như Thomas, Tank Engine và Barbie đã bị thu hồi trong năm 2007 và hầu hết trong số đó là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng trong năm 2007, 25 triệu đồ chơi trẻ em sản xuất tại Trung Quốc đã bị thu hồi tại Mỹ.

Nguyên nhân dẫn đến thu hồi chủ yếu là do đồ chơi tiềm ẩn các mối nguy hiểm như độ chì độc hại trong lớp sơn phủ vượt quá mức cho phép, hay các đồ chơi từ tính với các bộ phận nhỏ lỏng lẻo dễ gây nguy hiểm và các đồ chơi dễ gây hóc, tắc cổ họng ở trẻ nhỏ.

Kể từ ngày 1/6/2007, với việc ban hành hệ thống chứng nhận bắt buộc, các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi và nếu không được cấp chứng nhận thì không được xuất ra khỏi nhà máy, bày bán hay nhập khẩu vào Trung Quốc.

Việt Nam: Thị trường đồ chơi bị hàng ngoại lấn lướt

Việt Nam đang được xem là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê về mức sống hộ gia đình năm 2006, với tổng dân số lên đến 85 triệu người, tỷ lệ trẻ (0 - 14 tuổi) chiếm tới 36%. Bên cạnh đó, mức sống của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, các hộ gia đình có điều kiện hơn để mua sắm cho con cái.

Chính vì vậy, đồ chơi trẻ em được bán từ các chợ quê ở những vùng nông thôn đến các siêu thị, trung tâm thương mại hay vô số những cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ trong các ngõ ngách phố phường. Mỗi đứa trẻ ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thường sở hữu rất nhiều đồ chơi và được “nâng cấp” qua mỗi lần sinh nhật, hay dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6.

Trước đòi hỏi thực tế, thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số công ty sản xuất đồ chơi trong nước, nhưng đa phần là doanh nghiệp tư nhân, tồn tại trong trạng thái hỗn độn, mang tính manh mún, sơ sài và tự phát. Nhìn một cách toàn diện, thị trường đồ chơi trong nước đang và sẽ có nhu cầu rất lớn do mức sống người dân ngày một cao, nhưng các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em ở Việt Nam lại không đáp ứng được nhu cầu đó. Khi đem so sánh mọi phương diện, từ ý tưởng, mẫu mã, công nghệ, vốn... Việt Nam đều không so sánh được với các nước trên thế giới. Các sản phẩm đồ chơi truyền thống, một lợi thế, lại không được tận dụng. 

Trong khi đồ chơi "made in Vietnam" chỉ giữ một vị trí khiêm tốn thì ngược lại, với mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, đồ chơi nhập ngoại đang chiếm ưu thế vượt trội trên thị trường nước ta, đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, năm 2008, tổng số đồ chơi được đăng ký kiểm tra chất lượng là 1.030, trong đó, có 904 lô có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 87,77%). Tất cả các lô hàng đồ chơi này đều đạt chất lượng nhập khẩu theo TCVN 6238-3-1997, trong đó 180 lô đạt yêu cầu về chất lượng và ghi nhãn, 801 lô đạt chất lượng nhưng không thống kê về ghi nhãn, 49 lô đạt về chất lượng nhưng không ghi nhãn phụ.

Tuy nhiên, con số trên chưa phản ánh đúng hiện trạng đồ chơi nhập khẩu ở nước ta, còn một lượng lớn đồ chơi ngoại lưu thông trên thị trường do những nguồn nhập khẩu bất hợp pháp.

Đồ chơi nhập khẩu của các hãng có tên tuổi, nhập bằng con đường chính ngạch chỉ bán tại một vài siêu thị và cửa hàng lớn. Những đồ chơi này có giá rẻ nhất cũng từ vài trăm nghìn, chủ yếu là hàng triệu đồng. So mức thu nhập của phần lớn người Việt Nam, đây là những đồ chơi xa xỉ. Hàng giờ thế hệ tương lai của đất nước vẫn phải chơi với những thứ đồ chơi độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Đồ chơi an toàn quá đắt so với thu nhập của người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồ chơi nhập lậu kém chất lượng, mang tính bạo lực, thiếu giáo dục… tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài những đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang được bày bán công khai trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc; được sản xuất từ các loại nhựa, phủ bên ngoài bằng các lớp sơn sặc sỡ, một số lớp sơn phủ còn dễ thôi nhiễm ra tay khi sử dụng; một số đồ chơi sử dụng pin điều khiển bằng vô tuyến như máy bay, các vật bay không có thông tin hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn...

Các loại đồ chơi thường thiếu các thông tin bắt buộc, phổ biến là không có nhãn phụ, hoặc có nhãn nhưng thiếu một trong các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn, như chỉ ghi xuất xứ vùng lãnh thổ, quốc gia mà không ghi rõ địa chỉ nhà sản xuất, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không ghi cảnh báo an toàn, không có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn về lứa tuổi sử dụng; còn lập lờ về ghi nhãn đối với nhóm tuổi sử dụng để tránh sự kiểm tra theo Danh mục hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.

Không những chất lượng kém, chứa nhiều nguy cơ tổn hại đến sức khoẻ mà những đồ chơi không có định hướng giáo dục, mang tính chất bạo lực vẫn được bày bán công khai trên thị trường như súng bắn máu, súng bắn laze, mặt nạ kinh dị, ma quái…

Đồ chơi là một trong những yếu tố giúp hình thành nhân cách trẻ, sự vô tình của cha mẹ, lợi nhuận của nhà cung cấp và sự buông lỏng của quản lý nhà nước sẽ ảnh hưởng lớn tới nhân cách và hành vi của thế hệ trẻ. 


An toàn đồ chơi là nhằm đảm bảo sự an toàn đồ chơi được thiết kế cho trẻ em thường là thông qua việc áp dụng một loạt các tiêu chuẩn an toàn. Tại nhiều nước, mặt hàng đồ chơi thương mại cần phải trải qua những kiểm nghiệm về an toàn trước khi được đem ra bán trên thị trường. Ở Mỹ, một số loại đồ chơi cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, trong khi cũng có những đồ chơi chỉ phải đáp ứng một tiêu chuẩn an toàn nhất định nào đó. Tại các nước có áp dụng các tiêu chuẩn, sự tồn tại của các tiêu chuẩn để nhằm tránh các tai nạn xảy ra, nhưng vẫn có những đợt thu hồi sản phẩm rộng rãi sau khi có những vấn đề về an toàn xảy ra. Mục đích của tiêu chuẩn về an toàn đồ chơi là để hạn chế đến mức tối đa các mối nguy hiểm tiềm tàng, ví dụ như bị nghẹn tắc hay nguy cơ cháy có thể gây thương tích. Trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi rất nhỏ thường cho đồ chơi vào miệng, vì vậy vật liệu được dùng để chế tạo đồ chơi cần được quy định để phòng tránh sự nhiễm độc. Các vật liệu còn được quy định để đề phòng các nguy cơ bốc cháy. Trẻ em còn chưa được học để biết thế nào là an toàn và thế nào là nguy hiểm, và các bậc cha mẹ cũng không thể lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra, vì vậy sự cảnh báo và các quy định là điều quan trọng đối với đồ chơi trẻ em.

 

 

ĐV


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner