Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và một số đơn vị liên quan đang xây dựng Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Đề án) sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10.2012. Để hiểu rõ hơn về những nội dung sẽ đưa ra trong dự thảo Đề án, phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Tổ phó Tổ Biên tập Đề án.
Được biết, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN vừa qua đã đến khảo sát tình hình ứng dụng KH&CN tại các Bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… Qua khảo sát, đánh giá của ông về đóng góp của KH&CN với đời sống, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội như thế nào?
- Qua quá trình khảo sát, có thể thấy KH&CN đã có những đóng góp rất tích cực vào đời sống, sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhiều đơn vị đã “sống khỏe” nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như Tập đoàn Viễn thông quân đội Vietel, cách đây hơn 10 năm, Tập đoàn ra đời với số vốn 2 tỷ đồng nhưng đến năm 2011, doanh thu đã tăng lên 116.000 tỷ đồng. Hiện, Vietel có 26.000 cán bộ công nhân viên với mức lương trung bình từ 12 – 17 triệu đồng/người/tháng. KH&CN đã đóng góp chủ đạo vào sự thành công đó, giúp doanh nghiệp đi bằng chính đôi chân của mình. Hiện mỗi năm, Tập đoàn dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Hoặc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bóng đèn, vật tư thiết bị điện, dụng cụ chiếu sáng, sản phẩm thủy tinh… Nhờ đầu tư phát triển KH&CN, công ty đã có mức tăng trưởng bền vững suốt 22 năm qua. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu khốc liệt, doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng kỷ lục 27% – 28%. Doanh số đã tăng từ 60 tỷ đồng năm 2006 lên 180 tỷ năm 2011, thu nhập của cán bộ nhờ đó tăng từ 2,5 triệu/người/tháng lên 7,9 triệu/người/tháng với cùng thời gian. Với doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, hàng năm công ty luôn dành từ 20 – 30 tỷ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Các nhà khoa học của công ty và trường Đại học Nông nghiệp I, Đại học Bách Khoa đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại đèn phóng điện áp suất thấp và đèn LED có phổ và cường độ ánh sáng phù hợp với các yêu cầu về quang hợp, quang hình thái và quang kỳ của cây trồng. Tùy từng loại cây, mô hình trồng (nhà lưới, nhà kính, phòng nhân giống…) các nhà khoa học nghiên cứu ra hệ thống chiếu sáng tối ưu là đèn compact với các bước sóng, hệ số chiếu sáng khác nhau. Sử dụng loại bóng đèn này, người trồng cây có thể tiết kiệm được từ 35 – 51% điện năng so với dùng bóng đèn dây tóc hoặc đèn huỳnh quang với ballast sắt từ. Công nghệ này đã được áp dụng tại các vùng trồng thanh long, hoa cúc, hoa hồng...
Có thể khẳng định, nếu đầu tư cho KH&CN, biết thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN và trân trọng các nhà khoa học đang công tác và đã nghỉ hưu, các đơn vị nhất định sẽ thành công.
Trong chuyến khảo sát, vấn đề chảy máu chất xám có được đặt ra không thưa ông? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và cũng có đề cập đến trong buổi làm việc với các đơn vị. Vấn đề này đã được đưa ra từ rất lâu, nhưng đến giờ cũng nên thay đổi quan điểm. Chúng ta đừng nghĩ cán bộ ra nước ngoài là mất người giỏi, người tài mà phải làm thế nào để người Việt Nam ở bất kỳ đâu đều có trách nhiệm và có tâm hướng về đất nước, làm những điều có lợi cho đất nước. Ở nước ngoài, họ có điều kiện và cơ hội tiếp cận các nền văn minh, nguồn thông tin, kinh nghiệm quốc tế và có khả năng tập hợp đội ngũ cán bộ của nước ngoài cũng như trí thức Việt Nam cùng góp sức xây dựng đất nước. Đó mới là điều quan trọng. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước đã và đang thực hiện.
Ngành khoa học hiện nay đang gặp những khó khăn chủ yếu nào thưa ông?
- Nước ta thu nhập còn thấp, mới vượt ngưỡng 1000USD/người/năm. Đầu tư cho KH&CN không nhiều. Hiện, đầu tư của nhà nước dành cho KH&CN chỉ được 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN. Đến năm 2011, kinh phí đầu tư phát triển và nghiên cứu vào khoảng 13.000 – 14.000 tỷ đồng. Đây là con số rất ít ỏi. Ngành KH&CN do vậy còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó còn có các khó khăn do cơ chế quản lý, chính sách. Cụ thể, khoảng 40% kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN không phải do Bộ KH&CN – đơn vị quản lý nhà nước về KH&CN trực tiếp quản lý. Vì thế, hiện đã có tình trạng kinh phí đưa về các ngành, địa phương lẽ ra phải được đầu tư cho KH&CN, mua thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm cho các cơ sở nghiên cứu nhưng lại bị chuyển sang xây trường học, bệnh viện. Việc này không nhiều nhưng cũng là một điều bất cập trong phân cấp và cơ chế quản lý KH&CN.
Kinh phí đầu tư cho KH&CN không nhiều nhưng đầu tư đôi khi còn dàn trải, chưa tập trung phát triển từng nhiệm vụ, sản phẩm cần thiết, mũi nhọn đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nhiều nhà khoa học phàn nàn rằng sự phức tạp, rối rắm của cơ chế tài chính hiện nay khiến họ buộc phải nói dối. Để hợp thức hóa các chứng từ cho một đề tài nghiên cứu, họ buộc phải bịa ra các chuyên đề, có những đề tài làm vài chục chuyên đề. Trong khi thực tế chỉ cần nhiều nhất từ 15 – 20 chuyên đề. Thủ tục thanh quyết toán tài chính cũng rất mệt mỏi. Có nhà khoa học nói rằng, nghiên cứu khoa học không ngại bằng việc làm thủ tục thanh quyết toán tài chính.
Trước những khó khăn chung của đại đa số các nhà khoa học về cơ chế tài chính, Bộ KH&CN đã có những giải pháp nào để giúp nhà khoa học yên tâm cống hiến, nghiên cứu?
- Chúng ta đã có Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và mới đây là Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 và Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Bộ KH&CN đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 96/2007/NĐ-CP. Trong đó, sẽ đưa kinh phí hoạt động thường xuyên gồm tiền lương, tiền công và hoạt động bộ máy vào dự toán kinh phí đề tài. Việc này sẽ giúp các tổ chức KH&CN có thể lấy toàn bộ tiền lương, tiền công đưa vào quỹ thu nhập của tổ chức KH&CN từ mỗi nhiệm vụ KH&CN. Lãnh đạo đơn vị có quyền quyết định chi bao nhiêu theo mức đóng góp, năng lực của từng cán bộ trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Tuy nhiên, để có thể đưa được mức tiền lương, tiền công vào mỗi nhiệm vụ sẽ phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho mỗi loại đề tài. Việc này sẽ giải quyết được tình trạng có những chuyên đề không cần thiết nhưng vẫn được thực hiện để đủ chứng từ.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đưa ra những giải pháp cụ thể để đổi mới cơ chế tài chính.
Nhiều ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không áp dụng cơ chế khoán, bởi đây là cách làm nhanh nhất, hiệu quả nhất, thưa ông?
- Đó là cơ chế hiệu quả và là mong muốn của nhiều nhà khoa học nhưng không phải nhiệm vụ nào cũng khoán được. Với những sản phẩm có thể lượng hóa được, ví dụ như nghiên cứu giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL đề nghị chi 3-4 tỷ đồng để nghiên cứu ra một giống lúa mới. Sau 3 năm nếu không làm được sẽ trả lại tiền Nhà nước. Điều này rất đáng hoan nghênh.
Nhưng với lĩnh vực khoa học xã hội, chúng ta không thể lượng hóa mỗi trang giấy là 20.000 – 30.000 đồng được. Quan trọng là xác định được tính cấp thiết, chất lượng nghiên cứu, sự đóng góp của đề tài và phương pháp đánh giá, nghiệm thu đề tài. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra cơ chế quản lý mở, thuận lợi cho các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết Trung ương 2 năm 1996 về định hướng phát triển KH&CN (NQTW 2) đã là chiến lược dài hơi về KH&CN nhưng tại sao đến nay chúng ta phải xây dựng một Nghị quyết mới, thưa Thứ trưởng?
- Chúng ta đã làm được rất nhiều việc từ khi có NQTW 2 như việc đảm bảo chi 2% ngân sách cho KH&CN; xây dựng và ban hành Luật KH&CN; xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập và đang tiến hành chuyển một số viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN có nghiên cứu ứng dụng sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số nội dung còn khiêm tốn, ví dụ như việc xây dựng và phát triển thị trường công nghệ...
Như chúng ta đã biết, hiện nay cuộc cách mạng KH&CN phát triển ngày càng nhanh. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự phát triển kinh tế xã hội vượt bậc nhờ đầu tư phát triển KH&CN. Ví dụ như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... Còn tại Việt Nam, thời gian qua đất nước ta đã có nhiều thay đổi. KH&CN đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển của đất nước có thể thấy chúng ta vẫn đang khai thác thế mạnh của nguồn nhân lực dồi dào, khai thác tài nguyên thiên nhiên bán thô, không dùng công nghệ để chế biến nên giá trị gia tăng của các nguyên liệu không cao. Chúng ta xuất khẩu dầu thô, sau đó lại nhập xăng về; bán các quặng đồng, quặng thép nhưng lại nhập đồng, thép về gia công; xuất khẩu than đá và nhập than nhiệt lượng kém hơn về chạy trong nhà máy điện…
Việc xây dựng Nghị quyết mới về KH&CN chính là triển khai những nội dung và cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong các Nghị quyết của Đảng, trong đó chỉ rõ phát triển KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần có những chỉ đạo cụ thể, mạnh mẽ của Đảng để thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của xã hội nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nghị quyết mới đang xây dựng sẽ tập trung vào những nội dung chủ yếu nào, thưa ông?
- Về quan điểm phát triển KH&CN, dự thảo Đề án đưa ra là tập trung, nâng dần đầu tư của Nhà nước cho KH&CN song song với huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực và xây dựng tiềm lực KH&CN. Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN. Coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ. Nội lực là yếu tố quyết định, hợp tác và hội nhập quốc tế là nguồn ngoại lực quan trọng không thể thiếu trong phát triển KH&CN…
Có 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với sự phát triển KH&CN; Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tăng cường tiềm lực KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về KH&CN; Phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế tài chính, cơ chế quản lý KH&CN và chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài KH&CN... là những “nút thắt” trong hoạt động KH&CN Nghị quyết hướng đến để tháo gỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập thông tin phản hồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về những hạn chế, khó khăn trong hoạt động KH&CN, trên cơ sở đó sẽ đề xuất và hoàn thiện Đề án.