Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:17 pm
Cập nhật : 05/05/2011 , 14:05(GMT +7)
Định hướng Chiến lược phát triển KH&CN: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020. Đối với một nước công nghiệp hóa đi sau, đang chủ động, tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh việc tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược phát triển đến năm 2010, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đi trước trong xây dựng chiến lược phát triển là rất cần thiết và có ý nghĩa đối với chúng ta trong việc xây dựng các chiến lược nêu trên.

Tiếp cận hệ thống đổi mới quốc gia

Không thể xem nhẹ xu hướng chung của nhiều quốc gia ở các trình độ phát triển khác nhau từ mấy thập kỷ gần đây trong việc thay đổi tư duy, quan niệm và cách tiếp cận hoạch định chiến lược phát triển quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngay cả ở Việt Nam, vấn đề đã chính thức được thừa nhận từ nhiều năm nay và cũng không còn phải hoài nghi, phải chứng minh tính tất yếu, hoặc đối phó với quá trình toàn cầu hóa mà chủ yếu là nỗ lực để tìm cách tham gia sao cho có hiệu quả vào quá trình này. Toàn cầu hóa trong kinh tế và phát triển tất yếu dẫn đến hình thành những chuẩn mực, quy tắc chung chi phối các quan hệ hợp tác, cạnh tranh giữa các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và KH&CN nói riêng, gián tiếp liên quan đến cả việc hình thành một số chuẩn mực chung trong tư duy, quan niệm và cách tiếp cận hoạch định chiến lược phát triển. Cuộc họp cấp bộ trưởng của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đầu năm 2007 tại Paris (Pháp) đã khuyến cáo các nước thành viên sử dụng cách tiếp cận tổng thể và sử dụng một khung khổ chiến lược, chính sách rộng lớn hơn thay cho các cách tiếp cận bộ phận với từng chính sách riêng rẽ cho từng lĩnh vực trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển. Đây là hệ quả tất yếu của một thực tế là, hầu hết các quốc gia thuộc OECD đã từ bỏ cách tiếp cận bộ phận, chuyển sang áp dụng cách tiếp cận mới ở tầm tổng thể, mang tính chuẩn mực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả trong hoạt động KH&CN. Sự chuyển đổi này cũng là một xu thế tất yếu xuất phát từ sự chật hẹp của các khuôn mẫu tư duy và cách tiếp cận bộ phận khi hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển áp đặt cho một hiện thực phát triển được dự báo là ngày càng phức tạp, liên ngành và đan xen nhiều biến dị bất quy tắc. Đồng thời, cũng xuất phát từ nhu cầu khẳng định quyền tự chủ và khai thác khả năng tự liên kết, tự tổ chức, tự quản lý của các chủ thể phát triển trên phạm vi toàn cầu. Việc duy trì luận điểm “ kết hợp, gắn kết các chiến lược và chính sách phát triển bộ phận trong những khuôn khổ tư duy và tiếp cận từng phần, hạn hẹp ” không phải là một sự đổi mới thực sự, đủ tầm vóc để có thể giải quyết được những bất cập vốn rất nan giải trong năng lực điều phối các chính sách của bất kỳ một chính phủ nào trên thế giới. Trong khi đó, cách tiếp cận và khuôn khổ hệ thống đổi mới đã cho thấy khả năng khắc phục những khuyết tật của các chính phủ và của các hệ thống quản lý phân cấp hành chính theo thứ bậc trong nền kinh tế thị trường.

Trung Quốc là một ví dụ về sự chuyển đổi sang cách tiếp cận hệ thống đổi mới. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung điển hình với những quan niệm cứng nhắc về các kế hoạch bộ phận hợp thành, sự phân cấp, phân ngành của nền kinh tế theo sơ đồ tái sản xuất của C. Mác (trong đó có kế hoạch hóa KH&CN), nhưng chỉ sau vài năm hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển sang áp dụng tư duy và cách tiếp cận hệ thống đổi mới trong hoạch định chiến lược phát triển. Điều đó thể hiện qua cách xác định mục tiêu Trung Quốc phấn đấu đến năm 2020 trở thành một “quốc gia định hướng đổi mới” (Innovation - Oriented Country) rất khác với tư duy công nghiệp hóa theo cách diễn đạt đặc trưng vào những năm 50-70 của thế kỷ trước. Trong định hướng chiến lược tổng thể và theo tư duy đổi mới đó, hệ thống KH&CN được tuyên bố bằng văn bản do Chính phủ phê duyệt là: Sẽ chuyển đổi sang “ hệ thống đổi mới quốc gia mang màu sắc Trung Quốc ” . Có lẽ không một sự đổi mới trong chính sách đổi mới của một quốc gia nào lại được thế giới (nhất là các đối thủ cạnh tranh lớn của Trung Quốc như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu) chú ý đến như ở Trung Quốc. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, vì sự ổn định lâu bền, sự hùng cường của dân tộc, không một trói buộc nào về tư duy, một lối mòn truyền thống trong cách tiếp cận hoạch định chính sách nào đáng được duy trì và có thể ngăn cản tiến bộ xã hội hoặc trở thành “ vật tế thần ” cho thái độ bảo thủ và trì trệ, nhất là trong một lĩnh vực hoạt động xã hội vốn gần với các quy luật khách quan như hoạt động KH&CN.

Xây dựng tầm nhìn, xác định công nghệ then chốt, lô trình công nghệ

Để có thể định hướng phát triển KH&CN ở tầm quốc gia, các nước sử dụng nhiều công cụ khác nhau như xây dựng tầm nhìn, ra tuyên bố về chiến lược hoặc kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn; xây dựng các lộ trình công nghệ và kế hoạch hành động quốc gia về KH&CN. Tùy theo bối cảnh cụ thể của từng nước, các công cụ này được sử dụng với những vị trí và vai trò khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc là một nước lớn đang có tham vọng vươn lên thành 1 trong 5 cường quốc thế giới về KH&CN nên họ chú trọng đưa ra tầm nhìn phát triển KH&CN dài hạn đến 50 năm và kế hoạch phát triển KH&CN 15 năm (2006-2020). Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn đến lộ trình công nghệ cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia với tầm trung hạn (10 năm cho giai đoạn 2002-2012). Theo đó, cứ mỗi mục tiêu quốc gia lại được cụ thể hóa bởi nhóm các sản phẩm chiến lược và các công nghệ cần có để phát triển các sản phẩm quốc gia đó. Nhật Bản với tư cách là một cường quốc về công nghệ nhưng quá trình phát triển lại phụ thuộc rất sâu, rộng vào thế giới bên ngoài nên họ quan tâm trước tiên đến việc xác định một tầm nhìn đến năm 2025, trong đó lường trước những yếu tố bên ngoài sẽ tác động đến môi trường và chính sách phát triển trong nước để có thể chủ động lựa chọn một vị trí và vị thế tồn tại trong các quan hệ liên thuộc với thế giới. Ba đặc điểm quan trọng trong tư duy hoạch định chiến lược phát triển của Nhật Bản theo chúng tôi là: 1) Chú trọng nhìn trước, dự báo; 2) Thể hiện rất rõ năng lực làm chủ và thái độ chủ động trong tiếp cận xây dựng chiến lược, chính sách; 3) Sự kiên trì, nhất quán trong quá trình cập nhật các công cụ nhìn trước công nghệ (5 năm 1 lần) và lộ trình công nghệ (1 năm 1 lần). Năng lực và kinh nghiệm này, tất nhiên không phải quốc gia nào cũng có thể học hỏi được, nhưng rất đáng quan tâm.

Tuy có sự rất khác nhau giữa các nước trong việc sử dụng các công cụ định hướng chiến lược phát triển KH&CN nhưng cũng có thể thấy được một số điểm chung là: Hoạch định chiến lược không thể không bao gồm việc đưa ra các tầm nhìn về tương lai, qua đó thể hiện năng lực và thái độ chủ động lựa chọn mục tiêu, đồng thời, lý giải tại sao các mục tiêu chiến lược đó lại được lựa chọn. Tiếp theo, các mục tiêu chiến lược một khi được lựa chọn thì phải được cụ thể hóa và minh chứng tính khả thi bằng cách xác định các công nghệ then chốt và lộ trình công nghệ đi kèm, trong đó có tính đến cả nhu cầu thị trường, năng lực KH&CN và các yếu tố tổ chức khác cần có để hiện thực hóa các công nghệ then chốt đã lựa chọn. Tóm lại, xây dựng tầm nhìn, xác định công nghệ then chốt và các lộ trình công nghệ là 3 công cụ quan trọng trong quá trình định hướng chiến lược phát triển KH&CN mà nhiều nước đã và đang chú trọng áp dụng. Rất tiếc ở Việt Nam, ngoài những nội dung truyền thống, cho đến nay trong xây dựng chiến lược (về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp chung) thì cả 3 công cụ định hướng chiến lược mà nhiều nước đã áp dụng nêu trên đều chưa được quan tâm và chú ý thích đáng. Rõ ràng khi cần xây dựng một chiến lược không mang tính hình thức mà để hành động thì không thể không lưu tâm đến 3 công cụ hữu ích này, và cho dù làm chủ được các công cụ hoạch định chiến lược này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cơ quan quản lý và quá trình học tập kinh nghiệm các nước đi trước.

Ba lớp mục tiêu chủ yếu

Kinh nghiệm của Hàn Quốc nổi bật trong việc xác lập được mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất giữa mục tiêu phát triển quốc gia và mục tiêu phát triển KH&CN. Việc xác định 99 công nghệ then chốt cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2002-2012 được căn cứ vào và cụ thể hóa từ 13 định hướng phát triển và 49 sản phẩm và dịch vụ chiến lược quốc gia. Đến lượt nó, 49 sản phẩm và dịch vụ chiến lược quốc gia lại được căn cứ vào và cụ thể hóa từ 5 mục tiêu thể hiện tầm nhìn quốc gia vào năm 2012, trong đó mấu chốt nhất là mục tiêu trở thành quốc gia có năng lực cạnh tranh đứng thứ 10 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 20.000 đến 30.000 USD. Trung Quốc trong khi sử dụng cách tiếp cận hệ thống đổi mới để gắn các mục tiêu KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội thì vẫn duy trì 3 loại mục tiêu: Các mục tiêu cho nghiên cứu cơ bản, mục tiêu về phát triển một số công nghệ then chốt và mục tiêu ứng dụng công nghệ trong một số lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Điều đáng lưu ý trong kinh nghiệm xác định mục tiêu của Trung Quốc là việc đưa ra thứ hạng cụ thể cho năng lực sáng tạo KH&CN đứng vào hàng ngũ 5 cường quốc về KH&CN trên thế giới và phấn đấu đưa ra các kết quả KH&CN có ảnh hưởng ở tầm thế giới. Nhật Bản sử dụng tầm nhìn “ Innovation 25 ” để đưa ra và diễn đạt mục tiêu chung của quốc gia, sau đó thông qua các dự án nhìn trước công nghệ để lựa chọn ra 13 lĩnh vực và 858 công nghệ trọng điểm được ưu tiên phát triển. Thái Lan đã đưa ra các mục tiêu phát triển quốc gia cũng trong tầm nhìn, rồi cụ thể hóa bằng 4 lĩnh vực công nghệ nền cần đầu tư phát triển.

Nhìn chung, kinh nghiệm các nước có khác nhau nhưng đều thể hiện 3 lớp mục tiêu chủ yếu: 1) Các mục tiêu chung theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới đặt ra chung cho cả phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN; 2) Các mục tiêu cho nghiên cứu cơ bản và các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; 3) Các mục tiêu ứng dụng công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm quốc gia. Việt Nam nên và hoàn toàn có thể tham khảo cấu trúc xác định và diễn đạt mục tiêu này trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Bốn nhóm giải pháp quan trọng

Về các giải pháp thực thi chiến lược phát triển KH&CN. Quá trình nghiên cứu và phân tích kinh nghiệm của một số nước mà chúng tôi có thông tin cho thấy, sự lặp lại của một số giải pháp tập trung vào: 1) Cải cách thể chế tạo thuận lợi cho phát triển KH&CN, ví dụ: Xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia ở Trung Quốc; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp ở Nhật Bản; thành lập cơ quan quản lý nhà nước điều phối chính sách chung và hệ thống đổi mới quốc gia ở Hàn Quốc và Thái Lan; 2) Thực thi một số giải pháp, chính sách mấu chốt như đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài KH&CN (Trung Quốc, Thái Lan); ban hành các chính sách tài chính và tín dụng tạo thuận lợi cho hoạt động đổi mới công nghệ của khu vực doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành chủ thể chính của đổi mới công nghệ (Trung Quốc); 3) Tăng cường đầu tư cho KH&CN (Trung Quốc phấn đấu đầu tư 2% GDP vào năm 2015 và 2,5% GDP vào năm 2020 cho các hoạt động KH&CN); 4) Chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc). Nhìn chung, cả 4 nhóm giải pháp nêu trên đều có giá trị gợi suy đối với Việt Nam. Trong đó, đặc biệt đáng lưu ý ở nhóm giải pháp về cải cách thể chế cho phát triển KH&CN khi mà các “ khớp nối ” gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu với ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong sản xuất kinh doanh vẫn còn lỏng lẻo, chưa rõ ai là chủ thể chính thực hiện các gắn kết này. Doanh nghiệp còn yếu về tiềm lực và động lực đổi mới công nghệ. Trong khi đó, một bộ phận các tổ chức KH&CN đang lúng túng trong quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN hoặc hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Tầm quan trọng chiến lược của việc hình thành các chủ thể chính gánh vác nhiệm vụ đi đầu trong sự nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia như kinh nghiệm của Trung Quốc đã chỉ ra cho thấy: Trong hoạch định chiến lược KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020, bên cạnh việc xác định trúng các mục tiêu ưu tiên còn cần phải đề xuất được những cơ chế hữu hiệu, hình thành nhanh chóng đội ngũ các chủ thể của đổi mới công nghệ (có thể là từ các doanh nghiệp hiện hành hoặc từ các tổ chức KH&CN sau chuyển đổi). Đây chính là lực lượng chủ yếu thực thi chiến lược phát triển KH&CN theo tư duy đổi mới, là nguồn đầu tư, nơi sử dụng các đổi mới về KH&CN, là nơi gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ của hệ thống đổi mới quốc gia.

Thay lời kết

Tóm lại, thời đại toàn cầu hóa kinh tế và xu thế đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức với các nước đi sau, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển nói chung và KH&CN nói riêng. Kinh nghiệm hoạch định chiến lược và chính sách phát triển KH&CN mà nhiều nước đã trải qua (với cả những thành công và thất bại) trong những bối cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước thật sự có thể gợi suy nhiều điều cho Việt Nam. Quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 không thể tách rời và sẽ khó thành công nếu không tham khảo những bài học kinh nghiệm đó. Các bài học chủ yếu rút ra là: 1) Gắn kết (ở các mức độ khác nhau) quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng chiến lược phát triển KH&CN trong khuôn khổ của tư duy, cách tiếp cận hệ thống đổi mới quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; 2) Chú trọng tạo lập môi trường thể chế thuận lợi cho sự gắn kết và tự gắn kết các hoạt động KH&CN với sản xuất kinh doanh thông qua các doanh nghiệp KH&CN với vai trò là chủ thể chính của đổi mới công nghệ; 3) Bảo đảm tính khả thi của các mục tiêu chiến lược phát triển KH&CN thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn vai trò của một số công cụ định hướng chiến lược như: Xây dựng tầm nhìn dài hạn và các lộ trình công nghệ quốc gia.

 

Nguyễn Mạnh Quân
Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN - Bộ KH&CN

Nguồn tin: (Tạp chí Hoạt động KH&CN)

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner